Sáng tạo với báo in

Mạnh dạn lên đi, đừng đắn đo chi

Cuối năm 2015, khi tham dự phiên họp về sáng tạo với báo in trong khuôn khổ một hội nghị báo chí quốc tế, tôi đặc biệt quan tâm tới ý tưởng của một tờ báo Ấn Độ: Để thu hút sự chú ý với báo in tại một quốc gia có nhiều độc giả ở nông thôn và cuộc sống còn khá nghèo nàn, tờ báo này phát động một chiến dịch với câu khẩu hiệu đại khái là "đọc báo và muỗi sẽ tránh xa".

Các báo in tham gia triển khai ý tưởng tạo lá cờ Tổ quốc và vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các báo in tham gia triển khai ý tưởng tạo lá cờ Tổ quốc và vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cách làm của họ là trộn thuốc diệt muỗi vào mực in, tất nhiên đã thử nghiệm và bảo đảm không gây hại cho con người dù chạm vào những dòng chữ và ảnh. Khi độc giả cầm tờ báo này trên tay, quả thực muỗi không bén mảng trong một phạm vi hẹp chung quanh người đó. Họ chỉ làm với một số báo duy nhất và mang tính quảng bá là chính, nhưng ý tưởng sáng tạo kể trên khiến những người tham dự hội nghị phải ồ lên bất ngờ.

Trong một thế giới mà công nghệ báo chí truyền thông phát triển như vũ bão - đặc biệt là từ năm 2010 khi báo chí di động (mobile journalism) rồi kế đó là báo chí dữ liệu (data journalism) lên ngôi với những cách thức thể hiện đa phương tiện phức tạp, hấp dẫn và có rất nhiều thông tin, ngay đến truyền hình và phát thanh còn khó chạy đua chứ đừng nói đến báo in vốn được coi là già cỗi - thì những sáng tạo trên báo in khiến mọi người phải kêu "ồ" một tiếng như vậy không phải là nhiều.

Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu về báo chí, các chuyên gia đã chỉ ra con đường phát triển lâu dài là "chuyển đổi - sáng tạo - chấp nhận rủi ro". Sau một thời gian có phần lúng túng, thậm chí choáng váng, trước sự ra đời và phát triển vô cùng nhanh chóng của nhiều báo điện tử, dường như các tờ báo in có lịch sử phát triển lâu đời đã "hoàn hồn" và tìm ra đối sách cho mình. Giữa lúc hàng loạt tờ báo in phải đóng cửa và sa thải nhân viên thì cũng có những tờ báo giành lại vị trí dẫn đầu. Lý do quan trọng là các báo này đã mạnh dạn chuyển đổi và đi đầu về sáng tạo.

Vài năm qua, Thông tấn xã Việt Nam mua bản quyền cuốn sách Những sáng tạo trong báo chí của Mạng lưới Truyền thông Toàn cầu (FIPP) để xuất bản tiếng Việt. Một phần của cuốn sách này luôn dành để tổng kết những sáng tạo với báo in, mà càng tìm hiểu thì chúng ta càng ngạc nhiên trước sự năng động của các đồng nghiệp trên thế giới để mang lại sức sống mới cho ấn phẩm tưởng chừng chỉ còn phù hợp với các độc giả hoài cổ.

Thí dụ có những số báo được in trên giấy vệ sinh trong các phòng tắm công cộng, một quảng cáo trên tờ báo in là chiếc tách bằng giấy có thể gập lại được cùng với hạt cà-phê để độc giả tự chế ly cà-phê của mình, một tạp chí về bể bơi có những trang bên trong được làm bằng đá vôi không thấm nước (để nhỡ làm rơi tạp chí xuống bể bơi). Có những trang báo hướng dẫn độc giả cách làm một món ăn theo kiểu không thể đơn giản hơn: đặt từng miếng thịt xông khói, cà chua, phomai, rau và gia vị vào những vị trí vẽ sẵn trên trang báo, cuộn lại và cho vào lò nướng.

Đó cũng có thể là một trang bìa tạp chí mà người dùng có thể nói chuyện với nó và nó... nói chuyện lại. Có một quảng cáo mà độc giả có thể gỡ ra khỏi tạp chí, đặt bên cạnh giường ngủ, rồi sẽ được thưởng thức những âm thanh êm dịu và mùi hoa oải hương giúp ta chìm sâu vào giấc ngủ. Có tờ quảng cáo mà độc giả có thể dùng để bọc chai bia và cho vào tủ lạnh thì chai bia sẽ lạnh nhanh hơn thường lệ.

Có một tạp chí in hoàn toàn nhưng bạn lại phải nghe nó để có thể hiểu hết câu chuyện. Và rồi còn có kiểu quảng cáo làm thành một chiếc áo khoác rất thời trang mà người dùng có thể gỡ nó khỏi tạp chí và khoác lên mình. Có một quảng cáo giới thiệu cát từ 200 bãi biển ở Cộng hòa Dominica. Và có tạp chí với trang bìa mà bạn có thể tìm thấy trong bóng tối. Còn có một câu chuyện trên báo in được kể lại bằng giọng hát và một câu chuyện khác sử dụng một trò chơi để kể lại nội dung.

Có một quảng cáo in làm cho độc giả tưởng như đang cầm tay nắm cửa của một chiếc ô-tô mới, ngửi thấy mùi da mới, và nghe thấy tim mình đập thình thịch vì nghĩ tới cảm giác sung sướng khi được "lái" một chiếc ô-tô mới. Cũng cần phải nhắc đến một chiến dịch quảng cáo sử dụng hiệu ứng thực tế tăng cường cho phép độc giả "thử" mỹ phẩm trang điểm và tiếp đó, nếu họ thích, có thể mua những mỹ phẩm này.

Trở lại với phiên sáng tạo báo in tại Hội nghị báo chí năm 2015 mà tôi có cơ hội tham dự. Sau khi nghe thêm nhiều ý tưởng khác nữa, tôi thật sự thấy háo hức và muốn thử nghiệm điều gì đó với báo in ở Việt Nam. Ý tưởng in cờ Tổ quốc lên trang báo ra đời khi đó, và nhắm vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Quốc hội Việt Nam (năm 2016). Có điều, tôi là Tổng Biên tập một báo điện tử nên không có nền tảng để triển khai. Và tôi cũng không thuyết phục được lãnh đạo một vài tờ báo in thực hiện ý tưởng của mình. Câu chuyện rơi vào quên lãng, dù đôi lần tôi có trao đổi với một số đồng nghiệp trong lúc trà dư tửu hậu.

Rồi bỗng nhiên cơ hội xuất hiện. Đại dịch Covid-19 tàn phá muôn nơi, nhưng trong bối cảnh chung nguy cấp và u ám thì Việt Nam lại nổi nên như một thí dụ thành công về cách Chính phủ và các cơ quan chức năng cùng người dân kiềm chế hiệu quả sự lan tràn của virus SARS-CoV-2. Trong lúc tinh thần dân tộc lên cao như thế, lại đúng dịp kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2020), tôi quyết định đề nghị các tờ báo in của TTXVN gồm Tin Tức, Thể thao & Văn hóa và Vietnam News triển khai ý tưởng về lá cờ Tổ quốc. Độc giả cắt lá cờ in mầu hai mặt, cuốn cán cờ bằng một phần của trang báo để tự làm những lá quốc kỳ cho riêng mình, sau đó chụp ảnh đăng lên mạng xã hội với hashtag #toiyeuvietnam. Thậm chí có thêm năm tờ báo khác cùng tham gia.

Chúng tôi làm thử nghiệm, thiết kế mẫu chuẩn với hai khổ báo khác nhau, sản xuất video giới thiệu. Các công đoạn đều được thực hiện khá bài bản. Và kết quả đúng như mong đợi: ngày hôm đó mạng xã hội đỏ rực mầu cờ khi mọi người khoe những lá cờ nhỏ xinh cắm trên bàn làm việc, trên xe, trong phòng khách gia đình. Các tòa soạn cũng tưng bừng vì phóng viên, biên tập viên đều thấy thú vị về cách kết nối với độc giả rất độc đáo này. Nhiều người nhắn tin hỏi mua báo, hoặc kể chuyện phải vất vả đi tìm mua báo về cho trẻ nhỏ tạo lá cờ Tổ quốc ra sao. Chúng tôi rất vui vì có lẽ lâu lắm rồi mới thấy một phản ứng đầy tích cực như vậy với báo in.

Nhưng chúng tôi không dừng lại. Chỉ chưa đầy 20 ngày sau đó là kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, và những người làm báo TTXVN rất muốn có một cách thức kỷ niệm khác biệt nữa với báo in. Đương nhiên, sáng tạo là không lặp lại.

Chúng tôi có vài ý tưởng, và cuối cùng chọn phương án tô mầu tạo hình chân dung Bác Hồ. Ban đầu, chúng tôi định để cho độc giả tô mảng mầu trên bức vẽ kiểu như tranh cổ động của thập niên 70-80, nhưng sau khi tình cờ thấy hình Che Guevara được tạo ra bằng những hình tròn đơn giản mà vẫn rõ thần thái, chúng tôi quyết định đi theo hướng này. Công đoạn mày mò để biến từ bức ảnh sang hình vẽ ghép từ các hình tròn rồi chỉnh sửa cho đơn giản và gọn gàng nhất cũng khá mất công, sau một đêm và một ngày loay hoay thì sản phẩm hoàn thiện, chúng tôi tô thử ở vài kích thước và vài mầu khác nhau. Hoàn toàn hài lòng!

Chúng tôi nghĩ rằng nên có thêm phần việc nào đó sau khi đã tô xong bức chân dung để tăng tính tương tác hơn nữa của độc giả. Thế là lại loay hoay nghiên cứu cách thức gấp khung ảnh bằng phần còn lại của tờ báo. Cuối cùng là bổ sung chữ ký của Hồ Chủ tịch ở một góc còn phía bên kia gắn mã QR để kết nối người dùng với các bài viết về Người trên website của từng báo. Chúng tôi lại gấp rút làm video giới thiệu, tất nhiên phải làm theo cách thức nhanh nhất, đơn giản nhất và tiết kiệm kinh phí nhất. Lần này, có 10 tờ báo in hưởng ứng ý tưởng của TTXVN. Lại một lần nữa xuất hiện không khí náo nức với tờ báo in, chỗ nào cũng khoe tô mầu, làm khung, chụp ảnh, hân hoan phấn khích. Với những người làm báo in, tôi nghĩ không còn gì vui hơn.

Theo xu hướng chung toàn cầu thì tương lai của báo in không sáng sủa cho lắm, khó khăn vẫn đầy trước mắt và suy giảm là chuyện nhãn tiền - giảm cả về số phát hành, về lực lượng lao động, và giảm về nguồn thu quảng cáo. Nhưng đừng vì lý do đó mà báo in chấp nhận tụt hậu, chấp nhận đi sau trên xa lộ thông tin. Với tư duy luôn đổi mới và sáng tạo, chúng ta sẽ thấy rằng báo in có thể làm những điều mà các thể loại báo chí khác không thể làm được.

LÊ QUỐC MINH

Phó Tổng Giám đốc TTXVN