Câu chuyện vẫn thường được bàn tán là khi thị trường chứng khoán (TTCK) giảm mạnh, một CTCK nào đó lại tiến hành bán giải chấp để thu hồi vốn margin. Trường hợp giá CP chạm ngưỡng bắt buộc giải chấp thì chuyện này là bình thường, nhưng đâu đó vẫn có những tranh cãi, ấm ức về việc CP chưa giảm vượt ngưỡng an toàn nhưng vẫn bị CTCK bán giải chấp và “đau nhất” là sau đó giá CP quay đầu tăng trở lại. CTCK lại đổ thừa do hệ thống tự động hoặc do “robot” bán ra chứ không phải chủ đích cá nhân.
Trường hợp gây khó cho các CTCK chính là việc cấp/không cấp margin hoặc cấp tỷ lệ bao nhiêu cho những CP “đậm đặc” tính đầu cơ. Tức là xét trên các tiêu chí của cơ quan quản lý thì tại thời điểm CP được phép cấp margin, nhưng cũng xuất hiện những rủi ro, chẳng hạn giá tăng thái quá, có yếu tố bơm đẩy… Lúc này sẽ là cuộc chơi cân não giữa các CTCK và có thể xảy ra các trường hợp, bên cấp margin, bên không cấp và ngay giữa các CTCK cấp margin cũng sẽ có các tỷ lệ khác nhau. Lịch sử đã chỉ ra không ít trường hợp kiểu này và những CTCK liều lĩnh đã phải trả giá. Khi những CP có yếu tố bơm đẩy bắt đầu xuất hiện những thông tin kiểu làm ăn kém hiệu quả, lỗ nặng, số liệu không minh bạch, lãnh đạo bị vướng vòng lao lý… thì giá tụt dốc không phanh đến vài chục lần. Lúc này, ngoài phần vốn của NĐT đã “bay hơi” sạch thì CTCK còn lỗ thêm phần vốn margin vì giá CP giảm quá sâu nhưng không bán được.
Về lý mà nói, những “tai nạn” kiểu như trên sẽ củng cố thêm tính thực tiễn cho hoạt động quản trị rủi ro liên quan đến margin của CTCK. Chẳng hạn, một CTCK lớn, từ hơn một năm trước đã xóa bỏ dịch vụ margin VIP, tức là cho vay với tỷ lệ cao, chẳng hạn 1:2 (có 1 đồng được vay thêm 2 đồng) cao hơn tỷ lệ thông thường là 1:1. Hiện nay, khách hàng dù có thân thiết đến mấy, gắn bó lâu năm, thì cũng chỉ được cho vay 1:1, nhiều CP theo thời gian còn được cân nhắc hạ tỷ trọng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp thái quá xảy ra ngay tại những CTCK được cho là “có nghề” nhất về mặt quản trị rủi ro.
Chẳng hạn, thời gian vừa qua, một CP vốn hóa lớn tăng giá rất mạnh, nhưng NĐT mở tài khoản tại một CTCK tốp đầu, lại không thể vay margin để mua CP này, chỉ được dùng vốn tự có. Được biết, cơ chế quản trị rủi ro của CTCK này khá chặt do đã từng gặp phải “tai nạn” từ cấp margin. Tuy nhiên, bộ phận quản trị rủi ro lại chặt chẽ đến mức thái quá và khi không cấp margin cho CP đang tăng mạnh thì lập tức khách hàng dịch chuyển nguồn vốn sang CTCK khác. Còn có trường hợp lãnh đạo CTCK có cách nhìn bi quan về thị trường, chẳng hạn khi VN Index ở quanh mốc 1.000 điểm, thì nhìn nhận có thể xuống đến dưới 900 điểm. Dự báo đến mức cực đoan này đã dẫn đến các bộ phận khác tăng cường quản trị rủi ro thái quá, lỡ mất cơ hội kinh doanh.