Họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng

Từ nông dân, nhìn ra số phận con người

Vào 17 giờ ngày 14/4, sẽ diễn ra buổi khai mạc triển lãm tranh của họa sĩ Phan Cẩm Thượng, tại The Muse Artspace 47 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, kéo dài đến 9/5. Triển lãm trưng bày khoảng 20 bức tranh của ông, đa phần là khổ giấy dó 60x120 cm, lấy cảm hứng từ nhân vật thế kỷ 17. Họa sĩ trò chuyện với Thời Nay về con đường hội họa của mình.

“Con rồng”, mầu tự nhiên trên giấy dó.
“Con rồng”, mầu tự nhiên trên giấy dó.
Từ nông dân, nhìn ra số phận con người -0

Phóng viên (PV): Ông có thể chia sẻ, ông đã bắt đầu những nét vẽ đầu tiên như thế nào? 

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng: Tôi thích vẽ từ nhỏ, do trong nhà có nhiều người biết vẽ và nhiều tranh. Có bộ sách “Giới tử viên họa truyền”, một bộ sách đời Thanh, được coi là giáo khoa thư của hội họa phương Đông, chúng tôi tập vẽ theo sách đó. Thời xưa ở Hà Nội có người Tàu bán hàng rong cho trẻ con, như táo dầm, bánh gối, bánh bò... Họ có nhiều truyện tranh liên hoàn, như “Tam quốc diễn nghĩa”, “Thủy hử”. Trẻ con vừa ăn táo, vừa xem truyện, minh họa ở đó rất đẹp. Không chỉ mình tôi thích vẽ từ những cuốn truyện tranh đó, mà còn nhiều người khác, sau này cũng thành họa sĩ. Nhưng về sau, khi trưởng thành tôi cũng từ bỏ lối vẽ thủy mặc đó.

Xưa, trong trường phổ thông có môn vẽ và nhạc. Mùa hè thì khối phố có tổ chức cho thiếu niên và thiếu nhi học vẽ, nhạc, thể thao. Thầy chúng tôi là họa sĩ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Vũ Đăng Bốn, cũng là hàng xóm nhà tôi. Sau này khi tham gia biên soạn cuốn 65 năm Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội (1925-1990), tôi có đi tìm và đưa một tác phẩm của thầy vào in trong sách.

PV: Vì sao ông chọn cho mình phong cách vẽ mang hơi thở của người Việt?

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng: Khi đi học và làm giáo viên ở trường mỹ thuật, thì chủ yếu tôi tập trung viết nghiên cứu. Lúc đó họa sĩ Vũ Thị Giáng Hương là hiệu phó, nói tôi nên lên các lớp vẽ hình họa, để có khả năng vẽ, phục vụ cho việc viết được tốt, cô sẽ nói với giáo viên về việc này. Nhờ cô Giáng Hương mà tôi cũng luyện được môn đó. Nhưng sau này nghiên cứu tôi thấy nước ta có ít nhất hơn 2.000 năm phát triển mỹ thuật, đến năm 1925 mới du nhập lối vẽ phương Tây, vậy tại sao lại bỏ lối tạo hình có sẵn từ truyền thống, tôi lập tức quay sang thực hiện cái này, trên thực tế khi đi nghiên cứu đình chùa cổ, tôi cũng đã ghi chép nhiều hoa văn, tượng Phật, phù điêu đình làng. Nên khi rời khỏi biên chế, năm 1992, tôi dành một phần thời gian cho việc vẽ theo lối Việt Nam thuần túy, theo nghiên cứu riêng của mình.

PV: Vì sao những người nông dân thuần phác lại trở thành đề tài xuyên suốt của ông? Ông thấy những vẻ đẹp gì ở họ, trong khi ông là người Hà Nội?

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng: Tôi sinh ra ở Hà Nội, nhưng sớm đi sơ tán, rồi đi bộ đội, sau thì đi nghiên cứu, tất cả đều đến các làng quê Việt Nam. Tôi có thể cày cấy như một nông dân. Có thể nói hình ảnh người nông dân Việt Nam luôn nằm trong tâm trí, dường như họ là người mở đầu và kết thúc cho mọi vấn đề của xã hội Việt Nam, từ xưa tới nay. Nông dân và làng xã, nền văn hóa truyền thống Việt Nam cũng sinh ra từ  làng xã, trở thành đề tài xuyên suốt trong sáng tác và nghiên cứu của tôi. Ở đó tôi nhìn thấy số phận con người, những uẩn khúc nhân tình thế thái và cách diễn đạt điều đó như thế nào. Vẻ đẹp của mái nhà gianh, của chum vại, của người nông dân áo nâu, hay của tranh dân gian, điêu khắc đình làng, tượng Phật là cùng một dòng chảy thẩm mỹ.

PV: Việc sáng tác và nghiên cứu mỹ thuật, văn hóa của ông đã tác động vào nhau như thế nào?

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng: Như trên đã nói, lý thuyết cần có thực hành mới tiệm cận được nghệ thuật. Cái này một lần nữa phải cám ơn cô Giáng Hương, người tạo điều kiện cho tôi học vẽ không mất tiền ở ngay thời gian công tác trong trường, cô cũng  nói rất rõ không thể chỉ là nhà phê bình không hiểu thật sự nghề vẽ. Với cá nhân tôi, nếu không vẽ thì đúng là không nuôi nổi thân, nhất là khi rời khỏi biên chế, không có lương, không có tài trợ. Việc làm nghiên cứu phê bình là tự nguyện thôi, tốn tiền, mà không có thu nhập trở lại, chính cái vẽ đã nuôi cả phê bình và nghiên cứu của tôi. Thầy Nguyễn Quân viết được sách cũng thế. Đáng tiếc, nhiều người trong nghề không thấu hiểu cho những người làm phê bình nghiên cứu điều này, chúng tôi chỉ có đóng góp mà cũng khó khăn.

Ngược lại, chính nghiên cứu cho ta khả năng đi sâu vào ngôn ngữ nghệ thuật, các nền tảng văn hóa cần thiết cho sáng tác. Tôi thấy những danh họa đều tiến hành nghiên cứu theo cách riêng, như họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm chẳng hạn.

Từ nông dân, nhìn ra số phận con người -0
“Quận chúa áo xanh”, mầu tự nhiên trên giấy dó. 

PV: Sử dụng mầu sắc qua mỗi tác phẩm, có phải dựa trên tinh thần ông lúc đó? Có thời gian dài ông vẽ mầu trầm, một thời gian lại sử dụng những gam tươi vui sặc sỡ?

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng: Mầu tự nhiên là thứ tôi yêu thích và dùng cho đến bây giờ, bao gồm các mầu tự nhiên có sẵn ở ta, như vàng hòe, đá son, đen lá tre đốt tồn tính, củ nâu, xanh chàm. Phần nhiều thì mua mầu tự nhiên Trung Quốc, gọi là mầu quốc họa, như chu sa (son), đằng hoàng (vàng hòe), thái thanh lam (xanh nước biển), phần khác thì dùng mầu Pigment phương Tây. Ban đầu do mầu tự nhiên hạn chế, tôi dùng chủ yếu đá son, chu sa và mực Tàu thành các sắc đỏ, nâu đất, để diễn đạt mầu nâu chủ đạo ở đồng ruộng và y phục nông dân. 

Vẽ mầu phụ thuộc vào cảm xúc và ý tưởng văn hóa cụ thể. Mầu sắc cũng thay đổi, khi chán hệ đỏ, thì sang hệ xanh, hoặc phối hợp với nhau. Mầu tự nhiên có thể vẽ trên giấy dó và lụa rất phù hợp. Mà trước khi người Pháp sang Việt Nam, thì người Việt hoàn toàn dùng hệ mầu truyền thống đó.

PV: Sáng tác qua nhiều chất liệu từ giấy dó, sơn mài, khắc gỗ, vẽ gốm, sơn dầu, lụa, ông thấy gắn bó nhất với loại gì?

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng: Việc vẽ nhiều chất liệu ban đầu do thích mày mò nghiên cứu để hiểu người sáng tác một cách đa phương tiện. Giấy dó và lụa, tôi làm liền từ năm 1992 đến nay. In khắc gỗ thì tập trung làm từ năm 1998 đến 2005, tôi muốn thực hiện lại lối khắc gỗ đen trắng sau khi biên soạn xong cuốn “Đồ họa cổ Việt Nam”, 1999. Sơn mài thì làm từ từ mỗi năm một ít. Tức là chủ yếu những chất liệu có sẵn ở ta, thời xưa nghệ nhân đã làm, các họa sĩ hiện đại cũng làm. Tôi gắn bó với vẽ mầu tự nhiên trên giấy dó nhất.

PV: Vì sao ông quyết định làm triển lãm sau rất nhiều năm?

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng: Trong hơn hai năm dịch Covid-19, ai cũng chủ yếu ngồi nhà. Riêng tôi đặt chủ đề vẽ về tập tục và phục trang cung đình thế kỷ 17, thông qua hai bộ tượng chân dung các bà hoàng chùa Mật (Thanh Hóa) và chùa Bút Tháp (Bắc Ninh). Dự định triển lãm tại trung tâm nghệ thuật Yết Kiêu, nhưng do dịch bệnh, vài lần hoãn không làm được. Tranh tản mát dần. Tôi giao khoảng 20 bức cho các bạn trẻ ở Không gian nghệ thuật The Muse, 47 Tràng Tiền, tùy ý làm. Và họ quyết định bày một triển lãm nhỏ tại đây.

PV: Cảm ơn ông và chúc triển lãm thành công tốt đẹp!