Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Tiếng chuông giữa miền sơn cước

Đến thành phố trẻ Bảo Lộc trên cao nguyên B’Lao trong chiều nghiêng bóng núi, khách phương xa ngỡ ngàng trước hình ảnh đô thị miền sơn cước đẹp dịu dàng giữa không gian xanh. Ở đó, tôi đã gặp và trò chuyện cùng Linh mục Dương Công Hồ; người được nhân dân ở Giáo xứ Thánh Tâm, phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng ví là tiếng chuông giữa miền sơn cước, tiếng chuông hội tụ và lan tỏa những điều tốt đẹp của “đạo và đời”.
 

Linh mục Dương Công Hồ (trái) trao đổi với người dân về việc hỗ trợ mở rộng đường dân sinh khu vực giáo xứ.
Linh mục Dương Công Hồ (trái) trao đổi với người dân về việc hỗ trợ mở rộng đường dân sinh khu vực giáo xứ.

Sáng. Tôi nhấc điện thoại gọi Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Bảo Lộc Nghiêm Xuân Đức, hỏi thăm một số tấm gương tiêu biểu về “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tại địa phương. Ông hồ hởi giới thiệu: “Ở đây rất nhiều tấm gương điển hình, hay nhà báo tìm gặp linh mục rất “đời” Dương Công Hồ nhé. Ông là điển hình trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, vừa được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh”.
 
 Chiều. Trong không gian nhà thờ Thánh Tâm, nhấp chén trà mang hương vị đặc trưng xứ B’Lao, linh mục mở lời: “Mình nghĩ, hành đạo là chọn làm những việc tối ưu nhất cho xã hội, làm việc gì cho đời sống con người khá lên, xã hội tốt đẹp hơn, văn minh hơn”. Tâm tưởng nghĩ vậy, nên sau những tiếng chuông mời gọi giáo dân đến thánh đường nghe giảng giáo lý, ông hòa vào “đời” để góp trí tuệ và công sức cùng địa phương xây dựng một xã hội văn minh.

 Tiếng chuông giữa miền sơn cước -0
 Hệ thống kênh mương tại khu vực Giáo xứ Thánh Tâm đã được khơi thông, kiên cố hóa.

 Giáo xứ Thánh Tâm thành lập từ năm 1954, có khoảng 1.100 hộ dân theo đạo Công giáo với tổng số hơn năm nghìn giáo dân cư ngụ tại bốn tổ dân phố. Năm 2016, từ Giáo xứ Đạ Tẻh (Lâm Đồng) chuyển về Giáo xứ Thánh Tâm, trở về quê hương bản quán, bằng uy tín và tâm huyết của mình, Linh mục Dương Công Hồ đã tích cực vận động bà con giáo dân tham gia các phong trào tại địa phương, phát huy tinh thần “kính Chúa, yêu nước”. “Qua nghiên cứu và học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, tôi nghĩ, với vai trò linh mục quản xứ, phải làm thế nào để thấu hiểu và thực hiện đạt hiệu quả những ước vọng chính đáng của người dân, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh”, Linh mục Dương Công Hồ bộc bạch.
 
 Đến với vùng đất mới chỉ vỏn vẹn mấy năm nhưng bằng trách nhiệm của một công dân yêu nước, linh mục được chính quyền và nhân dân tin tưởng, ủng hộ. Với ý nguyện chung tất cả vì thành phố trẻ trên xứ B’Lao phát triển bền vững, văn minh, việc đầu tiên, ông cùng người dân bắt tay xây dựng môi trường, cảnh quan đô thị. Trước hết, phải sửa sang, mở rộng những con đường trong giáo xứ bởi đó là huyết mạch, mang lại thuận tiện cho đời sống nhân dân. Ông kể: “Mình ở Đạ Tẻh tới 24 năm. Ở đó được xem là vùng sâu, vùng xa của tỉnh, nhưng nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung sức của nhân dân, những con đường buôn làng được trải bê-tông khang trang, sạch đẹp. Khi về đây, mình ngạc nhiên vì người dân định cư hơn 60 năm rồi, kinh tế tốt hơn nhiều nơi khác mà còn rất nhiều đường đất nên mới đứng ra vận động bà con để xây dựng vì đó là sự thuận tiện, văn minh của đời sống”.
 
 Ngày ông trở về, khu vực Giáo xứ Thánh Tâm chỉ khoảng 50% đường nhựa, còn lại là những con đường nhỏ hẹp, nắng bụi, mưa lầy. Đúng lúc, chính quyền địa phương phát động phong trào xây dựng đô thị văn minh, phường phát triển toàn diện, Linh mục Dương Công Hồ và Hội đồng Giáo xứ đăng ký xây dựng mô hình “Giáo xứ an ninh trật tự, sáng - xanh - sạch - đẹp”. Đây là mô hình điểm của thành phố Bảo Lộc nên trong các buổi phụng vụ, vị linh mục chan hòa giữa “đạo và đời” đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con giáo dân chung tay thực hiện. Ông thường đi sâu phân tích, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, việc chung của họ đạo, xã hội và việc chăm lo đời sống nhân dân nên bà con một lòng ủng hộ.
 
 “Gia đình tôi ở đây mấy chục năm rồi. Theo lời linh mục Dương Công Hồ, chúng tôi luôn nhắc nhở nhau hãy ý thức và thực hiện trách nhiệm của một công dân đối với sự phát triển quê hương, đất nước; sống “tốt đời, đẹp đạo”. Nói thật, trước đây tôi xây nhà phải dùng xe rùa đẩy từng viên gạch, bao xi-măng. Khi linh mục Dương Công Hồ về vận động bà con bắt tay làm đường, từ con đường đất nhỏ hẹp, giờ là đường nhựa 5-6m, bà con rất phấn khởi”, ông Phan Phát Hoàng ở Giáo xứ Thánh Tâm trải lòng.
 
 Nam Tây Nguyên mùa nắng, những chùm hoa vàng khẽ đong đưa, phường đạt chuẩn “văn minh đô thị” khoác lên diện mạo mới. Phường Lộc Tiến có khoảng 15 nghìn người, hơn 87% người dân theo đạo Thiên Chúa, sinh hoạt tại ba giáo xứ Thánh Tâm, Tân Hà và Vinh Sơn Liêm. Cùng chúng tôi rảo bước trên cung đường nhựa mới hoàn thành ở Giáo xứ Thánh Tâm, Chủ tịch UBND phường Lộc Tiến Huỳnh Văn Lợi chia sẻ, năm 2016, phường được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị, trong đó có sự đóng góp rất lớn của bà con giáo dân, nhất là Linh mục Dương Công Hồ. “Linh mục rất nhiệt huyết trong phong trào xây dựng đô thị văn minh. Tích cực vận động nhân dân xóa đường đất, nạo vét suối, xây bờ kè, giữ gìn vệ sinh môi trường. Riêng việc khởi xướng và vận động giáo dân đóng góp sức người, sức của để mở rộng những con đường đất, trải nhựa nóng, lúc đầu làm 100 - 200m, khi tổng kết lại đã hơn chín km, kinh phí hơn 14,5 tỷ đồng”, ông Lợi nhấn mạnh.
 
 Cùng với việc khởi xướng nhựa hóa các tuyến đường dân sinh, Linh mục Dương Công Hồ đã vận động bà con tiến hành khơi thông dòng suối bị ô nhiễm bấy lâu trở thành dòng nước trong lành, xây dựng con kênh dài ba km và làm đường nhỏ chạy dọc hai bên. Tất cả các tuyến đường giáo xứ đều có điện thắp sáng, cải tạo nghĩa trang giáo xứ trở thành nghĩa trang công viên hiện đại, văn minh. Đồng thời, giáo xứ đã kết hợp mở nhiều lớp dạy tiếng Anh, âm nhạc, võ thuật miễn phí, giúp con em học tập nâng cao trình độ, rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương. Tôi được nghe Chủ tịch UBND phường Lộc Tiến kể thêm một điều đặc biệt, để trau dồi thêm trình độ ngoại ngữ cho con em giáo dân, nhiều buổi thánh lễ, Linh mục Hồ đã truyền giảng bằng tiếng Anh.
 
 Tôi biết Linh mục Dương Công Hồ từ ngày ông còn quản xứ ở Đạ Tẻh. Ở vùng đất nắng gió này, rất nhiều người biết đến ông với những việc thiện ông làm. Vẫn phong cách mộc mạc, gần gũi với chiếc áo khoác cũ, giày thể thao, ông thường về với bà con các buôn làng nhiều hơn ở nhà thờ. Chỉ trong hơn hai thập kỷ gắn bó, ông đã gửi lại ở miền đất này những công trình ý nghĩa, nhân văn và những dấu ấn sâu đậm trong lòng bà con nơi đây. Năm 2006, ông đứng ra thành lập HTX thủ công mỹ nghệ Hiệp Nhất nổi tiếng khắp vùng và trở thành “ông chủ nhiệm” giúp nhiều người nghèo có công ăn việc làm; xin phép mở trường mầm non và tiểu học tư thục giúp các cháu hoàn cảnh khó khăn, con em đồng bào dân tộc thiểu số học miễn phí; lập dự án trồng chuối tại buôn Đạ Nha... Để khi ông được phân công trở về bản quán, quản xứ ở đất B’Lao, những người con ở các buôn làng bên dòng Đồng Nai xanh mát, nào K’Liễm, K’Xuân, K’Bres, Ka Briêng, Ka Huệ... tần ngần tiễn ông dùng dằng mãi không thôi.
 
 Chiều buông. Từ đỉnh Sapung, phố thị Bảo Lộc lấp loáng sắc màu. Nét u hoài, trầm mặc xứ B’Lao xưa đã thay bằng nhịp điệu phố. Bảo Lộc hôm nay như cô gái miền sơn cước tuổi dậy thì, với những đường nét hiện đại và năng động. Trước giờ chia tay, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Bảo Lộc Nghiêm Xuân Đức nói, trong thành quả phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của Bảo Lộc hôm nay có sự chung tay, góp sức rất lớn của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn; nhất là việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và đồng hành triển khai các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động.
 
 Cao nguyên B’Lao bình yên trong ráng chiều và giáo đường đã ngân dài tiếng chuông...