Châu Âu, trên đường đua nóng bỏng

Mười năm trước, bên cạnh những cuộc khủng hoảng tài chính-nợ công, khủng hoảng người nhập cư hay khủng hoảng về cơ cấu vận hành, Liên minh châu Âu (EU) còn phải đối diện với một thách thức ít được nhắc đến: Nhu cầu cân bằng chiến lược địa chính trị. Và vấn đề này, có lẽ, cũng vẫn đang hiện hữu.
0:00 / 0:00
0:00

Bị khuất lấp bởi các tin tức từ cuộc xung đột Nga-Ukraine hay những "điểm nóng" toàn cầu khác, chuyện ngày 12/12, các bộ trưởng Ngoại giao thuộc EU nhất trí bổ sung hai tỷ euro (2,1 tỷ USD) cho một quỹ riêng - vốn được sử dụng để chi trả cho hoạt động hỗ trợ quân sự của các đối tác - dường như không được dư luận "để tâm" nhiều.

Song, nội dung của cuộc họp ấy lại hàm chứa những thông tin rất đáng chú ý. Theo những gì hoàn toàn công khai, được báo chí và truyền thông quốc tế đăng tải rộng rãi: Khoản ngân sách trị giá 5,7 tỷ euro (6,3 tỷ USD) của quỹ, vốn đủ dùng đến năm 2027, đã gần như cạn kiệt sau nhiều tháng diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt của nước Nga tại miền đông Ukraine. Hiện trong quỹ chỉ còn khoảng 800 triệu euro (846 triệu USD).

Do đó, nói như Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell: Quyết định bổ sung ngân sách này nhằm bảo đảm cho EU khả năng tiếp tục hỗ trợ quân sự cho các đối tác. Và theo Hội đồng châu Âu, EU nhiều khả năng sẽ tiếp tục bổ sung thêm ngân sách ở giai đoạn sau. Con số này thậm chí có thể lên tới 5,5 tỷ euro (5,8 tỷ USD) vào năm 2027 nếu cần thiết.

Trong những đối tác đó, không chỉ có Ukraine. Cho dù, những khoản viện trợ dành cho Kiev chính là nguyên nhân khiến quỹ hỗ trợ của EU cạn kiệt.

Ở một nội dung liên quan trong chương trình nghị sự, cuộc họp phác thảo kế hoạch trước mắt: Triển khai một phái bộ quân sự hoạt động trong ba năm tại Niger. Theo đó, trong giai đoạn đầu, EU sẽ triển khai khoảng từ 50 tới 100 binh sĩ, rồi có thể tăng lên khoảng 300 người, để giúp quốc gia châu Phi này cải thiện hạ tầng cũng như bảo đảm an ninh.

Là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, Niger đang có nguy cơ chịu ảnh hưởng bạo lực từ quốc gia láng giềng Mali, nơi các phần tử Hồi giáo cực đoan đang tăng cường hoạt động, sau khi Pháp và các lực lượng châu Âu đã vừa buộc phải thực hiện việc rút quân khỏi đây (cũng như toàn khu vực Sahel phía nam hoang mạc Sahara, gồm nhiều nước Tây-Trung Phi) hồi tháng trước.

Cuộc triệt thoái khỏi Sahel ấy, sau 10 năm hiện diện của binh sĩ Pháp và đồng minh châu Âu, bị xem là một thất bại chiến lược. Và đặt kết cục ấy cạnh những ý tưởng mới đang được "lên kế hoạch", Niger dường như đang được cân nhắc để xây dựng trở thành một "con đê quai", ngăn chặn cả sự bành trướng của các phần tử Hồi giáo cực đoan, lẫn "chống đỡ" cho vị thế nước Pháp (và EU) đang suy giảm, tại một khu vực ảnh hưởng truyền thống.

Nếu để tiến trình suy giảm này tiếp diễn, sẽ rất khó để EU, dưới sự lãnh đạo của trục Paris-Berlin, vươn mình trở thành một "cực" mới, trong thế giới đang biến chuyển hiện tại.

Đây cũng chính là thách thức từng đặt ra cho EU trong thập niên trước, khi nước Anh quyết tâm "dứt áo", và khi rất nhiều nền kinh tế thành viên EU mắc kẹt giữa "thương chiến Mỹ-Trung" hay những lệnh trừng phạt-cấm vận qua lại giữa Nga và Mỹ.

Vị thế của một trong những trung tâm quyền lực hàng đầu trên bản đồ địa chính trị thế giới luôn cần được bảo đảm bằng "ba chân kiềng": Sức mạnh kinh tế, tiềm lực quân sự, và tầm ảnh hưởng ngoại giao. Do đó, dù đối diện rất nhiều vấn đề nội tại, EU vẫn liên tục hiện diện quân sự ở Trung Đông-Bắc Phi-Sahel…, và hiện tại vẫn đang nỗ lực "đắp lũy xây thành".

EU có lẽ sẽ không bao giờ từ bỏ đường đua bỏng rát ấy, cho dù phải chấp nhận "đốt tiền" thêm nhiều lần nữa. Song, vấn đề là, 10 năm trước, quy mô của khủng hoảng kinh tế-xã hội, sự gia tăng chóng mặt của các chỉ số lạm phát cùng chi phí sinh hoạt, hay những nỗi ám ảnh về khủng hoảng năng lượng… cũng chưa thật sự tạo nên những áp lực nghẹt thở như bây giờ.