Chiến tranh và tình bạn

“Một con cáo đã sống một cuộc đời tung hoành ở đây, và vài con người nào đó đã cướp đoạt đi cuộc sống ấy - chẳng phải thế là quá đủ tán tận lương tâm rồi hay sao”.

Chiến tranh và tình bạn

Đó là suy nghĩ của một cậu bé 12 tuổi vừa tìm thấy một chiếc chân cáo vung ra từ vụ nổ bom mìn, hậu quả  một cuộc chiến tranh khốc liệt trong tác phẩm “Cáo Pax” của hai tác giả người Mỹ và Canada: Sara Pennypacker và Jon Klassen (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn). Trong “Cáo Pax”, ta nhìn thấy những cảnh tan tác của những con vật tội nghiệp, chúng cũng có đôi mắt để nhìn, có trái tim đang đập và có cảm xúc để cảm nhận tình cảm. 

Chiến tranh xảy ra, bố nhập ngũ, Petter phải chuyển đến sống cùng ông nội. Nhưng đau buồn hơn cả việc rời xa mái nhà thân thuộc, Petter phải lìa bỏ Pax, chú cáo được cậu cứu sống và đã bên cậu từ khi chỉ là cáo con. Từ đây bắt đầu hành trình vượt hàng trăm dặm cùng biết bao nỗ lực sinh tồn giữa thiên nhiên hoang dã để hai người bạn tìm về bên nhau. Một cậu bé. Một chú cáo không hề chia lìa, cho đến khi bị chia cắt 300 dặm đường.

Petter đã trốn khỏi nhà ông nội để tìm Pax. Nhờ lòng dũng cảm, sự kiên trì và đặc biệt là tình cảm mà cậu dành cho Pax - đó không phải là tình chủ tớ mà là tình bạn - thứ tình bạn trong sáng như những giọt sương sớm bình minh làm vơi đi cái không khí não nề tang thương của chiến tranh. Petter là một cậu bé dũng cảm và gan dạ, nhưng ở độ tuổi 12 - cậu cần sự chăm sóc yêu thương của cha mẹ, được vui chơi với bạn bè và nhất là người bạn thú cưng mà cậu yêu quý. Nhưng rồi chiến tranh đã cướp đi tất cả, sự trưởng thành mà Petter có được là sự trưởng thành trước tuổi, bắt buộc cần có trong thời chiến. Còn về cáo Pax - chú cáo đã dành cả tuổi ấu thơ bên con người được tác giả nhân hóa bằng cách đặt những suy nghĩ của con người vào chú và đồng loại. Một chú cáo ngây thơ với câu hỏi: “Chiến tranh là gì ạ?” và nhận được câu trả lời từ chính đồng loại của mình: “Có một thứ dịch bệnh mà đôi khi chính loài cáo cũng mắc phải. Nó khiến chúng buông bỏ lề thói của mình, tấn công kẻ lạ. Chiến tranh là một căn bệnh loài người như thế đấy...”. Cái căn bệnh chiến tranh đó, nó có sức hủy diệt khủng khiếp, khác những căn bệnh khác do yếu tố tự nhiên thì chiến tranh là căn bệnh do chính con người tạo ra, đó chính xác hơn là căn bệnh do con người tạo ra để hủy hoại chính mình. 

“Cáo Pax” vốn là câu chuyện dành cho thiếu nhi. Nó đủ lòng nhân hậu, ngây thơ trong sáng và cả sự khắc nghiệt đến tàn nhẫn của cuộc sống - những cuộc sống, cuộc đời xoay quanh chiến tranh. Nếu không có chiến tranh, họ sẽ sống một cuộc đời khác, một cuộc đời có tình yêu thương và tràn đầy mơ ước, nhưng hiện thực chiến tranh đầy nghiệt ngã đã đem họ đến với những cuộc đời mà họ không hề mong muốn. Dẫu vậy cuộc sống thì luôn có hy vọng, dù cho có bị cuộc đời vùi dập thì tình yêu, tình bạn vẫn luôn đâm chồi nảy lộc chữa lành mọi vết thương để sống một cuộc đời mới như cái kết đầy nước mắt và hy vọng của câu chuyện.