Đồng lòng vượt qua thách thức mới!

Cuộc chiến ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch Covid-19 đã đạt kết quả bước đầu tích cực, mở ra giai đoạn “bình thường mới” nhằm sớm phục hồi sản xuất, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, ổn định đời sống nhân dân. Tính đến ngày 18/10/2021, kể từ khi bùng phát đại dịch lần thứ tư, cả nước đã ghi nhận hơn 859 nghìn ca mắc mới, hơn 789 nghìn người đã khỏi bệnh và có hơn 21 nghìn người tử vong. Hiện nay có 2/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 16 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn, riêng tỉnh Cao Bằng chưa ghi nhận ca mắc. Cả nước đã tiêm được hơn 64,1 triệu liều vaccine. Tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên tiêm ít nhất 1 liều đạt 62%, tỷ lệ người tiêm đủ 2 liều đạt 25%. Tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt.

Sản xuất mít sấy tại Công ty TNHH Thuận Hương, huyện Định Quán (Đồng Nai). Ảnh | Bình Nguyên
Sản xuất mít sấy tại Công ty TNHH Thuận Hương, huyện Định Quán (Đồng Nai). Ảnh | Bình Nguyên

Nhìn tổng thể, tình hình dịch cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Đây là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận rộng lớn của các tầng lớp nhân dân. Nhờ vậy công tác an sinh xã hội được giữ vững, đời sống của nhân dân trong vùng dịch về cơ bản được ổn định. Đến nay, đã có hơn 15 nghìn doanh nghiệp với gần 1,5 triệu người lao động đang thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm” hoặc kết hợp cả “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm”, v.v.

Tuy nhiên, những kết quả bước đầu ấy, không cho phép chúng ta tự mãn, chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào, nhất là trong thời gian vừa qua đã có số lượng lớn người dân di chuyển từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về quê - nơi các địa phương đã nới lỏng giãn cách xã hội; và như vậy sẽ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các đợt dịch tiếp theo.

Từ tình hình đó, nhiệm vụ trọng tâm của các ngành, các cấp, các địa phương vẫn là dồn sức chống dịch, thực hiện các biện pháp an toàn, thích ứng, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng nhân dân; gắn liền nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an dân, an sinh, trật tự an toàn xã hội. Như vậy, cả nước đang bước vào giai đoạn “bình thường mới”, càng đòi hỏi sự đồng thuận và quyết tâm cao độ; nuôi dưỡng ý chí tiếp tục vượt lên mọi khó khăn, thách thức trong tình hình mới.

Thông suốt nhận thức cần đi liền việc xây dựng các kịch bản cụ thể, khả thi trên cơ sở phù hợp thực tiễn từng địa phương và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, địa bàn nhằm khắc phục tình trạng cát cứ, cục bộ, nhất là trong việc thực hiện kiểm tra y tế của những người có nhu cầu về quê, bảo đảm sự lưu thông các mặt hàng thiết yếu; thực hiện tốt hơn nữa các gói cứu trợ cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; bổ sung cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đi liền đó, ngành giáo dục có trách nhiệm chăm lo việc học hành cho hàng triệu học sinh, đề ra các biện pháp thích hợp từng địa bàn...

Cùng với nhiệm vụ chống dịch và phát triển kinh tế, cấp ủy và chính quyền các cấp cần đồng thời thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, biểu dương và bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tăng cường tự phê bình và phê bình; trường hợp vi phạm nguyên tắc Đảng và pháp luật Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng thì đưa ra khỏi Đảng. Có như vậy, lòng tin của dân mới được củng cố và tăng cường. Đây chính là nguồn sức mạnh để chúng ta vượt qua những thử thách mới trong giai đoạn mới!