Thương tiếc một cây đại thụ của văn chương Nam Bộ

NDO -


NDĐT - Tin nhà văn Trang Thế Hy từ trần (lúc 0 giờ 50 ngày 8-12-2015) có lẽ với nhiều người không phải quá đột ngột, vì tuổi ông đã vượt ngưỡng 90 (ông sinh ngày 29-10-1924) và gần đây sức khỏe ông giảm sút nhiều so với trước, nhưng về tình cảm, sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương sâu sắc trong người thân, đông đảo bạn bè và nhiều thế hệ người đọc cả nước.

Nhà văn Trang Thế Hy trong lễ mừng thọ của mình năm 2004. Ảnh: Trang web Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh.
Nhà văn Trang Thế Hy trong lễ mừng thọ của mình năm 2004. Ảnh: Trang web Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh.

Với Trang Thế Hy, cách xưng hô thế hệ cầm bút tuổi chúng tôi thuộc loại “lỡ cỡ”, có người gọi ông là anh, có người gọi ông là chú. Riêng tôi, thời cùng công tác với ông Tiểu ban Văn nghệ R ở trong rừng, tôi gọi ông là anh, nhưng hơn hai mươi năm sau, khi ông vượt nguỡng “cổ lai hy”, tôi chuyển sang gọi ông là chú. Nhưng cho dù gọi anh hay chú, tôi vẫn thấy ở ông trong giao tiếp, đặc biệt là trong các trang viết, một cách dẫn chuyện hết sức cuốn hút, luôn luôn đầy ắp chi tiết tinh tế, mới lạ, và qua chi tiết, nâng lên thành một “điều gì đó” cần nói về lẽ sống, về nghề viết. Mà cái “điều gì đó” càng ngẫm càng thấy là sâu sắc và có sức khái quát cao. Nhận xét này có thể thấy rất rõ trong các tác phẩm của ông, từ Áo lụa giồng đến Thèm thơ; từ Anh Thơm râu rồng đến Mưa ấm; từ Vết thương thứ mười ba đến Tiếng hát và tiếng khóc…và nhiều truyện khác nữa. Đó là những khám phá, những biểu hiện rất sâu về cuộc đời, những trang viết tinh tế và giàu chất nhân văn khi miêu tả về những góc khuất của tâm hồn và số phận con người. Ông có một tập thơ, nhan đề Đắng và ngọt, với số lượng 13 bài sáng tác và 11 bài dịch thơ R. Tago qua bản dịch tiếng Pháp. Tuy không nhiều, nhưng thơ ông rất độc đáo, có bản sắc riêng với lối cấu tứ chặt, liên tưởng lạ và phong phú.

Song sở trường của Trang Thế Hy là truyện ngắn và ký, và thành công chủ yếu của ông cũng là trên lĩnh vực này. Văn ông rất có duyên, trong trẻo, giàu hình ảnh, có thể một phần do năng khiểu bẩm sinh của một nhà văn có óc tinh tế khi quan sát và diễn đạt, một phần là ông học tập và ảnh hưởng nhiều của văn học Pháp. Ông được coi là bậc thầy của việc sử dụng phương ngữ trong văn chương của các cây bút vùng Nam Bộ, bởi sự vui hóm và tính chuẩn mực về liều lượng. Ông chủ trương đề cao và phụng sự cái đẹp, cho nên một số bút danh của ông cũng hàm nghĩa “lấy văn phụng sự cái đẹp”(Văn Phụng Mỹ), hoặc “chàng trai họ Vũ yêu văn chương”(Vũ Ái Văn). Ông khiêm tốn tự trào nhưng cũng rất có ý thức về tài năng của mình, khi tâm sự “Tôi tự đánh giá mình có được tạo hóa nhểu cho vài giọt năng khiếu bẩm sinh về văn chương nhưng bản thân kém ý chí và thiếu đam mê nghề nghiệp nên không có thành đạt đáng kể”.

Nói vậy, chứ những ai quan tâm và hiểu biết về tình hình báo chí văn học ở Sài Gòn những năm từ sau Hiệp định Giơnevơ đến khoảng 1962 - 1963, đã thấy tên tuổi Trang Thế Hy, Văn Phụng Mỹ nổi bật trong dư luận bạn đọc và được công chúng hết sức mến mộ, cùng những Viễn Phương, Sơn Nam, Lê Vĩnh Hòa…với những trang viết nhẹ nhàng, kín đáo nhưng đã vạch trần được những bất công, những ẩn tàng vẻ đẹp của con người lương thiện trong xã hội đương thời, hoặc khơi gợi lòng yêu quê hương đất nước, đòi hòa bình, chống chiến tranh. Những truyện như Nắng đẹp miền quê ngoại, Áo lụa giồng… bộc lộ cảm xúc nhân văn và tình tự dân tộc trong ly loạn, nhưng bên sau là ẩn giấu tấm lòng, tâm tình của một người yêu nước từng tham gia kháng chiến. Các truyện Thèm thơ, Một thiếu nữ không đáng kể, Tiếng khóc và tiếng hát… không chỉ phản ánh những số phận phụ nữ thuộc loại dưới đáy của xã hội, mà còn gợi mở những suy nghĩ về lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút.

Cũng bởi những tác phẩm yêu nước, ca ngợi dân tộc mà ông bị kẻ thù theo dõi, o ép, truy bức. Đến khi không thể hoạt động hợp pháp tại Sài Gòn, phải ra chiến khu công tác, con đường sáng tạo của Trang Thế Hy tiếp tục phát triển. Không còn sự theo dõi của mật vụ, sự khắc nghiệt của chế độ kiểm duyệt thù địch, văn ông được tự do bộc lộ lý tưởng nghệ thuật của mình, gắn bó hơn với cuộc chiến đấu của đồng bào, chiến sĩ những năm kháng chiến và bày tỏ tấm lòng nhân đạo cao cả mà ông theo đuổi lâu nay. Anh Thơm râu rồng, Mưa ấm, Vui nhỏ trên đường dây, Bên miệng hố bom đìa… là kết quả của những ngày viết trong đạn bom gian khổ và ác liệt. Truyện Anh Thơm râu rồng là một truyện xuất sắc được Giải thưởng văn học nghẹ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960-1965) của Hội văn nghệ Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngòi bút Trang Thế Hy càng có điều kiện để thể hiện những suy ngẫm nhiều mặt của cuộc đời trên cái nền của vốn sống đa dạng và phong phú của người ưa quan sát và ghi nhận. Cho đến khi tuổi đã cao, sức viết không còn sung mãn như trước, ông khiêm tốn tuyên bố vui “đi chỗ khác chơi”, nhưng nói thế, nhưng ông vẫn luôn quan tâm đến tình hình văn học vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là sự trưởng thành của những cây bút trẻ trên địa bàn. Ông luôn luôn tự răn mình rằng văn chương góp phần thanh lọc tâm hồn con người và đem đến cho họ sự bình tĩnh và lòng can đảm. Qua nhân vật của mình trong truyện Tiếng khóc và tiếng hát, ông cũng nhấn mạnh rằng “hiện thực đau buồn nhắc nhở người cầm bút đừng bao giờ đánh mất cái điểm tựa đáng tin cậy của mình là nỗi đau khổ lớn của số đông thầm lặng”.

Văn Trang Thế Hy không có những chữ “nước”, nghĩa là chữ viết ra chặt chẽ như là đã được chưng cất chọn lọc rất kỹ trong tư duy, trước khi đặt bút. Và vì thế, về khối lượng ông viết không thật đồ sộ, theo ông cho biết khoảng “chưa đầy hai mươi bài thơ, trên dưới nửa trăm truyện ngắn, chừng bốn hay năm tiểu thuyết, truyện vừa in nhiều kỳ trên nhật báo, tuần báo, tạp chí” nhưng tư tưởng và nghệ thuật của những trang viết của ông, vẫn đủ sức nặng dành cho ông một vị trí là một cây đại thụ, cả về văn chương và tuổi tác, đứng hàng đầu của văn chương Nam Bộ, một nhà văn lớn của văn học hiện đại Việt Nam.