Tri ân & Chia sẻ

Hồi ức “đường mòn Hồ Chí Minh” trên sông

Đứng ngay dưới tượng đài Kênh nhà Lê lặng thinh trầm mặc trong cái nắng bốc hỏa cả mặt đường nhựa miền trung những ngày tháng 7, TS Trần Đình Trị - nguyên Phó Cục trưởng Cục Đường sông khoát tay ra cả vùng mênh mang xa vắng: “Kia là cầu Cấm, nơi giao nhau của đường sắt, đường bộ, đường thủy nên đã trở thành trọng điểm mà máy bay địch đánh phá vô cùng ác liệt”. Bất chấp cái chết luôn cận kề, hàng vạn chiếc thuyền nan vẫn nối dài theo dọc tuyến Kênh nhà Lê từ Ninh Bình vào Hà Tĩnh, hàng vạn lượt cán bộ, công nhân viên, thanh niên xung phong ngành Giao thông vận tải và cư dân các địa phương đã làm nên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trên

Ông Trần Đình Trị, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đường sông bên kênh Than, đoạn Kênh nhà Lê (cầu Gầm, Tĩnh Gia, Thanh Hóa).
Ông Trần Đình Trị, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đường sông bên kênh Than, đoạn Kênh nhà Lê (cầu Gầm, Tĩnh Gia, Thanh Hóa).

“Xa xa đoàn thuyền nan”...

“Thật khó hình dung nổi đã có những tháng ngày gian khổ, mất mát thế nào”, ông Phạm Văn Bảo rưng rưng cảm thán. Vốn là cán bộ kỹ thuật Đoạn đường sông số 7 (tiền thân của Công ty cổ phần quản lý và xây dựng giao thông thủy bộ Nghệ An ngày nay) ông Bảo từng trải qua một thời tuổi trẻ sôi động nhiệt thành trên Kênh nhà Lê. “Những năm 1966, 1967 máy bay ném bom và pháo địch từ biển bắn vào cầu Cấm (xã Nghi Yên huyện Nghi Lộc) suốt đêm ngày. Thành thói quen, địch đánh phá ở đâu, trước khi ra biển bay qua vùng này là thi nhau trút bom thừa, nên không có quy luật nào để các lực lượng của ta phòng tránh. Suốt dọc tuyến Kênh nhà Lê, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã cho lập nhiều trạm, huy động công sức của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến để nạo vét khai thông luồng chảy, bốc dỡ hàng hóa. Dân các vùng Nghệ An độ ấy nhiều người thiếu đói, cả tháng không có cơm ăn. Dẫu vậy, mặc cho thuyền chở thóc gạo rau xanh trú ẩn neo đậu tránh bom sát mép nhà dân có đợt cả tháng trời, không một người dân nào động đến một cọng rau, hạt gạo. Chớm hè năm 1966, đúng thời điểm cả trăm chiếc thuyền bị mắc cạn trên Kênh nhà Lê đoạn qua Diễn Vạn do nước rút, thủy triều xuống thì không may địch phát hiện ra. Lúc ấy ta lại chưa kịp cất giấu, ngụy trang tàu thuyền. Máy bay địch cấp tập rải thảm, tàn sát. Trong khoảnh khắc, máu hòa với dòng nước xanh, nhuộm đỏ cả khúc sông dài. Riêng trận này, đội TNXP C206 đã vĩnh viễn mất đi hơn 10 người con ưu tú, những con người vừa qua tuổi đôi mươi chưa được bao lâu, cùng với đó là rất nhiều người dân vô tội của các xã Diễn Vạn, Diễn Hồng, Diễn Hải”, ông Phạm Văn Bảo nhưng nhức hồi tưởng về những tháng ngày tưởng mới chớp mắt đây mà đã đi qua quá nửa đời người. Thế nhưng C206 chỉ là một trong ba đại đội TNXP (với tổng quân số cả nghìn người), được Bộ GTVT cử chốt chặn các đoạn trọng yếu trên suốt tuyến Kênh nhà Lê, tập hợp những gương mặt hừng hực sức trẻ đến từ các huyện Thụy Anh, Thái Ninh (nay là Thái Thụy) và Đông Quan (Đông Hưng hiện tại) của vùng quê lúa Thái Bình. Từ năm 1965, C206 đảm trách nhiệm vụ chuyên chở lương thực, nhu yếu phẩm từ Thanh Hóa vào Hà Tĩnh, có khi tới tận Quảng Bình, Quảng Trị. Phương tiện chỉ là thuyền nan, có thời điểm cả vạn chiếc thuyền chèo tay nhịp nhàng xuôi theo dòng kênh nghìn năm tuổi. Bối cảnh lúc đó khó có thể dùng thuyền sắt, thuyền gỗ thì phải đóng bằng đinh gỗ mới tránh được bom từ trường. Đất nước thời chiến thiếu thốn muôn phần, một lúc kiếm được cả nghìn, cả vạn động cơ máy là chuyện hoang đường nên phương án thuyền nan đã được lãnh đạo Bộ GTVT, lãnh đạo Cục Đường sông thông qua. Thuyền nhỏ, dài dễ cơ động luồn lách qua các đoạn kênh hẹp lòng, và sức chứa cao, tối thiểu cũng đạt tải trọng ba đến năm tấn hàng hóa. “Mỗi con thuyền nan thường có hai thủy thủ thay nhau khua mái chèo. Giai đoạn đầu bố trí toàn thủy thủ nam, nhưng sau đó thanh niên trai tráng lên đường tòng quân nhiều, thiếu nhân lực phải điều động một nam một nữ. Cũng có ý kiến, thanh niên trai gái đơn độc cùng nhau ròng rã cả tháng trời trên thuyền, dễ nảy sinh vấn đề phức tạp, nhưng rồi các đơn vị, các cấp ủy luôn quán triệt tinh thần cho anh chị em nhằm tránh những phát sinh đáng tiếc”, TS Trị chợt tươi vui dí dỏm.

Xấp xỉ 50 năm sau những thời khắc in sâu vào tâm khảm, ký ức lại trở về sục sôi cuồn cuộn trong sức vóc còn dẻo dai, nhanh nhẹn của cựu Phó Cục trưởng Cục Đường sông Trần Đình Trị. Sầm sập giữa cái nắng nóng dễ làm tiêu hao năng lượng mỗi người, chôn chân trên chuyến xe rì rầm di chuyển với vận tốc rùa bò do quốc lộ 1A đoạn từ Thanh Hóa vào Vinh được xới tung toàn tuyến để tu sửa mở rộng, TS Trị vẫn như in nhớ bất cứ một dấu tích nào liên quan đến Kênh nhà Lê. Mặc cho sự gay gắt đang ở tầm chính ngọ, ông Trị nằng nặc đòi xuống xe, xăm xăm băng qua cung đường bỏng rẫy để tới kênh Than, đoạn Kênh nhà Lê bên cầu Gầm ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Lòng kênh thắt eo, tưởng một với tay là chạm tới bờ bên kia, mặt nước biêng biếc mầu trời, lặng lờ trôi vô tư lự. “Địch dội mưa bom bão đạn xuống Kênh nhà Lê đoạn qua Tĩnh Gia còn khốc liệt hơn cả cầu Cấm. Mảnh đất này cũng từng phải chịu những tổn thất khôn cùng”, TS Trị chùng giọng. Được đào tạo bài bản chuyên ngành xây dựng cảng đường thủy ở nước ngoài, Trần Đình Trị đã gắn bó trọn tuổi trẻ của mình dọc theo tuyến Kênh nhà Lê trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Cùng sống, cùng chiến đấu sinh hoạt với chàng kỹ sư hừng hực khát vọng cống hiến là một tập thể nữ TNXP tụ về từ nhiều vùng miền phía bắc. Những khẩu hiệu nằm lòng trong sâu thẳm con tim thúc giục mời gọi các chàng trai cô gái không giây phút nào lơ là nhiệm vụ: “Địch đánh ta sửa ta đi; Địch phá ta cứ đi; Mở đường mà tiến, đánh giặc mà đi”. Tháng 2-1966, một trận không kích của giặc lái Mỹ đã gây nên cảnh tang tóc ngập tràn kênh Than. Trong số những người vĩnh viễn nằm lại với lòng đất mẹ có Nhâm, một nữ TNXP xinh đẹp chưa kịp mừng sinh nhật tuổi 20. “Nhâm thiêm thiếp trên bãi cỏ bất chấp sự nghiệt ngã của thực tại vẫn xanh nhức mắt. Trông cô như đang ngủ. Đồng đội vây quanh, không ai ghìm được cảm xúc của mình”. Hình ảnh Nhâm đã đeo đẳng gần trọn cuộc đời, để rồi bất cứ lúc nào có dịp đi qua tuyến đường này, ông Trị đều dừng lại dù chỉ phút giây, để được nhìn, được nghĩ, được thanh thản ngẫm ngợi về những con người “mãi mãi tuổi hai mươi” và tự vấn chính mình trong một bài thơ ngẫu hứng: Về thay áo cho em/ Vì thương em ngày ấy/ Áo sờn lúc chia tay/ Sao xót xa làm vậy?

Hồi ức “đường mòn Hồ Chí Minh” trên sông ảnh 1

Cán bộ, công nhân viên Cục Đường thủy nội địa dâng hương tại Đài tưởng niệm Kênh nhà Lê. Ảnh trong bài: DƯƠNG MAI

Phương tiện chỉ là thuyền nan, có thời điểm cả vạn chiếc thuyền chèo tay nhịp nhàng xuôi theo dòng kênh nghìn năm tuổi.

Nối dài lịch sử nghìn năm

Khởi nguồn từ thời tiền Lê, được đích thân Vua Lê Hoàn quan tâm đốc thúc, việc đào Kênh nhà Lê từ Hoa Lư (Ninh Bình) vào tận tới Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) với tham vọng nối các con sông nội địa lại với nhau, mở ra tuyến vận tải thủy cho mục đích giao thương và quân sự. Theo dọc dài thời gian, suốt các triều đại lịch sử sau đó, từ Lý, Trần, hậu Lê tới thời nhà Nguyễn, Kênh nhà Lê đều được chăm chút mở mang và là chứng nhân của các sự kiện ăn sâu vào hồn dân tộc. Đến năm 1964 đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh ra miền bắc, các tuyến đường sắt, đường bộ vào Quảng Bình, Quảng Trị luôn chực chờ trong trạng thái bị tắc nghẽn, hủy diệt. Trước thực tế đầy cam go thách thức, Bộ GTVT đã có sáng kiến khai thông lại tuyến Kênh nhà Lê, làm con đường vận tải thủy hữu hiệu đưa hàng hóa qua trọng điểm đánh phá miền trung, giao Cục Đường sông (nay là Cục Đường thủy nội địa) triển khai. Chừng 500 km kênh từ Ninh Bình vào Hà Tĩnh được nạo vét, khơi thông lập bến bãi, rà phá bom, thủy lôi, bảo đảm an toàn cho tàu bè qua lại. Từ chuyến tàu đầu tiên năm 1965 đến khi hòa bình lập lại ở miền bắc cuối 1972, khó có thể định lượng tính đếm được, đã có bao nhiêu con thuyền uyển chuyển, bao nhiêu tấn hàng được lèo lái trên dòng sông nối dài lịch sử bằng chính công sức, mồ hôi nước mắt và cả máu xương, tuổi trẻ của biết bao con người.

Giai đoạn đầu của tuyến vận tải Kênh nhà Lê, lực lượng TNXP, dân công hỏa tuyến đã tận dụng tối đa sự lợi hại của thuyền nan để dồn dập chuyên chở những chuyến hàng như bước chân thần tốc của đội quân Quang Trung từ đàng trong ra Thăng Long đánh quân xâm lược nhà Thanh. Các năm sau sự bí mật đã mất đi, những thủy thủ nghiệp dư vừa phải chèo lái con thuyền không động cơ, vừa tránh né sự bắn phá của địch, giảm thiểu tối đa những tổn thất thương tâm. Với những con người vẹn nguyên trở về từ quá khứ hào hùng, Kênh nhà Lê được trân trọng coi như một “đường mòn Hồ Chí Minh” trên sông cả về đóng góp cho sự nghiệp chống Mỹ xâm lược, thống nhất nước nhà, thêm cả những gian khó hy sinh chưa kể hết thành lời. Có lẽ vậy, ngay khi đương chức Cục phó, còn nhiều ảnh hưởng, TS Trần Đình Trị đã ngược xuôi xông xáo, huy động các nguồn lực cùng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải Nghệ An, Công ty cổ phần quản lý và xây dựng giao thông thủy bộ Nghệ An khánh thành cho bằng được đài tưởng niệm Kênh nhà Lê ngay từ năm 1996. Trước mặt là quốc lộ 1A, cầu Cấm vắt ngang tuyến đường sắt và dòng nước trong veo không ngưng nghỉ bài ca về những anh hùng liệt sĩ vô danh, những người con gái con trai thà chết chứ không để các cung đường vào nam bị đình trệ tắc nghẽn, sau lưng là đường 15, tượng đài Kênh nhà Lê khiêm nhường đơn côi giữa vùng núi non đang cựa mình phát triển, y như chiến công vang dội của ngành GTVT, của lực lượng TNXP, dân công hỏa tuyến ngành GTVT đang bị thời gian phủ lớp bụi mờ, khuất lấp, chưa có nhiều cơ hội lộ sáng, rạng danh với đương thời...

Kênh nhà Lê được trân trọng coi như một “đường mòn Hồ Chí Minh” trên sông cả về đóng góp cho sự nghiệp chống giặc Mỹ xâm lược, thống nhất nước nhà, thêm cả những gian khó hy sinh chưa kể hết thành lời.