“Check-in” hoa thơm cỏ lạ

Chỉ cách trung tâm thành phố hơn 10km, Công viên thực vật cảnh Việt Nam (xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì) là nơi có cảnh quan đẹp và nhiều loài hoa quý, hoa lạ. Đây là điểm check-in hấp dẫn của giới trẻ dịp cuối tuần.
0:00 / 0:00
0:00
Khách du lịch đến với Công viên thực vật cảnh Việt Nam.
Khách du lịch đến với Công viên thực vật cảnh Việt Nam.

Từ trung tâm thành phố đi theo quốc lộ 1A (cũ), đến phố Tựu Liệt, rẽ phải một quãng ngắn, khách du lịch đã bắt gặp một không gian xanh, thoáng đãng. Đó là Công viên thực vật cảnh Việt Nam. Công viên là một “tổ hợp” với không gian hồ nước, các khu vui chơi, cắm trại…

Nhưng độc đáo nhất là vô vàn loại hoa khác nhau, được cư dân mạng ví von là những vườn hoa “đẹp không góc chết”. Công viên thực vật cảnh Việt Nam có lẽ là nơi có “bộ sưu tập” các loài hoa lớn nhất Hà Nội hiện nay. Nơi đây có hơn 2.000 loài hoa và các gốc thực vật khác nhau. Đáng kể nhất là 270 giống hoa hồng, 40 loài cây leo, cây cảnh, thực vật nhiệt đới và 1.500 giống hoa khác.

Công viên này nổi tiếng với những danh hiệu như: Nơi có đường tường vi đẹp nhất Việt Nam, nơi có nhiều loài cúc cổ nhất Việt Nam… Riêng tường vi, công viên có khoảng 100 cây tường vi lớn, được trồng thành hai hàng. Những cây tường vi tạo thành một “bức tường hoa” rực rỡ. Do các cây tường vi cổ thụ khá cao, những người quản lý công viên phải thiết kế sẵn một chiếc thang để khách có thể có những bức hình đẹp nhất. Bộ sưu tập hoa cúc ở công viên cũng rất đáng nể, với khoảng 40 loài hoa cúc khác nhau, trong đó có những loài cúc cổ, vốn được người Việt từ những thế hệ trước ưa chuộng. Nhiều loài có những cái tên rất mĩ miều, thí dụ như: hồng tú kiều, bạch lệ mi…

Những loại cúc cổ trồng trong các chậu, bình gốm được sắp đặt đầy tính nghệ thuật. Công viên còn có cả hồ sen, giúp khách tham quan thỏa sức khám phá, chụp ảnh sen các loại. Hiện tại, mùa sen, mùa tường vi đã qua, nhưng vẫn còn hàng nghìn loại hoa khác cho khách tham quan thỏa sức khám phá, “check-in”.

Trước khi được cải tạo, Công viên thực vật cảnh Việt Nam vốn là một cánh đồng hoang dã, rậm rạp, được người dân gọi là cánh đồng Sếu, nằm ven làng cổ Huỳnh Cung. Hiện tại, bên cạnh các loại hoa, công viên còn phục vụ các dịch vụ nhà hàng, cắm trại, tổ chức sự kiện và các hoạt động trải nghiệm… với hàng chục “gói” sản phẩm khác nhau.

Giám đốc Công viên thực vật cảnh Việt Nam Đào Mạnh Hùng cho biết: Chúng tôi mong muốn đưa vẻ đẹp của thiên nhiên để lan tỏa đến cộng đồng về thông điệp trồng cây hoa cảnh bảo vệ môi trường đô thị. Do đó, công viên có nhiều dịch vụ dành riêng cho hoạt động khám phá thiên nhiên như: Hướng dẫn trồng cây, quản lý hoa, cây cảnh; cách bố trí hoa, cây cảnh trong gia đình, trong văn phòng… Công viên thực vật cảnh Việt Nam là điểm đến thư giãn cuối tuần hợp lý với nhiều người dân Thủ đô.