"Chiếc máy bay" và đường băng pháp lý

Việc sử dụng nguồn lực xã hội hỗ trợ ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe thời gian qua có những điểm chưa được hướng dẫn quy định đã bộc lộ khiếm khuyết và là kẽ hở cho tiêu cực. Vấn đề này đòi hỏi cơ quan chức năng cần đưa ra các giải pháp, quy định nhằm tạo "đòn bẩy" để y tế công-tư phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt (Hà Nội) đầu tư thiết bị y tế hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Ảnh: Nguyễn Đăng
Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt (Hà Nội) đầu tư thiết bị y tế hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Ảnh: Nguyễn Đăng

Nhiều vướng mắc, "điểm mờ" trong quy định

Xã hội hóa y tế về bản chất là huy động các nguồn lực trong xã hội, ngoài ngân sách nhà nước-thực chất là tư nhân, tham gia đầu tư vào các hoạt động y tế, chăm sóc sức khỏe. Khi khu vực y tế tư nhân càng mở rộng, khu vực y tế công sẽ càng có điều kiện tập trung nguồn lực cho mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân, nhất là người nghèo.

Là một trong những bệnh viện đi đầu về xã hội hóa y tế, thời điểm "sôi động" nhất, gần 100% số thiết bị xét nghiệm, máy chụp cộng hưởng từ, hệ thống máy điều trị ung bướu tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) là thiết bị xã hội hóa, thiết bị diện liên doanh liên kết. Nhưng theo đại diện của bệnh viện, trong hai năm dịch Covid-19 và sau nhiều rắc rối liên quan đến pháp luật, 11 đề án liên doanh liên kết phải chuyển cơ quan điều tra, nhiều thiết bị phải "đắp chiếu", tổng thu của bệnh viện năm 2020 giảm 2.000 tỷ đồng so với năm 2019. Đến năm 2021, doanh thu bệnh viện tiếp tục giảm 2.000 tỷ đồng so với năm 2020, kéo theo thu nhập của đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện giảm mạnh. Chính vì thế, mặc dù là một trong hai bệnh viện đầu tiên triển khai tự chủ tài chính toàn diện, nhưng Bệnh viện Bạch Mai đã gặp nhiều khó khăn khi tiến trình xã hội hóa trục trặc.

Trong thực tế, dù là bệnh viện nhà nước nhưng Bệnh viện Bạch Mai từng có nhiều phòng bệnh "theo yêu cầu", đây là một dạng dịch vụ tư trong bệnh viện công. Về thiết bị, máy chụp CT 256 lát cắt, dao gamma xạ phẫu, máy chụp PET cho bệnh nhân ung thư, các robot phẫu thuật Rosa và Mako... lại là thiết bị xã hội hóa, mức thu (cũ) bao gồm khoản thu cho cả nhà đầu tư và khoản lãi cho bệnh viện. Tuy nhiên, điểm khó khăn là dù đã thực hiện xã hội hóa 15 năm nhưng đến nay vẫn chưa có quy định để tính phần góp của bệnh viện (không chỉ Bạch Mai mà hầu hết các bệnh viện công đang gặp phải) trong đề án liên kết. Bệnh viện góp mặt bằng, nhân lực, thương hiệu bệnh viện... nhưng những phần đóng góp này quy ra bằng bao nhiêu phần trong liên doanh lại không rõ. Cho nên có đề án chia bệnh viện 3 phần, nhà đầu tư 7 phần, có đề án lại chia 4/6, thậm chí chia 5/5, nhưng vì sao chia như vậy lại chưa được làm rõ bởi chỉ thỏa thuận miệng. Vì thế, cơ sở pháp lý của dịch vụ xã hội hóa trong bệnh viện công vừa lỏng lẻo, vừa ẩn chứa nguy cơ "giao dịch ngầm", trong khi các đề án xã hội hóa đã mở rộng tới cả cơ sở y tế tuyến huyện.

Tương tự như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) là một trong năm bệnh viện hạng đặc biệt với hơn 3.200 giường bệnh và mỗi ngày có từ 6.000-8.000 bệnh nhân đến khám, nhưng hầu hết hệ thống xét nghiệm của bệnh viện là máy đặt, máy mượn. Nguyên nhân do khi thực hiện tự chủ, hệ thống máy của bệnh viện đã hết khấu hao. Để mua mới thì chi phí quá lớn nên phương án của bệnh viện là dùng máy mượn, máy đặt của đơn vị trúng thầu hóa chất.

Thống kê tại các bệnh viện công lập tại 45 địa phương, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, có tới hơn 2.000 máy, thiết bị đang được sử dụng là máy mượn, máy đặt của các đơn vị cung cấp sinh phẩm sau khi trúng thầu. Theo các bệnh viện, việc dùng máy mượn, máy đặt phù hợp thông lệ quốc tế nhưng cần có quy định rõ ràng.

Tạo hành lang pháp lý công khai, minh bạch

Xã hội hóa theo hướng mở rộng khu vực y tế tư nhân là xu hướng của các nền y tế phát triển trên thế giới. Thực tế tại Việt Nam, theo ông Phạm Văn Học, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), hiện có 300 bệnh viện tư, đáp ứng vỏn vẹn hơn 5,16% số giường bệnh. Từ góc nhìn đầu tư, ông Học cho rằng cần nhiều ưu đãi hơn mới khuyến khích nhà đầu tư "lao vào cuộc". "Đầu tư xây dựng bệnh viện, mua máy móc và thiết bị rất đắt tiền, tốn hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng, trong khi các chính sách nói là ưu đãi vay vốn nhưng khó tiếp cận được", ông Học phân tích. Không chỉ khó tiếp cận, theo ông Học, những chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư dù trên quy định của Chính phủ khá rõ, nhưng mỗi địa phương lại áp dụng một kiểu khác nhau, đây là nguyên nhân chính khiến hệ thống bệnh viện tư mới đạt "một con số rất khiêm tốn" như hiện nay.

Đồng quan điểm, nhìn từ phía cơ quan chức năng, theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, quy định hiện nay liên quan việc thu hút nguồn vốn từ xã hội hóa trong lĩnh vực y tế còn nhiều vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là quy trình, thủ tục triển khai. Đơn cử như hình thức vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, trang thiết bị y tế, đã được quy định tại khoản 3 Điều 107 của dự thảo quy định về vay vốn tại các đơn vị y tế đã có từ lâu, nhưng thực tế rất khó triển khai do vướng mắc trong vấn đề tài sản thế chấp, vấn đề lãi suất, vấn đề vốn đối ứng. Vì vậy, rất cần quy định về hình thức, phương thức triển khai xã hội hóa phù hợp đặc thù của lĩnh vực y tế nhưng không trái tinh thần của pháp luật về đầu tư công, về quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời, bà cho rằng cần có cơ chế tài chính, dịch vụ khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế phù hợp để khuyến khích phát triển đội ngũ bác sĩ làm việc cho cơ sở y tế tư nhân, thực hiện nguyên lý y học gia đình liên thông, kết nối và bổ trợ với hệ thống y tế hiện hành...

PGS, TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, qua đại dịch Covid-19, ngành y tế thành phố đã bộc lộ nhiều hạn chế, hàng loạt những vấn đề "nóng" cần sớm được Trung ương, Bộ Y tế và các bộ, ngành, thành phố sớm tháo gỡ. "Thành phố luôn khuyến khích tư nhân, doanh nghiệp xây dựng nhiều bệnh viện tư để đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời thu hút đầu tư của tư nhân trong hoạt động khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư của tư nhân trong hoạt động khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng", Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh và chia sẻ thêm: "Chúng tôi lấy hình ảnh chiếc máy bay để minh họa khi nói về công tác xã hội hóa. Nghĩa là khi xã hội hóa y tế phải sao cho không có cảnh: Người nghèo thì ngồi trên chiếc máy bay cũ, còn người giàu được ngồi trên chiếc máy bay hiện đại. Xã hội hóa y tế phải giúp cả hai nhóm người trên cùng ngồi trên chiếc máy bay hiện đại".

Giải thích cụ thể hơn về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, để xã hội hóa bền vững, công bằng, công khai với người bệnh thì cần có khung giá thu tính đúng, tính đủ, không phân biệt người bệnh của công lập và xã hội hóa, chỉ có khác biệt về giá các dịch vụ phi y tế như phòng bệnh, căng-tin, giữ xe, giặt giũ… tùy theo điều kiện kinh tế của người bệnh và đơn vị quản lý, vận hành các dịch vụ này. Còn theo bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh), Nhà nước đang khuyến khích xã hội hóa kết hợp công-tư, nếu đẩy mạnh xã hội hóa ở các bệnh viện, nên có những quy định chi tiết, cụ thể hơn để tạo hành lang pháp lý.

Những chính sách thúc đẩy doanh nghiệp xã hội không vì mục đích lợi nhuận cũng được nhiều chuyên gia khuyến nghị cần được Nhà nước quan tâm. Nhiều ý kiến đề xuất quy định ba hình thức hợp tác công-tư trong y tế, gồm: cho vay có ưu đãi để bệnh viện mua sắm đầu tư; thuê và cho thuê trang thiết bị khám, chữa bệnh và hợp tác công-tư phi lợi nhuận. Hợp tác công-tư phi lợi nhuận, theo các chuyên gia, nghĩa là các nhà hảo tâm, các quỹ xây dựng bệnh viện và cho các bệnh viện công vận hành bệnh viện đó, lợi nhuận nếu có sẽ tiếp tục giữ lại đầu tư để phát triển bệnh viện, nâng cao đời sống nhân viên, hỗ trợ bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng dịch vụ y tế toàn hệ thống, bảo đảm năng lực chăm sóc sức khỏe toàn dân.