Châu Âu chật vật trong sóng nhiệt

Nhiều nước châu Âu đang trải qua những ngày nắng nóng khắc nghiệt, khi nhiệt độ cao bất thường ở một số nơi thậm chí vượt quá 40oC, khiến hàng trăm người tử vong, làm bùng phát cháy rừng cũng như gây nhiều khó khăn cho sinh hoạt hằng ngày của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Cháy rừng ở tây nam nước Pháp lan rộng do nhiệt độ tăng cao. Ảnh: AFP
Cháy rừng ở tây nam nước Pháp lan rộng do nhiệt độ tăng cao. Ảnh: AFP

Là quốc gia có khí hậu mát mẻ song nước Anh đang trải qua đợt sóng nhiệt cao bất thường. Giới chức nước này liên tục cảnh báo tình trạng nắng nóng nghiêm trọng. Các nhà khí tượng học dự báo nhiệt độ ở một số nơi có thể lên đến 40oC trong đợt này, trong khi đó khu vực Suffolk đã ghi nhận mức nhiệt 38,1oC trong ngày 18/7, là ngày nóng thứ ba từng được ghi nhận trong lịch sử “xứ sở sương mù”. Lo ngại nguy cơ sốc nhiệt, giới chức đã khuyến cáo người dân hạn chế ra đường, ngừng các hoạt động ngoài trời, đóng cửa một số trường học hoặc lùi giờ tan học để tránh thời điểm nắng nóng gay gắt.

Ở bên kia eo biển Manche, hàng loạt thị trấn và thành phố của Pháp đã báo cáo mức nhiệt cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Lực lượng cứu hỏa nước này cũng đang phải chật vật đối phó các đám cháy rừng trên diện rộng. Cháy rừng đã gây thiệt hại nghiêm trọng, thiêu rụi nhiều ha rừng và hàng nghìn người phải sơ tán khỏi vùng nguy hiểm, hoạt động du lịch bị đình trệ do các điểm tham quan, cắm trại hoặc bãi biển bị phá hủy. Hàng loạt quốc gia châu Âu khác cũng đang chứng kiến hoặc chuẩn bị đón nhận sóng nhiệt, khiến nhiệt độ tăng vượt ngưỡng 40oC như Bỉ, Hà Lan, Ireland…

Tây Ban Nha thậm chí còn hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng hơn trong nắng nóng do nền nhiệt trung bình ở một số khu vực cao hơn, có nơi đã vượt 42oC. Báo cáo của Bộ Y tế nước này cho thấy, ít nhất 510 người đã tử vong vì các nguyên nhân liên quan thời tiết nắng nóng từ ngày 10 đến 16/7. Ngày 16/7 là ngày có nhiều người tử vong nhất với 150 nạn nhân. Đây là đợt nắng nóng thứ hai của Tây Ban Nha trong mùa hè năm nay, đợt trước đó từ ngày 11 đến 17/6 khiến 829 người tử vong.

Các nhà khoa học cho rằng, biến đổi khí hậu (BĐKH) khiến các hình thái thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn, với mức độ trầm trọng hơn. Không chỉ tại châu Âu, những năm gần đây, BĐKH đã làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan trên khắp thế giới như lũ lụt, cháy rừng, sóng nhiệt và hạn hán trên quy mô chưa từng có. Ở những khu vực khác trên thế giới, nhiệt độ ở mức 40oC có thể vẫn chưa quá lo lắng, song theo các chuyên gia, các tòa nhà ở nhiều nước châu Âu không được thiết kế để chịu được nhiệt độ cao.

Ở Bắc Âu, hầu hết các ngôi nhà được xây dựng để giữ nhiệt nhằm giúp cư dân chống chọi với cái lạnh, khiến nhiệt độ trong nhà tăng cao trong đợt nắng nóng. Đó là chưa kể chỉ một phần nhỏ trong số những ngôi nhà này có máy lạnh. Trong nhiều trường hợp, các thành phố không được xây dựng để chịu được nhiệt độ cao, cũng như không có cơ sở hạ tầng phù hợp để giữ cho nhiệt độ mát mẻ, hoặc các biện pháp ứng phó khẩn cấp để giúp đỡ những người dễ bị tổn thương.

Do vậy, các khu vực bị ảnh hưởng ở châu Âu đã phải nỗ lực giảm bớt rủi ro gây ra do nắng nóng cực đoan. Tại Bỉ, giới chức địa phương đã biến quảng trường lớn ở Louvain-la-Neuve thành một bãi biển đô thị với 300 tấn cát, ô dù, đồ uống và rặng dừa. Bãi biển rộng 1.200 m2 mở cửa cả tuần, từ 10 giờ đến nửa đêm cho đến ngày 31/7. Ngoài ra, còn có các hoạt động miễn phí tại bãi biển bao gồm các lớp học yoga, làm diều, các trò chơi trên lâu đài phao hoặc tổ chức hòa nhạc… Ở Pháp, nhiều thành phố đã mở cửa bảo tàng và các địa điểm có máy lạnh khác miễn phí, đồng thời kéo dài thời gian mở cửa hồ bơi. Chính quyền thành phố cũng yêu cầu nhóm đối tượng có bệnh lý nền hoặc những người sống một mình đăng ký để kiểm tra y tế thường xuyên trước các nguy cơ do nắng nóng. Thủ đô London (Anh) đã thiết lập các điểm tiếp nước miễn phí và điểm cấp cứu cho người bị sốc nhiệt.

Ngoài các biện pháp trước mắt, các quốc gia cũng đang tìm kiếm kế hoạch hành động chống nắng nóng lâu dài, như trồng nhiều cây hơn trong thành phố, xây dựng nhà chống nóng, trang bị cảnh báo sớm hoặc thiết lập hệ thống chăm sóc sức khỏe để chuẩn bị cho tình huống gia tăng bệnh nhân do sóng nhiệt.