Chặng đường của người lính cùng dân tộc

Nhà văn Lê Hoài Nam vừa ra mắt “Tuyển tập truyện ngắn Lê Hoài Nam” (NXB Hội Nhà văn 2022). Tuyển tập in khổ lớn dày hơn 500 trang, gồm 42 truyện ngắn được tuyển chọn từ 74 truyện ngắn mà tác giả đã đăng từ khi mới cầm bút cho đến nay. Đọc tuyển tập truyện ngắn này, bạn đọc có thể hình dung quá trình sống và sáng tác văn chương của Lê Hoài Nam hơn 40 năm qua. 

Chặng đường của người lính cùng dân tộc

Mảng tác phẩm đầu tiên in ở đầu sách là những truyện ngắn ông viết ở tuổi trên dưới 30, khi là một sĩ quan hải quân, từng đi theo những con tàu, đến các hòn đảo, sống cùng những người lính áo xanh, sướng khổ vui buồn cùng họ. Đó là thời kỳ cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đã qua đi, nhưng hai cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và phía bắc thì vẫn còn. Cuộc sống của bộ đội còn rất nhiều thiếu thốn, gian khổ, máu của họ vẫn đổ hằng ngày. Mảng truyện thứ hai Lê Hoài Nam viết khi đã chuyển ngành về giữ một vị trí quản lý Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh, rồi Nam Hà, Nam Định. Những truyện này mang tính chất “thế sự - xã hội”, nhưng phần lớn nhân vật vẫn là người lính thời hậu chiến. Trong mảng tác phẩm này có bốn truyện ngắn được dựng thành phim. Mảng truyện ngắn tiếp theo viết về cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Đấy là những năm 1972-1973, ông là một người lính trẻ hành quân vào chiến trường Quảng Trị. Nhà văn chia sẻ: “Tuy ở trong đó với thời gian không dài nhưng những gì tôi chứng kiến nó đậm đặc chất liệu cho tác phẩm văn chương. Thấy chuyện gì hay, có thể làm chất liệu cho tác phẩm, tôi đều ghi vào cuốn sổ “Nhật ký chiến trường”. Rất may là cuốn nhật ký tôi đã giữ được, đã theo tôi ra bắc”. 

Khi về đoàn an dưỡng, có một chiến sĩ nữ rất yêu văn học muốn đọc cuốn nhật ký ấy và tác giả đã cho cô mượn. Cho đến năm 2010, khi ông đã trở về Hà Nội sinh sống thì người mượn mới gửi trả cuốn nhật ký. Đọc lại những gì mình ghi chép ở chiến trường, ông rất xúc động. Thế là dựa vào khối chất liệu ấy ông viết một loạt truyện ngắn như “Thung lũng sỏi’, “Chuyện rồi sẽ kể”, “Tình yêu vỗ cánh”, “Cuộc gặp muộn mằn”, “Sói con”, “Bên hàng rào kẽm gai”, “Cây hoa lạ ở góc vườn”… 

Phần sau cùng của tuyển tập là mảng tác phẩm Lê Hoài Nam viết về lịch sử. Trong mảng lịch sử có một số truyện liên quan tới đạo Thiên chúa. Lê Hoài Nam cho biết, ông viết không ngoài mục đích để mọi người hiểu đúng về đạo Thiên chúa, từ đó có cách ứng xử sao cho phù hợp, cổ vũ tinh thần đoàn kết dân tộc.

Kỳ vọng của tác giả về cả tuyển tập truyện ngắn này là giúp cho bạn đọc hiểu về người lính chiến trường, người lính giữ biển đảo, người lính thời hậu chiến, những nhân vật và sự kiện lịch sử… Tuyển tập mang ý nghĩa “tổng kết một chặng đường” quan trọng của người viết dấn thân với văn chương.