Trần Lập và những lý do “độc” kể chuyện Bức Tường

NDO -

NDĐT - “Ai cũng lớn lên từ sẻ chia của những người từng trẻ, cũng có khát vọng, cũng có biết bao điều giá trị muốn giữ mãi về sau. Cho nên, tôi đã tìm ra lý do lớn nhất để viết cuốn sách nhỏ này”.

Trần Lập cùng các thành viên Bức Tường và bạn bè.
Trần Lập cùng các thành viên Bức Tường và bạn bè.

Những lời bộc bạch chân thành trên được nhạc sĩ - ca sĩ Trần Lập chia sẻ trong buổi ra mắt cuốn tự truyện “Bên kia Bức Tường” ngày 2-8 tại Hà Nội.

Với mong muốn “dựng lên chiếc thang nho nhỏ” để người đọc có thể “ghé mắt trông sang phía bên kia của Bức Tường”, Trần Lập đã kể lại câu chuyện chân thật, giản dị nhưng cũng đầy chìm nổi của tuổi trẻ, gắn với hành trình “tới ngày vinh quang” không ít gian nan của một trong những ban nhạc rock hàng đầu Việt Nam.

Vị “thủ lĩnh” Bức Tường

Nhạc sĩ - ca sĩ Trần Lập là người đồng sáng lập Bức Tường, ban nhạc đã tạo ra trào lưu nghe và hâm mộ nhạc rock trong giới trẻ Việt Nam sau năm 1995. Từ những phong trào ca nhạc sinh viên, Trần Lập đã gắn liền với tên tuổi của Bức Tường qua hàng trăm sự kiện âm nhạc lớn nhỏ trong nước cũng như quốc tế.

Chia sẻ “mối tình” với âm nhạc, vị “thủ lĩnh” này dí dỏm cho hay: “Hồi còn đi học, tôi tự thấy mình chẳng nổi bật trong bất cứ môn học nào. Tài năng duy nhất là ca hát thì lại giấu đi, không dám cho mọi người biết. Cho tới năm 12 tuổi, chị gái đã khẳng định với tôi rằng, tương lai tôi chắc chắn sẽ là ca sĩ. Lời nói nó đã động viên, nâng bước tôi. Sau này, tôi luôn tâm niệm đó là một “lời tiên tri” cho cuộc đời mình”.

Với câu hỏi về những “bí mật” vượt khó trong thành công của Bức Tường, Trần Lập khiêm tốn cười: “Ngoài những nỗ lực, Bức Tường được thành lập vào lúc những điều kiện tiếp xúc với giới truyền thông được cải thiện hơn nhiều so với thời trước. Với lại, chúng tôi chơi nhạc tiếng Việt, sáng tác bằng tiếng Việt, còn những ban nhạc khác hát cover, hoặc sáng tác và hát bằng tiếng Anh”.

“Cái khó lớn nhất có lẽ là kinh phí”, rocker này nói thêm, “số tiền bỏ ra để làm một chương trình rock luôn lớn hơn những chương trình âm nhạc khác, vé bán ra cũng không “đắt hàng” bằng, vì rock vốn kén người nghe. Chưa kể nạn băng đĩa lậu. Tôi đã có lần thấy những tác phẩm thai nghén trong cả năm trời, chưa in ra đĩa đã bị chia sẻ đầy trên mạng”.

Năm 2006, trong liveshow “Ngày thứ bảy cuối cùng”, Bức Tường tuyên bố tạm thời dừng biểu diễn. Nhưng ngọn lửa từ niềm đam mê âm nhạc cháy bỏng đã khiến Trần Lập một mình tiếp tục sự nghiệp.

Cùng sự giúp đỡ từ bạn bè, anh khai sinh ra “Rock Storm” và nhận trọng trách tổng đạo diễn của chương trình này suốt ba năm liên tiếp. Lần đầu tiên trong lịch sử nhạc rock Việt Nam, các ban nhạc của dòng nghệ thuật kén người nghe này được tuyển chọn, quy tụ về một “sân chơi” lớn, có tính chất khác biệt hoàn toàn so với các rock show, rock tour trước đó.

Ngoài âm nhạc, Trần Lập còn tích cực tham gia nhiều hoạt động cộng đồng như chương trình “Ấn tượng Việt Nam” trong vai trò đạo diễn; làm Đại sứ cho Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC) hay chương trình “Green Talk”…

Cuốn tự truyện “viết suốt 18 năm”

Đúng như tên gọi “Bên kia Bức Tường”, cuốn sách chủ yếu kể về những chuyện đằng sau sân khấu mà ít ai biết về ban nhạc Bức Tường.

Trần Lập chia sẻ: “Tôi không phải là một nhà văn chuyên viết tiểu thuyết. Những tiểu thuyết gia hẳn sẽ viết khác, nhưng tôi thì chẳng có cái tham vọng ấy. Vậy nên cả cuốn sách chỉ đơn thuần là câu chuyện trong suốt 18 năm. Kể từ khi Bức Tường chào đời, âm thầm, đơn giản trong lòng đội văn nghệ Trường Đại học Xây dựng, những khó khăn, chìm nổi, bế tắc, những lần suýt tan rã, từng bước lớn nhỏ lên đỉnh vinh quang, cho tới khi tạm dừng cuộc chơi năm 2006 và tái hợp năm 2012”

Với anh, lời thú nhận ấy chẳng phải để dọn đường xin bạn đọc “bỏ quá cho”, mà chỉ là “không phải nhà văn thì cứ chia sẻ đúng kiểu con người mình thôi”.

Có thể Trần Lập không giỏi văn, vì chính anh đã chia sẻ: “Văn thời đi học của tôi hiếm khi qua được con số sáu”, song anh lại là một người kể chuyện giỏi, đã lay động, khơi gợi lên những hồi ức của tuổi thanh xuân trong mỗi bạn đọc. Một tuổi thơ thời bao cấp “đặt gạch xếp hàng, nhảy tàu điện đi khắp phố phường”, cái thời mà “Hà Nội chỉ bé bằng lỗ mũi, xe cộ thưa thớt và chậm rãi chứ không khiếp khủng như bây giờ”.

Những hồi ức làm bạn đọc cảm động, có thể chỉ là những ngày tháng lao động phụ giúp bố mẹ, trồng rau trồng sắn, vớt bèo nuôi gà nuôi lợn, rồi có những khi bị bố mẹ nhốt một mình trong nhà, sau “cánh cửa gỗ với những song sắt to và lạnh lùng”. Rồi một thời ngồi trên ghế nhà trường, bị lôi cuốn cùng hàng triệu trái tim bởi phong trào nhạc sinh viên sôi nổi, bởi không khí giao thoa thời cuộc kỳ lạ, như một cái nôi hình thành nên ban nhac rock khoáng đạt và thành công bậc nhất ở Việt Nam đương đại: Ban nhạc Bức Tường.

Thay vì chỉ tô vẽ hào quang chói sáng, Trần Lập bình thản kể ra bao thất bại, sai lầm, đen đủi. Trong phần “Chống cằm”, nơi anh suy ngẫm về âm nhạc và bản chất của sáng tạo, người nghệ sĩ đó không ngại ngần vạch ra những mảng tối còn tồn tại trong không gian rock của Việt Nam với câu hỏi nặng trĩu suy tư và trách nhiệm: “Rock Việt, khi nào ta khá hơn?”

Tự nhận xét, Trần Lập viết: “Bên kia của Bức Tường là ngổn ngang hay kì vĩ, là hố sâu hay ngút ngàn trùng điệp, bạn cứ thử bước tới và ngó qua. Ở bên kia ấy, mạch nguồn của tôi là khao khát được ca hát và có một ban nhạc riêng đã đến từ rất sớm. Tất cả luôn bất thành, tối tăm, đượm cái bi quan của thanh niên tuổi mới lớn… Ai cũng lớn lên từ sẻ chia của những người từng trẻ, cũng có khát vọng, cũng có biết bao điều giá trị muốn giữ mãi về sau. Cho nên, tôi đã tìm ra lý do lớn nhất để viết cuốn sách nhỏ này”.

Trần Lập và những lý do “độc” kể chuyện Bức Tường ảnh 1

Bìa cuốn sách “Bên kia Bức Tường”.

Trần Lập và những lý do “độc” kể chuyện Bức Tường ảnh 2

Ký tặng sách cho người hâm mộ.

Trần Lập và những lý do “độc” kể chuyện Bức Tường ảnh 3

"Không phải nhà văn thì cứ chia sẻ đúng kiểu con người mình thôi”.