Chỉ còn chờ nước Mỹ

Có thể Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell hơi quá lạc quan, khi tin rằng một thỏa thuận liên quan chương trình hạt nhân của Iran có thể đạt được một cách gấp gáp. Tuy nhiên, điều đó cũng thể hiện tiến trình đàm phán nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 đã đạt được những tiến triển ngoài kỳ vọng như thế nào, trong những ngày qua.
0:00 / 0:00
0:00

Như ông Joseph Borrell hé lộ với truyền thông quốc tế ngày 23/8, dự thảo thỏa thuận và phản hồi từ phía Iran đã được gửi đến các bên liên quan, nghĩa là nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) từng cùng Iran ký kết Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) về chương trình phát triển hạt nhân của Iran năm 2015.

Theo ông Borrell, phần lớn các bên đã đồng ý với đề nghị của Iran. Tuy nhiên, việc có đạt được thỏa thuận hay không còn phụ thuộc vào Mỹ, nước được kỳ vọng sẽ đưa ra quyết định trong tuần cuối tháng 8 này.

Đến hiện tại, do ông Donald Trump khi còn là Tổng thống Mỹ đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018, đồng thời tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran, cho nên suốt 16 tháng ròng rã đàm phán cam go nhằm hồi sinh JCPOA vừa qua, các phái đoàn của Washington chỉ có thể tham dự với tư cách gián tiếp.

Song, có vẻ tiến trình ấy cũng đã thật sự đi đến "chặng quyết định", đòi hỏi những bước ngoặt quyết định.

Bối cảnh này được bộc lộ rõ, trong những điểm nhấn đáng chú ý của dòng sự kiện liên quan, hai tuần qua.

Ngày 8/8, EU đã gửi đến Iran văn bản cuối cùng của dự thảo thỏa thuận khôi phục JCPOA. Ngày 16/8, Iran thông báo đã gửi văn bản phản hồi dự thảo cuối cùng của EU về việc khôi phục JCPOA, trong đó nhấn mạnh nếu Mỹ thể hiện sự linh hoạt và thực tế thì thỏa thuận có thể được ký kết.

Ngày 19/8, Bộ Ngoại giao Iran cho biết họ đã sẵn sàng đưa các vòng đàm phán bước vào một giai đoạn mới, tùy thuộc vào phản ứng từ Mỹ. Ngày 22/8, Iran cáo buộc Mỹ trì hoãn, và phía Mỹ cũng lập tức bác bỏ, đồng thời khẳng định rằng việc đạt được một thỏa thuận đã trở nên khả thi hơn so với hai tuần trước.

Ngày 23/8, theo Sputnik, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov tuyên bố: "Từ lâu, nước Nga đã xác nhận đồng ý với dự thảo thỏa thuận hiện đã được gửi cho tất cả các bên tham gia tiến trình này".

Một cách hình tượng, "quả bóng" thật sự đang "nằm bên phần sân của Mỹ".

Như giới quan sát quốc tế tiên liệu, sau những động thái không khoan nhượng về các khúc mắc mấu chốt nhằm giành lợi thế trên bàn đàm phán, cuối cùng, cũng đã đến lúc hai phía (và không chỉ Mỹ hay Iran) nghiêm túc tìm kiếm các điểm thỏa hiệp quyết định.

Hồi sinh JCPOA, sau ý nghĩa về củng cố hòa bình và ổn định cho thế giới, còn là điểm gắn liền với lợi ích cốt lõi của toàn bộ các "người chơi", trong ván bài này. Với Iran, đó cũng chính là sự hồi sinh những chương trình tái thiết đất nước đã bị đình trệ sau gần bốn năm, với những dòng đầu tư đầy hứa hẹn chưa kịp phát huy hiệu quả.

Với các cường quốc châu Âu (Anh, Pháp, Đức), khôi phục JCPOA không chỉ là hồi sinh những cơ hội hợp tác kinh tế dang dở với Tehran, mà năng lực sản xuất khoảng một triệu thùng dầu mỗi ngày của nước Cộng hòa Hồi giáo này cũng đang được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt những gánh nặng đang đè xuống nền kinh tế của họ, từ hiện trạng giá năng lượng vẫn luôn chạm đỉnh.

Với nước Nga, việc một đồng minh truyền thống và gần gũi như Iran có tiếng nói mỗi lúc một giàu sức nặng hơn trên trường quốc tế đương nhiên là điều tích cực.

Còn với nước Mỹ, hay đúng hơn là với đảng Dân chủ đang cầm quyền của đương kim Tổng thống Joe Biden, việc JCPOA được khôi phục trọn vẹn (với sự trở lại chính thức của Washington) sẽ là một thành tựu ngoại giao quan trọng, trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.

Đây là một mục tiêu đã được đưa vào chương trình tranh cử của ông chủ Nhà trắng. Vấn đề chỉ còn là Bộ Ngoại giao Mỹ đã sẵn sàng tỏ ra "mềm mỏng" hơn chưa? Họ sẽ "xuống thang" theo tốc độ như thế nào? Và bắt đầu có những nhượng bộ cần thiết từ đâu?