Chặng đường gập ghềnh

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tối 23/6 xác nhận, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cấp “quy chế ứng cử viên” gia nhập EU cho hai quốc gia Đông Âu là Ukraine và Moldova. 

Biếm họa: TOM JANSSEN
Biếm họa: TOM JANSSEN

Trên trang Twitter cá nhân, Chủ tịch Hội đồng châu Âu thông báo: “Hội đồng châu Âu gồm các nhà lãnh đạo EU (EUCO) vừa ra quyết định cấp quy chế ứng cử viên gia nhập EU cho Ukraine và Moldova. Đây là một thời khắc lịch sử, đánh dấu một bước tiến quan trọng trên lộ trình hướng tới EU của các bạn. Chúc mừng Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky và Tổng thống Moldova, Maia Sandu cũng như nhân dân Ukraine và Moldova. Tương lai của chúng ta song hành cùng nhau”.

Hội đồng châu Âu sẽ thực hiện các bước tiếp theo sau khi các nước ứng cử viên đáp ứng những điều kiện do Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra. Theo ông Michel, Hội đồng châu Âu cũng quyết định công nhận quan điểm châu Âu về Gruzia và tái khẳng định sẵn sàng cấp quy chế ứng cử viên khi những vấn đề còn tồn tại được giải quyết. Các nhà lãnh đạo EU cho rằng, Gruzia chỉ có thể trở thành một ứng cử viên chính thức sau khi nước này giải quyết xong những ưu tiên còn tồn đọng. EC cho biết, đến cuối năm nay sẽ đánh giá Gruzia có đáp ứng các điều kiện đối với quy chế ứng cử viên EU hay không. EC xác định những ưu tiên Gruzia cần giải quyết gồm chấm dứt phân cực chính trị, cải cách tư pháp và bầu cử...

Từ Kiev, Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của EU về việc nhất trí chấp thuận cấp quy chế ứng cử viên cho nước này, gọi đây là “một thời khắc độc nhất và mang tính lịch sử” trong mối quan hệ giữa Kiev và liên minh gồm 27 quốc gia thành viên. Trên trang Twitter cá nhân, ông Zelensky chia sẻ: “Tương lai của Ukraine là nằm trong EU”. Trong khi đó, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak khẳng định, Kiev sẽ nỗ lực hết sức để nhanh chóng thực thi kế hoạch cho phép triển khai tiến trình đàm phán gia nhập EU.

Từ khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra hôm 24/2, quan điểm của các nhà lãnh đạo EU là rất rõ ràng, đó là ủng hộ toàn diện Ukraine. Sự ủng hộ này đã được thể hiện trong gần bốn tháng qua cả về mặt chính trị lẫn quân sự, tài chính, với các cấp độ chưa từng có trong chính sách đối ngoại và an ninh của EU, như việc chi ra hàng tỷ euro mua vũ khí viện trợ cho Ukraine. Vì thế, việc các nước EU hoàn toàn đồng thuận về việc trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên gia nhập EU chỉ là một bước đi tiếp theo trong sự ủng hộ chính trị mà EU dành cho Ukraine. 

Hiệp ước tạo lập EU đặt ra ba điều kiện để có được tư cách ứng cử viên: Phải là một quốc gia có chủ quyền, phải có vị trí địa lý ở châu Âu và phải tôn trọng các giá trị nền tảng của EU. Tuy nhiên, chặng đường trở thành thành viên EU chính thức của Ukraine còn rất xa và tiềm ẩn nhiều thách thức. Trước tiên, quá trình đàm phán gia nhập có thể kéo dài nhiều năm, do còn vô vàn thủ tục, quy tắc hay văn bản mà Kiev sẽ cần vượt qua. Như nhận định của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay Thủ tướng Đức Olaf Scholz, chặng đường này có thể kéo dài từ vài năm đến vài thập kỷ, thậm chí lâu hơn.

Thử thách tiếp theo mà Ukraine phải đối mặt là tìm cách chấm dứt cuộc chiến để có thể bắt tay vào tiến trình tái thiết đất nước. EU là một liên minh kinh tế-chính trị lớn mạnh và sẽ chưa cấp tư cách thành viên chính thức cho Kiev khi nước này vẫn đang trong một cuộc chiến tranh toàn diện, với một nền kinh tế bị tàn phá nặng nề. Gánh nặng khổng lồ về mọi mặt sẽ được đặt lên vai của EU nên rất có thể nhiều thành viên EU không bao giờ chấp nhận. Ngoài ra, chính thức gia nhập EU cũng có nghĩa mối quan hệ giữa Ukraine và Nga sẽ không bao giờ được hàn gắn, do chính sách “hướng đông” của EU luôn bị Moscow phản đối.

Giờ đây, khi đã có tư cách ứng cử viên, Ukraine và Moldova sẽ được EU hỗ trợ tài chính để tiến hành những cải cách chính trị, kinh tế và thể chế cần thiết nhằm tuân thủ các quy tắc của châu Âu. Song, với những thách thức nêu trên, chặng đường trở thành “người một nhà” trong EU của Ukraine sẽ còn nhiều gập ghềnh và trở ngại.