Quy hoạch-Đầu tư

Chỉnh trang, bảo tồn biệt thự cổ

Trước đây, đã có một vài chương trình cải tạo biệt thự Pháp xây dựng từ trước năm 1954 tại các quận trung tâm của Hà Nội, song chưa thành công vì nhiều nguyên nhân, trong đó khâu vướng nhất là kinh phí và cơ chế pháp lý. Hy vọng, tới đây, vấn đề này sẽ được giải quyết thỏa đáng.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Sở đã rà soát, trình Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành quyết định thay thế Quyết định số 7177/QĐ-UBND ngày 28/11/2013 về danh mục biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn. Sở Xây dựng cũng lập kế hoạch khảo sát, đánh giá chất lượng toàn bộ 1.219 biệt thự và lập danh sách các biệt thự đã xuống cấp, nguy hiểm cần kiểm định chất lượng công trình và kế hoạch lập hồ sơ, tài liệu lưu trữ, thiết lập hồ sơ 3D các nhà biệt thự nhóm 1.

Mới đây, quận Hoàn Kiếm đã thực hiện Dự án bảo tồn biệt thự số 49 phố Trần Hưng Đạo- 46 phố Hàng Bài. Dự án được kỳ vọng sẽ là dự án trùng tu kiểu mẫu. Hiện trạng, tòa biệt thự đã bị bỏ hoang nhiều năm và xuống cấp nghiêm trọng. Đây là một trong những việc nhằm triển khai thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.

Tòa biệt thự số 49 phố Trần Hưng Đạo-46 phố Hàng Bài được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20, là một trong số hơn 1.200 biệt thự mang kiến trúc Pháp được đưa vào danh mục quản lý theo “Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự xây dựng từ trước năm 1954” của Hà Nội. Dự kiến, sau khi bảo tồn, nơi đây có thể trở thành địa chỉ giao lưu văn hóa của Thủ đô, với nhiều hoạt động quảng bá và phát huy các giá trị di sản văn hóa, kiến trúc của Hà Nội.

Nhiều chuyên gia đều cho rằng, các biệt thự xây dựng thời Pháp thuộc có giá trị kiến trúc, tiêu biểu cho một giai đoạn phát triển của Hà Nội những năm 20-30 của thế kỷ 20. Với thiết kế kiến trúc tinh tế, các biệt thự mang kiến trúc Pháp đã tạo cho những con phố cũ của Hà Nội nét đặc trưng rất riêng. Vì thế, rất nên đưa quỹ nhà biệt thự Pháp ở Hà Nội vào danh sách di sản cần bảo vệ, bảo tồn. Để làm được việc này, cùng với tuyên truyền để người dân sống trong đó chung tay trong việc bảo tồn, rất cần có quy định rõ ràng và cơ chế giám sát chặt chẽ.

Khi quỹ biệt thự nêu trên đã được lập hồ sơ đầy đủ và triển khai cải tạo, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, Hà Nội cần có chính sách về nguồn lực hỗ trợ các hộ dân trong bảo tồn hoặc cải tạo những căn biệt thự cũ để bảo đảm giữ được nguyên trạng. Đặc biệt, cần nghiên cứu để có quy định bảo tồn nhưng phải hướng tới phát huy giá trị và tạo thuận lợi cho người sở hữu công trình, có định hướng hợp lý trong khai thác, sử dụng. Các ngôi biệt thự không nhất thiết chỉ dành để ở, mà tùy từng vị trí, công trình có thể cho khai thác làm du lịch, dịch vụ nhằm quảng bá giá trị công trình. Cách làm này đã được thành phố Hội An cũng như nhiều nước trên thế giới thực hiện thành công. “Cần thống nhất, bảo tồn các công trình biệt thự và công trình kiến trúc có giá trị là bảo tồn cả giá trị vật thể và phi vật thể. Nếu như  điều chỉnh về chức năng sử dụng sẽ góp phần quảng bá rộng rãi giá trị và đặc biệt tạo được nguồn lực để chúng ta bảo tồn, phát triển quỹ di sản này của Thủ đô Hà Nội”, ông Đào Ngọc Nghiêm nhận định.