Thương nhớ Anh Huy Cận

Nhà thơ Huy Cận trên giường bệnh ba ngày trước khi mất.
Nhà thơ Huy Cận trên giường bệnh ba ngày trước khi mất.

Tôi coi Huy Cận như một người anh lớn, lớn về tuổi đời, về sự nghiệp văn chương và chính trị. Còn anh coi tôi như một người bạn văn chương, một đồng hương xứ Nghệ. Sách anh tặng thường ghi: "Tặng Phan Cự Đệ, tình đồng chí, tình đồng hương, tình cá gỗ, tình văn chương".

Huy Cận và Xuân Diệu là hai ngọn cờ tiêu biểu của phong trào Thơ mới từ 1936 về sau. Nhiều bài thơ của các anh đã trở thành cổ điển (Tràng giang, Đi giữa đường thơm... của Huy Cận; Lời kỹ nữ, Vội vàng... của Xuân Diệu). Tập thơ Lửa thiêng (1940) là một lòng yêu thiên nhiên, yêu đất nước, yêu thương con người và cuộc sống. Nhưng bế tắc không tìm được lối ra nên hóa ra đau đời trong nỗi sầu nhân thế của Lửa thiêng có những giọt lệ ấm cúng tình người. Huy Cận, Xuân Diệu cũng như các nhà thơ mới "đã làm một bước tổng hợp những tinh hoa của văn hóa phương Đông, văn hóa phương Tây trên cơ sở truyền thống văn hóa dân tộc, do đó đã góp phần đẩy nhanh thi ca Việt Nam trên con đường hiện đại hóa. Sách giáo khoa phổ thông đã chọn đúng hai bài thơ Tràng giang và Các vị La Hán chùa Tây Phương, đó là hai bài thơ tiêu biểu của Huy Cận trước và sau Cách mạng Tháng Tám.

Tôi có nhiều kỷ niệm chung quanh bài Tràng giang. Một hôm, anh Huy Cận tâm sự với tôi: Tràng giang vừa đăng báo thì ngay hôm sau, mới 6 giờ sáng, Lưu Trọng Lư đã đến đập cửa: "Trời, Tràng giang hay quá Cận ơi, mình phải khao cậu mới được". Hai anh em ra phố, mỗi người ăn hai bát phở tái. Nhưng "con nai vàng ngơ ngác" lại bỏ quên ví ở nhà. Thế là Huy Cận phải tự mình khao Tràng giang...

Năm 1962, tôi mời các nhà "thơ mới" họp ở 19 Lê Thánh Tông để xin ý kiến, chuẩn bị viết cuốn Phong trào Thơ mới 1932-1945. Hôm đó có mặt gần đầy đủ các nhà "thơ mới": Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Huy Thông, Tế Hanh, Thanh Tịnh, Vũ Đình Liên, Nguyễn Xuân Sanh, Nam Trân, Anh Thơ, Vân Đài, Hằng Phương... chờ đến 8 giờ 30 phút không thấy Huy Cận đến. Mọi người đang sốt ruột thì nghe tiếng máy của chiếc Citroen cũ kỹ của Thứ trưởng nổ phành phạch ở dưới sân, rồi thấy Huy Cận vừa thở vừa leo thang gác đi lên: "Xin lỗi, Cận đến chậm. Nhưng Cận có quà kể chuyện cho các bạn. Sáng hôm nay Cận và Trần Văn Cẩn đưa anh Trường-Chinh đi xem triển lãm hội họa toàn quốc, anh Trường-Chinh đứng rất lâu và có vẻ xúc động khi xem bức tranh vẽ sông Hồng. Anh nói với Cận: "Hồi hoạt động bí mật, mỗi lần cải trang qua đò sông Hồng sang Hà Nội, mình lại nhớ đến Tràng giang của Huy Cận". Và giọng Huy Cận hưng phấn hẳn lên: "Trời ơi! Đồng chí Tổng Bí thư trong thời kỳ nước sôi lửa bỏng nguy hiểm như thế, mà mỗi lần qua sông Hồng lại nhớ đến Tràng giang của Huy Cận, đánh giá như thế thì từ hôm nay, Cận này có thể chết được rồi!".

  Cuộc họp sôi nổi và phấn khích hẳn lên. Câu chuyện của Huy Cận cho thấy tấm lòng của Đảng rất trân trọng tinh thần dân tộc của các nhà "thơ mới", trân trọng lòng yêu ngôn ngữ và văn hóa, yêu thiên nhiên, đất nước, yêu con người Việt Nam trong "thơ mới".

Năm 1976, tôi và Giáo sư Hà Minh Đức vào dạy học ở TP Hồ Chí Minh. Trên các thạp sách, tôi bỗng nhận ra một cuốn Những bước vong thân của Huy Cận. Người viết sách có lẽ nghĩ rằng Huy Cận "được mùa cách mạng, mất mùa văn chương". Một sự ngộ nhận tai hại. Trước cách mạng, Huy Cận chỉ có tập Lửa thiêng, sau Cách mạng Tháng Tám anh được mùa lớn về thơ: Trời mỗi ngày lại sáng (1958), Đất nở hoa (1960), Bài thơ cuộc đời (1963), Hai bàn tay em (1967), Phù Đổng Thiên Vương (1968), Cô gái Mèo (1972), Ngày hằng sống ngày hằng thơ (1975), Sơn Tinh Thủy Tinh (1976), Ngôi nhà giữa rừng (1978), Hạt lại gieo (1984), Tuyển tập thơ Huy Cận (1986)...

Cho đến hôm nay, người ta vẫn đánh giá Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên... là những nhà thơ lớn của cả một thế kỷ. Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, cùng với đội ngũ đông đảo các nhà thơ cách mạng, các anh đã thực hiện được bốn bước tổng hợp quan trọng trong thơ: sự kết hợp giữa lãng mạn và hiện thực, trữ tình và anh hùng ca, cảm xúc và trí tuệ, dân tộc và hiện đại.

Các vị La Hán chùa Tây Phương là một mẫu mực về sự kết hợp cảm xúc và trí tuệ. Bài thơ nổi tiếng đến mức Huy Cận đi đến đâu cũng được người ta "chào ông La Hán". Từ nỗi "đau đời" của riêng mình trong Phong trào Thơ mới, Huy Cận đã có sự cảm thông với nỗi đau khổ và bế tắc của cha ông ta trong quá khứ (hiện hình ở 18 pho tượng La Hán chùa Tây Phương). Và cũng từ nỗi "đau đời"  đó, Huy Cận tìm đến những tâm hồn đồng điệu của các nghệ sĩ lớn của dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà anh luôn nhắc đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, nhắc đến cả Bạch Cư Dị, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Ta-go và bên kia trời Ấu, nhắc đến cả Bô-đơ-le, Véc-len.

20 năm trời thai nghén bài thơ Các vị La Hán chùa Tây Phương, trong 20 năm ấy, với tư cách Thứ trưởng rồi Bộ trưởng đặc trách văn hóa, nhiều lần anh đưa các đoàn văn hóa nước ngoài lên thăm chùa Tây Phương. Dưới ánh sáng của tư tưởng mác-xít, Huy Cận đã khám phá ra cái chân lý "nhà nghệ sĩ xưa đã vô tình hay hữu ý mượn đề tài chuyện Phật mà miêu tả xã hội đương thời, một xã hội quằn quại, đau khổ trong những biến động và bế tắc không tìm được lối ra. "Những câu thơ nặng cảm xúc quyện lẫn với những suy tư sâu sắc về lịch sử và văn hóa dân tộc. Tôi cho các vị La Hán chùa Tây Phương là một phát hiện về mặt văn hóa. Hiện tượng các vị La Hán chùa Tây Phương  dùng tích Phật mà nói chuyện đời cũng giống như nhiều hiện tượng khác trong hội họa và điêu khắc phương Tây. 

Bài viết này mới dừng lại ở một số kỷ niệm về một số bài thơ tiêu biểu của Huy Cận, chưa thể nói hết được những đóng góp to lớn của Huy Cận cho sự nghiệp văn hóa và cách mạng Việt Nam, cho những hoạt động văn hóa trên trường quốc tế.

Tôi là một người yêu thơ và yêu con người Huy Cận. Tôi đã phổ nhạc nhiều bài thơ hay của Huy Cận. Anh đã cùng tôi ngồi nghe Trọng Tấn hát bài Đi giữa đường thơm, Quỳnh Hoa hát Ngậm ngùi, Đức Long hát Anh viết bài thơ.

Anh ra đi nhưng sự nghiệp thơ, sự nghiệp văn hóa to lớn của anh vẫn còn mãi trong lòng dân tộc, nhất là trong tâm hồn những bạn đọc yêu thương. Và anh Huy Cận ơi, chúng tôi còn mãi mãi đọc thơ anh, giảng thơ anh và phổ nhạc thơ anh.

Phan Cự Đệ

Thương tiếc nhà thơ Huy Cận