Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV

Kỳ vọng bước chuyển sau thành công của phiên chất vấn

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân và cử tri cả nước. Nhiều vấn đề nóng từ thực tiễn cuộc sống ùa vào nghị trường, không khí “hỏi đúng, đáp trúng” sôi nổi với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao, chủ tọa điều hành khoa học, linh hoạt đã tạo dấu ấn cho sự thành công tốt đẹp.

Ba Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời chất vấn. Ảnh trong bài | Đăng Khoa
Ba Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời chất vấn. Ảnh trong bài | Đăng Khoa

Sức nóng từ những vấn đề chất vấn

Với 266 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đăng ký, gần 160 lượt ĐBQH chất vấn, tranh luận cho thấy không khí sôi nổi và sức nóng của những vấn đề lớn mà ĐBQH và cử tri hết sức quan tâm. Bốn nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn rất “đúng và trúng” liên quan đến quốc kế, dân sinh, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19. Nông nghiệp là bệ đỡ, ngân hàng là một trong những huyết mạch của nền kinh tế, lĩnh vực tài chính đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội đất nước, nhiều chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp, phát triển giao thông góp phần thúc đẩy các ngành sản xuất và dịch vụ, hoạt động kinh tế, văn hóa các địa phương phát triển theo.

Tiếp tục kế thừa cách thức thực hiện “hỏi nhanh-đáp gọn” từ các kỳ họp trước, mỗi lượt có từ ba đến năm ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn không quá 1 phút, tập trung một hoặc vài vấn đề cần thiết nhất, thời gian mỗi lần tranh luận không quá 2 phút, trả lời không quá 3 phút đối với một vấn đề chất vấn. Nhìn chung, nội dung chất vấn ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào những vấn đề cốt lõi vừa cấp bách vừa có tính cơ bản, chiến lược lâu dài xuất phát từ thực tiễn cuộc sống. Nhiều câu hỏi sắc sảo thể hiện tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm cao và chuẩn bị chu đáo, nghiên cứu kỹ lưỡng của các ĐBQH, bám sát nhóm vấn đề, đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành phân tích, làm rõ về giá sách giáo khoa; quản lý nhà đất của các cơ quan sau khi sáp nhập, di dời; chống thất thu thuế trong kinh doanh bất động sản, tác động do giá xăng dầu liên tiếp tăng cao; tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, hạ tầng giao thông miền núi, điều hành tín dụng thế nào để ngăn lạm phát, tránh bong bóng bất động sản; giá vật tư nông nghiệp tăng mạnh vào vụ mùa sản xuất khiến nông dân rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí thua lỗ; làm sao để đưa ngành nông nghiệp lên một tầm cao mới... Không ít câu hỏi khó, hay được đề cập trực diện, đề nghị Bộ trưởng, trưởng ngành cho biết về hiện tượng xe biếu, tặng thực chất là cách lách luật, trốn thuế, làm thất thu ngân sách nhà nước; biện pháp khắc phục khó khăn trong rà soát phương án sắp xếp, xử lý nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa; một số doanh nghiệp thoái vốn nhưng thực hiện chưa triệt để, công tác cổ phần hóa, thoái vốn của một số bộ, ngành, địa phương còn một số hạn chế, đặc biệt liên quan đến đất đai dẫn đến thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước... Chất vấn của ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) về tính hợp lý của cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại, của ĐBQH Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước đối với diễn biến không bình thường của thị trường kinh doanh vàng miếng trong nước. Một số vấn đề đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết căn cơ, triệt để cũng được xới xáo, điển hình là câu hỏi của ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) và một số đại biểu về “điệp khúc” được mùa mất giá. Với kinh nghiệm thực tiễn, hiểu biết của mình, một số ĐBQH còn tranh luận sắc sảo, truy đến cùng trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành, gợi mở, hiến kế nhiều giải pháp, tạo nên tính kịch tính, lôi cuốn và tăng tính đối thoại, dân chủ, cởi mở của phiên chất vấn.

Kỳ vọng bước chuyển sau thành công của phiên chất vấn -0
 Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.

Trả lời đúng trọng tâm, cầu thị tiếp thu

Với tinh thần trách nhiệm và cầu thị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh báo cáo làm rõ hơn những vấn đề trách nhiệm chung của Chính phủ và cùng bốn Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời các câu hỏi của ĐBQH, giải trình các vấn đề còn bất cập, vướng mắc, nêu rõ quyết tâm tạo chuyển biến sau phiên chất vấn, qua đó thể hiện bản lĩnh cũng như sự chuẩn bị chu đáo. Các thành viên Chính phủ dù lần đầu đăng đàn hay có nhiều kinh nghiệm trả lời chất vấn đều nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, giải đáp nhiều vấn đề khó, nhận rõ trách nhiệm, tồn tại, hạn chế, đề xuất một số giải pháp khắc phục. Lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội nhưng với kinh nghiệm thực tiễn phong phú và nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời đầy đủ, bao quát các vấn đề ĐBQH đặt ra, đồng thời gợi mở nhiều định hướng lớn và đề xuất một số giải pháp cụ thể. Với tinh thần cầu thị tiếp thu, lắng nghe, không né tránh, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã làm rõ nhiều vấn đề các ĐBQH chất vấn và chỉ rõ các giải pháp với quyết tâm cao nhất thực hiện các cam kết. Nhận nhiệm vụ mới trong một thời gian không dài nhưng trả lời chất vấn thẳng thắn, mạch lạc của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cũng cho thấy sự sâu sát, nắm chắc vấn đề, giải trình thuyết phục, đưa ra nhiều giải pháp xử lý, khắc phục với mục tiêu cao nhất là bảo đảm lợi ích quốc gia, lợi ích của cử tri, nhân dân.

Điều cử tri luôn mong mỏi qua trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ là “đúng, trúng vấn đề ”, nêu bật được những giải pháp căn cơ, rõ thời gian, lộ trình thực hiện nhằm tạo chuyển biến thực chất trong thời gian tới. Không chỉ trả lời cụ thể, kỹ lưỡng về những vấn đề liên quan chi tiết ở từng nội dung trong các khoản, mục về ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Tài chính thẳng thắn nhận một phần trách nhiệm trước những khuyết điểm, tồn tại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán và cho biết Bộ đã có giải pháp tăng cường kiểm tra, đưa trí tuệ nhân tạo vào theo dõi nghiệp vụ các vấn đề phát sinh, quá trình lên xuống đột ngột đối với các cổ phiếu, sắp tới sẽ tham mưu sửa đổi, hoàn thiện Luật Chứng khoán, quy định rõ điều kiện phát hành. Thẳng thắn nhìn nhận giá nguyên vật liệu xây dựng có biến động lớn, gây khó khăn trong triển khai dự án, để khắc phục, Bộ trưởng Giao thông vận tải cho biết, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan nắm bắt diễn biến công trình làm căn cứ điều chỉnh giá phù hợp, sát thực tiễn; chủ động mời các cơ quan thanh tra, kiểm toán, công an tham gia ngay từ giai đoạn đầu triển khai dự án bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời phát hiện, khắc phục các tồn tại. Liên quan đến việc để đứt gãy chuỗi cung ứng, bên cạnh yếu tố bất khả kháng do dịch Covid-19, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng thừa nhận một phần trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi chậm thông tin đến người dân, dẫn đến tình trạng hàng hóa bị ùn ứ, không thể xuất khẩu…từ đó tìm ra giải pháp phù hợp, hữu hiệu để khắc phục.

Các Phó Thủ tướng cùng một số Bộ trưởng tham gia giải trình, làm rõ thêm các nội dung liên quan giúp các nội dung trả lời chất vấn bảo đảm toàn diện, dưới nhiều góc độ. Tuy nhiên, đôi khi vẫn còn có câu hỏi trùng lắp; phần trả lời còn chung chung, chưa sáng rõ giải pháp, lộ trình thực hiện mà vẫn dừng ở cung cấp thông tin...

Thành công của phiên chất vấn không thể thiếu vai trò của chủ tọa điều hành khoa học, linh hoạt, dẫn dắt hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đi đúng quỹ đạo theo những nhóm vấn đề đã được Quốc hội lựa chọn, bảo đảm thời gian hỏi, trả lời và đúng trọng tâm, tạo không khí sôi nổi, thẳng thắn tại nghị trường.

Dư âm, hiệu ứng từ phiên chất vấn kỳ họp này để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng cử tri và nhân dân cả nước; góp phần lan tỏa cảm hứng, hành động sáng tạo trong nỗ lực đổi mới hoạt động giám sát, làm cho hoạt động của Quốc hội sát thực tiễn, đậm hơi thở cuộc sống hơn. Kinh tế nước ta đang hồi sinh mạnh mẽ sau hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch đòi hỏi các thành viên Chính phủ cầu thị tiếp thu những đóng góp của các ĐBQH, chủ động nắm bắt tình hình, điều hành hợp lý và hiệu quả hơn, có nhiều giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế với lộ trình và mục tiêu cụ thể, rõ ràng, để “lời hứa” không rơi vào quên lãng. Sự giám sát, theo dõi, đôn đốc của các cơ quan của Quốc hội, các ĐBQH trong việc thực hiện lời hứa hậu chất vấn cũng là cơ sở cho sự kỳ vọng vào những chuyển biến thực chất và đột phá trong thời gian tới.