Năm 2022, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; trở thành điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Năm 2023 được dự báo sẽ khó khăn hơn khi kinh tế toàn cầu suy giảm.
Chuyên đề "Dự báo năm 2023" gồm chuỗi bài phỏng vấn lãnh đạo bộ, ngành, địa phương và chuyên gia các lĩnh vực, nhằm nhận diện thách thức, cơ hội, đồng thời gợi mở các giải pháp để Việt Nam tiếp tục vượt khó, bứt phá.


Năm 2023 là năm bản lề của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 với dự báo sẽ có nhiều thời cơ, thách thức đan xen nhưng khó khăn sẽ là chủ đạo. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đặt mục tiêu kiên định giữ ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng GDP 6,5%, kiềm chế lạm phát ở mức 4,5%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Báo Nhân Dân điện tử trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Nhiều khó khăn nhưng tình hình vẫn trong tầm kiểm soát
***

Phóng viên: Chúng ta vừa đi qua năm đầu tiên của quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 với rất nhiều dấu ấn. Ông có nhận xét gì về bài học, kinh nghiệm thành công cũng như những điểm còn hạn chế trong công tác điều hành phát triển kinh tế-xã hội năm 2022?

 Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên: Sau đại dịch Covid-19, thế giới bước sang năm 2022 với nhiều lạc quan, vì từ cuối năm 2021 kinh tế thế giới dần thoát khỏi suy thoái và phục hồi nhanh hơn kỳ vọng. Nhưng ngay sau đó mọi việc biến động nhanh, phức tạp, khó lường khiến tình hình kinh tế ngày càng xấu đi. Nhiều yếu tố đột xuất, không nằm trong kịch bản điều hành kinh tế vĩ mô đã xuất hiện.

Đó là giá nhiên liệu biến động và có xu hướng tăng rất mạnh; kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, suy thoái; các quyết sách của các nền kinh tế lớn và các khu vực trên thế giới là hoàn toàn dựa vào quyết định chính trị chứ không dựa trên các yếu tố phân tích kinh tế và hiệu quả kinh tế.

Cũng như nhiều quốc gia khác, chúng ta không dự báo được diễn biến của kinh tế thế giới cũng như sự thay đổi rất nhanh trong chính sách vĩ mô của các đối tác thương mại lớn, trong khi độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 200% GDP. Nhưng từ kinh tế vĩ mô thế giới tác động vào Việt Nam bao giờ cũng có độ trễ, cho nên chúng ta vẫn có được những kết quả tốt trong nửa đầu năm 2022. Đến cuối quý III, những khó khăn của bên ngoài mới phản ánh rõ nét vào trong nước, khiến tình hình khó khăn hơn trong 2 tháng cuối năm.

Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam đã có một năm phục hồi nhanh và mạnh hơn kỳ vọng nhờ tận dụng được tất cả những lợi thế có được từ cuối năm 2021. Nghị quyết 128 của Chính phủ được ban hành kịp thời và Nghị quyết 43/QH15 ban hành đúng thời điểm, tạo nền tảng để có những định hướng điều hành kinh tế vĩ mô phù hợp bối cảnh và diễn biến tình hình trong nước, bắt đầu quá trình phục hồi kinh tế-xã hội.

Những quyết sách đó cho thấy Việt Nam đã kiên định chủ trương ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách linh hoạt, uyển chuyển, bám sát diễn biến kinh tế giới.

Phóng viên: Nhưng “cú sốc” về lãi suất, tỷ giá đã và đang có tác động rất lớn đến doanh nghiệp và nền kinh tế, thưa ông?

 Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên: Đúng là nền kinh tế đang có những rung động nhưng mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát. Phải lưu ý rằng, cả thế giới đang gặp khó khăn, không chỉ riêng Việt Nam. Quan trọng là những biến động trên thị trường tài chính đã được nhận diện và đang được các cơ quan chuyên môn xử lý. Trong bối cảnh hiện nay không thể đòi hỏi một môi trường kinh tế vừa ổn định, bất biến, vừa tăng trưởng nhanh nên cần có sự chia sẻ của người dân và doanh nghiệp với công tác điều hành của Chính phủ.

Có 2 cách điều hành tỷ giá. Thứ nhất, kéo biên độ xuống, dùng tỷ giá trung tâm thay đổi điều hành; đây là biện pháp hành chính chủ động can thiệp thị trường. Thứ hai, nới rộng biên độ, giữ nguyên tỷ giá trung tâm để thị trường điều hành. Cả 2 phương án đều đau đớn. Ngân hàng Nhà nước đã chọn cách thứ hai.

Nếu nhìn ra bên ngoài, đồng Yên Nhật mất hơn 20%, các đồng tiền khác như Euro mất 13-14%, trong khi đó VND mất 5-6% so USD là chấp nhận được.

Đến thời điểm gần kết thúc năm 2022, tỷ giá USD trung tâm tăng không nhiều so đầu năm, chỉ khoảng 2,4%.

Đến thời điểm gần kết thúc năm 2022, tỷ giá USD trung tâm tăng không nhiều so đầu năm, chỉ khoảng 2,4%.

Biến động lãi suất và tỷ giá và qua có tác động rất lớn đến doanh nghiệp đến nền kinh tế và một số ý kiến cho rằng nên điều chỉnh lãi suất huy động bằng USD để giúp các ngân hàng thương mại huy động được ngoại tệ. Nhưng nâng lãi suất USD lên sẽ ảnh hưởng chính sách chống đô-la hóa nền kinh tế mà chúng ta đã thực hiện rất thành công từ năm 2012 đến nay, có thể quay lại thời kỳ đô-la hóa như tình thế năm 2011-2012.

Diễn biến thực tế cho thấy trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều rung động, hiệu ứng tâm lý càng dễ tác động tới phản ứng của từng ngành nghề, lĩnh vực vi mô đơn lẻ, từ đó tác động tới diễn biến chung của kinh tế vĩ mô. Bối cảnh đó càng đòi hỏi công tác điều hành phải chắc tay, kiên định. 

Phóng viên: Bên cạnh những áp lực rất lớn đến công tác điều hành vĩ mô về lạm phát, lãi suất, tỷ giá, đã xuất hiện những bất ổn trên thị trường tài chính làm ảnh hưởng hệ thống ngân hàng, thị trường bất động sản và làm nghẽn các kênh huy động vốn của doanh nghiệp. Những vấn đề này sẽ tiếp tục phải giải quyết như thế nào trong năm 2023, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên: Giải quyết những vấn đề của thị trường tài chính, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục là nhiệm vụ đặt ra cho năm 2023. Câu hỏi đặt ra là cứu hay không cứu trái phiếu doanh nghiệp và ứng xử thế nào với thị trường bất động sản? Tôi cho rằng muốn cứu các thị trường này phải phân loại các phân khúc, không cứu tràn lan và phải hành động nhanh.

Lượng giao dịch của thị trường bất động sản và tỷ lệ hấp thụ trong quý III 2022 chỉ đạt 33,5%. (Ảnh: Nam Anh)

Lượng giao dịch của thị trường bất động sản và tỷ lệ hấp thụ trong quý III 2022 chỉ đạt 33,5%. (Ảnh: Nam Anh)

Khi nói tới vướng mắc trên thị trường bất động sản, thực chất là chúng ta đang đề cập tới bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, nhà ở thương mại giá cao. Trước đây, trong giai đoạn thuận lợi, doanh nghiệp bất động sản có lợi nhuận cao trong phân khúc này thì bây giờ cần chia sẻ bớt lợi nhuận, chia sẻ rủi ro. Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh rằng có những vướng mắc thuộc trách nhiệm của Nhà nước thì Nhà nước cũng cần tháo gỡ; còn những việc nào thuộc doanh nghiệp bất động sản thì họ phải giải quyết, Nhà nước chỉ hỗ trợ.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp, theo tôi, cần phân loại trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ thành 3 loại: Doanh nghiệp phát hành đúng và có khả năng chi trả thì doanh nghiệp và trái chủ tự hoạt động với nhau; doanh nghiệp phát hành tuân thủ đúng quy định hiện hành nhưng do bối cảnh kinh tế vĩ mô thay đổi, làm mất tính thanh khoản thì Nhà nước hỗ trợ; doanh nghiệp cố tình phát hành sai thì số này phải bị xử lý.

Trong bối cảnh này, không nên hậu kiểm các công ty phát hành vì hậu kiểm sẽ gây mất niềm tin của thị trường. Hiện nay, Nhà nước tuyên bố sử dụng nguồn lực để can thiệp sẽ phát đi thông điệp mạnh mẽ để nhà đầu tư trái phiếu yên tâm và có thể lựa chọn có tiếp tục đầu tư trái phiếu hay không. Về lâu dài, Nhà nước đạt được 2 mục tiêu là tham gia tái cấu trúc để hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hồi phục và kiểm soát được tài sản bảo đảm của doanh nghiệp, tránh việc tẩu tán, thất thoát như nhiều người lo ngại. 

Dây chuyền may áo ghế tại Nhà máy Ghế ô-tô trong Khu công nghiệp Thaco Chu Lai (Quảng Nam).

Dây chuyền may áo ghế tại Nhà máy Ghế ô-tô trong Khu công nghiệp Thaco Chu Lai (Quảng Nam).

Sản xuất điện thoại tại khu phức hợp Samsung Electronics Việt Nam, khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: XUÂN PHƯƠNG)

Sản xuất điện thoại tại khu phức hợp Samsung Electronics Việt Nam, khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: XUÂN PHƯƠNG)

Item 1 of 2

Dây chuyền may áo ghế tại Nhà máy Ghế ô-tô trong Khu công nghiệp Thaco Chu Lai (Quảng Nam).

Dây chuyền may áo ghế tại Nhà máy Ghế ô-tô trong Khu công nghiệp Thaco Chu Lai (Quảng Nam).

Sản xuất điện thoại tại khu phức hợp Samsung Electronics Việt Nam, khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: XUÂN PHƯƠNG)

Sản xuất điện thoại tại khu phức hợp Samsung Electronics Việt Nam, khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: XUÂN PHƯƠNG)

Nền kinh tế phải độc lập, tự chủ
***

Phóng viên: Với những thuận lợi, khó khăn như đã phân tích, ông đánh giá thế nào về mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho năm nay?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên: Nhìn từ tình hình 2 tháng cuối năm 2022 thì mục tiêu đặt ra cho 2023 không phải là cao mà là rất cao, nhưng có cơ sở và điều kiện để đặt ra mục tiêu như vậy.

Điều kiện đầu tiên là chúng ta ổn định chính trị. Chúng ta có một thị trường nội địa lớn, quy mô dân số lên tới 100 triệu người sẽ là lối thoát, là bệ đỡ cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, thị trường thế giới thu hẹp. Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều cơ hội và thế mạnh từ các hiệp định thương mại để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; đã chuẩn bị nguồn lực đủ lớn để tăng đầu tư công năm 2023.

Hơn nữa, doanh nghiệp Việt Nam tuy nhỏ và yếu nhưng có sức sống mạnh mẽ, linh hoạt. Các chính sách hỗ trợ đang được các cơ quan của Chính phủ tiếp tục nghiên cứu và ban hành, sẽ tiếp sức để doanh nghiệp trong nước phục hồi và tăng sức chống chịu trong một năm nhiều khó khăn.

Đứng ở góc độ nghiên cứu, chúng tôi thấy năm 2023 thách thức nhiều hơn thuận lợi. Thế nhưng những thách thức đó tác động mạnh hay nhẹ lại phụ thuộc vào cách chúng ta xử lý như thế nào. Bởi như tôi đã phân tích ở trên, có nhiều động lực tăng trưởng nằm ở chính thị trường nội địa, chứ không phụ thuộc quá nhiều vào kinh tế thế giới. Nếu quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện tốt, thì mục tiêu tăng trưởng 6,5% đặt ra là rất cao nhưng cũng nằm trong tầm tay.

Phóng viên: Trong một năm được dự báo là đầy biến động và khó lường, yêu cầu đặt ra đối với mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là gì, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên: Sau đại dịch Covid-19, nội hàm nền kinh tế tự chủ phải khác trước. Tại diễn đàn kinh tế diễn ra tháng 6/2022 về xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói rất rõ vấn đề này. Đó là nền kinh tế hội nhập với kinh tế quốc tế, trong đó sản phẩm của Việt Nam phải là chính, doanh nghiệp Việt Nam phải là nhân tố định ra được những chuỗi giá trị và tham gia định ra luật chơi của chuỗi giá trị. 

Sau đại dịch Covid-19, nội hàm nền kinh tế tự chủ phải khác trước. Tại diễn đàn kinh tế diễn ra tháng 6/2022 về xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói rất rõ vấn đề này. Đó là nền kinh tế hội nhập với kinh tế quốc tế, trong đó sản phẩm của Việt Nam phải là chính, doanh nghiệp Việt Nam phải là nhân tố định ra được những chuỗi giá trị và tham gia định ra luật chơi của chuỗi giá trị. 
Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên

Chúng tôi vừa xây dựng tiêu chí đánh giá độc lập tự chủ của nền kinh tế có hơn 22 tiêu chí trong đó có 4 nhóm tiêu chí lớn. Đó là: Tự ứng phó được lương thực và đồ dùng thiết yếu; tự chủ năng lượng; dự trữ ngoại hối và tự chủ khoa học. Trong các tiêu chí để đánh giá sự tự chủ của nền kinh tế, có tiêu chí chúng ta đạt mức độ khá nhưng cũng có những tiêu chí còn yếu, phải củng cố thêm.

Năm 2023 chúng ta phải có góc nhìn mới, nhìn các vấn đề kinh tế phải từ cả yếu tố địa chính trị chứ không đơn thuần chỉ là kinh tế. Với tình hình thế giới nhiều biến động và khó lường, cầu thế giới giảm đi sẽ khiến xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng, dòng đầu tư của thế giới cũng biến động. Trong bối cảnh đó, động lực tăng trưởng năm 2023 chủ yếu phải dựa vào nội lực, dựa vào đầu tư công và doanh nghiệp Việt Nam.

 Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngày xuất bản: 1/1/2023
Chỉ đạo: Ngọc Thanh - Việt Anh
Thực hiện: Tô Hà - Khánh Giang
Trình bày: Ngọc Bích