Đối ngoại nhân dân đậm bản sắc Việt Nam

Tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần đầu được Đảng tổ chức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền đối ngoại Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc, trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”. Góp phần quan trọng triển khai các mục tiêu đối ngoại của đất nước trong chặng đường mới, có đối ngoại nhân dân - một trụ cột, nét đặc sắc của đối ngoại Việt Nam.

Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ảnh | Trần Hải
Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ảnh | Trần Hải

Đóng góp quan trọng trên những chặng đường

Đối ngoại nhân dân kế thừa truyền thống yêu nước, hòa hiếu, nhân văn của dân tộc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng và trực tiếp triển khai trên hành trình tìm đường cứu nước. Trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giành độc lập, tự do, giành hòa bình và thống nhất đất nước, đối ngoại nhân dân đã khẳng định là một nhân tố quan trọng, đóng góp cho thắng lợi chung của đất nước. Những hoạt động vận động ngoại giao của các tổ chức nhân dân, tổ chức hữu nghị, cả song phương và đa phương, đã góp phần hình thành mặt trận nhân dân tiến bộ trên thế giới đoàn kết và ủng hộ Việt Nam. Trong giai đoạn củng cố hòa bình và tái thiết đất nước, nỗ lực phá thế bao vây, cấm vận và huy động sự ủng hộ của thế giới tiếp tục có đóng góp lớn của đối ngoại nhân dân.

Trong giai đoạn phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, đối ngoại nhân dân tích cực thực hiện chủ trương của Đảng đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác với nhân dân các nước. Những hoạt động hòa bình, đoàn kết và hữu nghị, vốn là nét riêng và thế mạnh của đối ngoại nhân dân, đã đưa những nội dung phục vụ thiết thực công cuộc phát triển kinh tế-xã hội. Cùng việc vận động, triển khai các chương trình hỗ trợ của bạn bè quốc tế, các tổ chức nhân dân cũng tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch, kết nối doanh nghiệp. Đối ngoại nhân dân tham gia hội nhập quốc tế, huy động nguồn lực từ bên ngoài phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Với lực lượng nòng cốt là Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đối ngoại nhân dân tích cực tham gia, phát huy tiếng nói và vị thế Việt Nam tại các diễn đàn nhân dân đa phương, nhất là tại các cơ chế của Liên hợp quốc và ASEAN.

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Phương Nga nói về nét đặc sắc của đối ngoại nhân dân: Đối ngoại nhân dân có bề dày truyền thống nổi bật là huy động được mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn đoàn kết, ủng hộ Việt Nam. Đối ngoại nhân dân cũng có lợi thế lớn, là sự linh hoạt, mềm dẻo, tiếp cận được nhiều đối tượng, qua đó gây dựng và tăng cường các mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước.

Đối ngoại nhân dân đậm bản sắc Việt Nam -0
 

Xứng đáng là một trụ cột đối ngoại hiện đại

Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đối ngoại nhân dân đã được khẳng định vai trò, vị trí là một trong ba kênh đối ngoại chủ chốt triển khai đường lối đối ngoại của Đảng trong giai đoạn tới. Đồng thời, đối ngoại nhân dân cũng đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ mới là phát huy thế mạnh để tiên phong xây dựng nền tảng hữu nghị, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy quan hệ, hợp tác với các nước, đồng hành và hỗ trợ có hiệu quả đối với đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước, tạo thế chân kiềng vững chắc thực hiện thành công mục tiêu đối ngoại, bảo đảm mức cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc, thu hút các nguồn lực bên ngoài, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ Tổ quốc và nâng tầm vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng: Một trong những triết lý cơ bản của đối ngoại Việt Nam là tạo sức mạnh tổng hợp, nhìn nhận trên phương diện toàn cục, triển khai ba nhánh đối ngoại chủ lực là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Trong thời chiến, chúng ta kết hợp nhuần nhuyễn quân sự, chính trị và ngoại giao; trong thời bình, chúng ta kết hợp chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Nguyên tắc đối ngoại được vận dụng xuyên suốt và tạo nên sức mạnh tổng hợp.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của đất nước. Theo Đại sứ Nguyễn Phương Nga, nhiệm vụ của các lực lượng làm công tác đối ngoại trong giai đoạn tới được xác định là đi đầu thực hiện ba mục tiêu: Môi trường hòa bình, ổn định; Nguồn lực để phát triển đất nước; Vị thế, uy tín của Việt Nam.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ: Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, cũng là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam, ở cả trong và ngoài nước. Trách nhiệm đó được thể hiện trong từng hoạt động cụ thể, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, quốc phòng, an ninh và của mỗi cơ quan, tổ chức và cá nhân. Đó cũng là mục tiêu của đối ngoại nhân dân trên chặng đường sắp tới.