Lại nói về phẩm chất người thủ lĩnh

Có bao nhiêu phần trăm thủ trưởng thật sự là thủ lĩnh? Một câu hỏi định tính, khó định lượng. Nhưng để nói điều mong muốn của cộng sự, của cấp dưới, của mọi công nhân viên, chiến sĩ thì ai chẳng mong có người thủ trưởng đồng thời là thủ lĩnh.

Bí thư Chi bộ bản Tà Han, Xuân Lạc, Chợ Đồn (Bắc Kạn) Giàng A Trừ (đứng giữa) hướng dẫn bà con kinh nghiệm trồng giống ngô năng suất cao. Ảnh | Trần Hải
Bí thư Chi bộ bản Tà Han, Xuân Lạc, Chợ Đồn (Bắc Kạn) Giàng A Trừ (đứng giữa) hướng dẫn bà con kinh nghiệm trồng giống ngô năng suất cao. Ảnh | Trần Hải

Lâu nay chúng ta đã bàn nhiều về công tác cán bộ. Trong đó quan trọng nhất là việc đề bạt, cất nhắc, chọn đúng người đứng đầu. Không chỉ trong bộ máy hành chính nhà nước, mà ngay trong các tổ chức đảng, đoàn thể, mọi người thường quen gọi người đứng đầu là thủ trưởng, là "sếp". Chọn sai, bố trí sai thủ trưởng có thể ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng cơ quan, đơn vị và khả năng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị đó. Thậm chí, khi người đứng đầu kém đức, kém tài dễ dẫn tới vi phạm nguyên tắc lãnh đạo, nội bộ lình xình, đơn vị làm ăn bê bết.

Làm thế nào để có "con mắt xanh" khi chọn thủ trưởng? Trong một bài viết trước Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rất mộc mạc về việc lựa chọn nhân sự: Các đồng chí thành viên của Tiểu ban và Tổ Giúp việc phải là những cán bộ thật sự tin cậy, tuyệt đối trung thành, trung thực, trong sáng, công tâm, khách quan, đặc biệt là phải rất tỉnh táo, tinh tường, ("đừng nhìn gà hóa cuốc", "đừng thấy đỏ tưởng là chín", đừng chỉ thấy "cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong"). Tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII vừa qua, đồng chí Tổng Bí thư một lần nữa nhấn mạnh, cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, "giữ vững chế độ lãnh đạo tập thể, tăng cường trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu". Tuy đã được chọn lọc kỹ lưỡng, nhưng sau Đại hội chưa lâu, đã thấy có những trường hợp cán bộ mắc khuyết điểm nghiêm trọng, phải xử lý kỷ luật, trong đó có đồng chí là cán bộ cấp cao. Mới thấy việc lựa chọn cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, uy tín khó khăn biết chừng nào.

Chúng tôi có nhiều dịp bàn chuyện lựa chọn người đứng đầu cơ quan, đơn vị với các đồng chí lãnh đạo một số cơ quan tham mưu về công tác tổ chức cán bộ. Câu hỏi đặt ra, vì sao một số cán bộ tuy được giao trọng trách nhưng không có uy tín? Cấp dưới luôn "kính nhi viễn chi", họ chấp hành chỉ đạo, mệnh lệnh của anh là tuân theo pháp luật, nguyên tắc, chứ trong lòng thì không tin, không phục. Đã không tin thì làm sao có thể làm việc hết mình để đạt hiệu quả cao nhất. Nói chi đến tinh thần dám thay đổi, sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Có người nói, không hẳn ông thủ trưởng nọ không có uy tín, mà thật sự chỉ thiếu "tín" thôi. "Uy" thì tổ chức đã giao cho ông ấy rồi. Nói gần với đời sống hơn là, một số vị thủ trưởng không có phẩm chất của một thủ lĩnh. Thủ lĩnh được những người chung quanh yêu mến, thừa nhận, tôn vinh. Khi có những tiếng nói khác nhau, bàn bạc còn chưa ngã ngũ, nhưng việc cần kíp, thủ lĩnh nói, mọi người tin, nghe theo. Như thế, thủ lĩnh có cả "uy" và "tín". Xa xưa trong lịch sử nước ta, có những thủ lĩnh tiêu biểu như Lê Lợi (1385-1433). Đầu năm 1416, ông cùng với 18 người bạn thân thiết, chung chí hướng lập hội thề Lũng Nhai, lập nên nghĩa quân Lam Sơn, chống giặc Minh xâm lược, cứu nước. Từ núi Lam Sơn mà dấy nghĩa, làm điểm khởi đầu của nghĩa quân, một lựa chọn chính xác của thủ lĩnh. Bởi hơn ai hết, Lê Lợi hiểu rõ địa hình, địa vật, từng ngọn núi, dòng sông quê hương. Ông xứng đáng là thủ lĩnh vì có tấm lòng vì nghĩa lớn, sẵn sàng từ bỏ cuộc sống giàu sang, an nhàn của một chúa trại, từ chối lời dụ dỗ quan tước của nhà Minh để nương mình nơi chốn hoang dã.

Thời nay, chẳng hiếm những thủ lĩnh trên các mặt trận, thủ lĩnh nông dân, thủ lĩnh thanh niên, thủ lĩnh sinh viên... Từ các già làng ở buôn làng xa xôi, như bóng cây tỏa mát, khi Già xuất hiện, mọi trật tự ở đó được lập lại. Từ một ngành khoa học quan trọng có thể chọn cho mình người thủ lĩnh, luôn đứng ở mũi nhọn của các công trình, phát minh mới. Từ một mặt trận nóng bỏng bảo vệ an ninh - trật tự có những khắc tinh của bọn tội phạm, cũng đồng thời là thủ lĩnh của một nhóm điều tra. Gần đây nhất là bốn trận đánh tấn công giặc Covid-19, xuất hiện rất nhiều thủ lĩnh ở mặt trận và phía sau mặt trận. Đó là các nhà quản lý, các bác sĩ giỏi chuyên môn, bản lĩnh, quyết đoán trong việc khoanh vùng, cách ly, truy vết, điều trị. Một người nước ngoài tên là Mike Turner đã viết trên internet: "Không có gì là không thể ở Việt Nam. Đây là dân tộc có sức chống chịu cao nhất và lạc quan nhất". Đó là những người lính bám trụ ở biên giới, họ như những cánh cửa thép chốt chặn các đường mòn lối mở. Đó là những người lặng lẽ làm từ thiện, tổ chức mọi người thu mua, bán nông sản cho bà con vùng dịch. Một hàng khẩu hiệu nhỏ ghi bên cây "ATM gạo": "Ai thiếu cứ lấy, ai thừa mang cho" đủ cho ta ám ảnh, xúc động, đủ cho ta nghĩ về bóng dáng một thủ lĩnh thấp thoáng sau đó - thủ lĩnh của đức hy sinh và lòng nhân hậu.

Nhưng điều chúng tôi quan tâm nhất là, không ít các vị thủ trưởng cũng thật sự là thủ lĩnh. Họ không phải người tài hơn tất cả, nhưng biết quy tụ, sử dụng người tài, nhất là những người tài hơn mình. Họ có khả năng dẫn dắt, tập hợp những người trung bình, những người khá để đủ sức hoàn thành công việc của những tài năng. Sau Đại hội Đảng các cấp, xuất hiện một lớp cán bộ mới, trẻ, khỏe, được đào tạo cơ bản. Đó là điều dễ thấy. Cái "bền vững" hơn chính là uy tín, là khả năng phát triển của họ. Thật sự là thủ lĩnh bởi nhiều người có năng lực, có uy tín, dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm đến cùng. Gần đây Thủ tướng Phạm Minh Chính thường lưu ý, cán bộ chủ trì phải thực hiện nguyên tắc "ba không": Không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm. Làm đúng điều này chính là tìm cách bồi đắp uy tín của người lãnh đạo. Uy tín ấy có được là do tập hợp rất nhiều yếu tố, có thể gói gọn trong một câu: anh ấy, chị ấy xứng đáng. Về chuyên môn nghiệp vụ, trong cơ quan họ được xem là thợ cả. Về lối sống, họ khiêm tốn, luôn tôn trọng quyết định của tập thể lãnh đạo, đặt cái chung lên trên hết. Về lợi ích, hãy đặt lợi ích cá nhân "sếp" trong lợi ích chung của tập thể và mọi người. Có những câu chuyện đáng chú ý, cách đây mấy năm, một số trí thức trẻ được đưa về các xã vùng cao làm Phó Chủ tịch UBND xã. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ, Đảng ủy, chính quyền ở đó đều tha thiết xin các anh ở lại để giới thiệu làm chủ tịch và để chuẩn bị phát triển cao hơn nữa. Không chỉ có Đảng ủy, chính quyền mà bà con dân bản cũng rất yêu mến các cán bộ trẻ này. Đoàn thanh niên xã gọi Phó chủ tịch xã là "thủ lĩnh của phong trào thanh niên tiêu biểu".

Có bao nhiêu phần trăm thủ trưởng thật sự là thủ lĩnh? Một câu hỏi có phần trừu tượng. Chung quanh chúng ta còn không ít thủ trưởng đang mặc chiếc áo quá rộng, gánh cái gánh quá nặng so với sức mình. Vì thế uy tín của họ rất mong manh. Tuy nói vẫn có người nghe, đe vẫn có kẻ sợ, nhưng là nghe, là sợ vì bổn phận của cấp dưới, làm công ăn lương, còn trong lòng thì lạnh giá. Nghe mà không tâm phục, khẩu phục. Ở một tỉnh đồng bằng sông Hồng, có anh tiến sĩ giữ chức trưởng phòng lâu năm, là chiến sĩ thi đua, được đồng nghiệp quý mến, thế nhưng lần nào làm quy trình bổ nhiệm Phó giám đốc Sở cũng bị văng ra ngoài. Thế rồi người ngồi vào cái ghế ấy - một cán bộ trẻ, học hành chắp vá, nhảy việc liên tục cho hợp lệ - là con một vị lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. Thế thì làm sao cộng sự có thể tin vị "phụ huynh" đặc biệt kia có tầm thủ lĩnh? Vâng, một phẩm chất thủ lĩnh còn phải biết dừng, biết đủ, biết hy sinh. Mọi ngụy biện, thanh minh sớm muộn cũng sẽ lộ diện. Hy sinh! Không chỉ trong chiến tranh trước hòn tên mũi đạn. Thời nay có vô vàn thứ cám dỗ. Nhường lại một chuyến đi nước ngoài, dành lại một suất nhà đất, từ chối một chức vụ, v.v. Trước Đại hội Đảng bộ các cấp vừa rồi, một số đồng chí đã chủ động xin về hưu sớm không tái cử để tạo điều kiện cho cán bộ trong quy hoạch. Những dẫn chứng đó là những xác tín về những điều tốt đẹp tiêu biểu cho phẩm chất người lãnh đạo.

Thủ trưởng-thủ lĩnh, câu chuyện tưởng chẳng có gì mới, nhưng nó luôn luôn là đề tài lâu dài, hệ trọng. Bởi đã sinh ra tổ chức thì phải có người làm quan, người làm lính. Dù làm lính hay làm quan cũng phải cháy hết mình, đó là động lực tồn tại, phát triển. Trong chế độ chúng ta không có quan, chỉ có người làm lãnh đạo, người chịu trách nhiệm ra các mệnh lệnh rồi lại cùng tập thể tìm cách thực hiện triệt để, thành công nhất mệnh lệnh ấy. Còn có một mệnh lệnh nữa, mệnh lệnh từ trái tim. Khi thủ trưởng thật sự là thủ lĩnh thì cả đơn vị, cơ quan là một gia đình lớn. Khi ấy trong tim mỗi cán bộ, nhân viên cấp dưới đã sẵn mệnh lệnh ấy rồi.