Kiên định con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tập trung làm rõ ba vấn đề lớn: Một là, việc lựa chọn con đường XHCN và khẳng định nhận thức mới của Đảng ta về CNXH trên cơ sở lý luận và thực tiễn khoa học.

Ảnh | TRẦN HẢI
Ảnh | TRẦN HẢI

Hai là, tổng kết thực tiễn đổi mới ở Việt Nam để đánh giá và khẳng định sự đúng đắn của việc chọn đường và những thắng lợi của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong việc lựa chọn con đường ấy; ý nghĩa lịch sử rất quan trọng của những thắng lợi đã đạt được trong quá trình đổi mới. Ba là, từ nhận thức lý luận cũng như tổng kết thực tiễn, Tổng Bí thư nhấn mạnh nhiệm vụ thời gian tới của Đảng và nhân dân ta để đưa sự nghiệp đổi mới, xây dựng CNXH ở Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn hơn.

Vấn đề đầu tiên được đề cập trong bài viết là, CNXH là gì? Đây là một vấn đề lý luận cơ bản, rất quan trọng, được đặt ra từ khi Đảng ta quyết định đường lối đổi mới tại Đại hội Đảng lần thứ VI; sau đó được đề cập trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” (năm 1991) và đặc biệt là trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” (bổ sung, phát triển năm 2011), trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cũng như trong các bài viết của Tổng Bí thư trong thời gian vừa qua. CNXH được đề cập trong bài viết là CNXH khoa học dựa trên học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay.

Tác giả bài viết đã đưa ra những nhận thức mới, sâu sắc về mặt lý luận, tổng kết thực tiễn khi nói về CNXH Việt Nam, mà trong đó sự phát triển là thật sự vì con người, phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, một xã hội nhân ái đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn; phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai. CNXH ở Việt Nam mà trong đó hệ thống chính trị quyền lực thật sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Đó chính là bản chất ưu việt, tốt đẹp, giá trị đích thực của CNXH và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì
theo đuổi.

Nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn xây dựng CNXH ở Việt Nam trong quá trình đổi mới, Tổng Bí thư cho rằng, mặc dù vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nhưng Đảng ta đã hình thành nhận thức tổng quát về CNXH Việt Nam.

Đồng chí Tổng Bí thư khẳng định: Xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là xã hội con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển, xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm; vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người, cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số cá nhân và các phe nhóm.

Bài viết của Tổng Bí thư đã chuyển tải một thông điệp mạnh mẽ, khẳng định ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, tiếp tục kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là con đường duy nhất đúng đắn, là con đường đi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi. Bài viết quan trọng này càng có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Qua đó, cảnh tỉnh, cảnh báo và răn đe những ai suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhận thức mơ hồ, sai lệch về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Đó cũng là luận cứ khoa học xác đáng, là cơ sở thực tiễn phê phán, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch xuyên tạc bản chất tốt đẹp của chế độ ta, phủ định con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.