NSƯT Trịnh Mai Nguyên: “Chủ tịch Khang là vai phụ, nhưng hay và khó”

NDO -

Đã lâu mới trở lại màn ảnh nhỏ, nhưng NSƯT Trịnh Mai Nguyên đã gây ấn tượng với khán giả qua vai diễn Chủ tịch Khang trong phim “Hương vị tình thân”, đến mức có khán giả đã trìu mến phong cho anh danh hiệu “Ông bố quốc dân”… 

NSƯT Trịnh Mai Nguyên trong phim "Hương vị tình thân". (Ảnh: VFC)
NSƯT Trịnh Mai Nguyên trong phim "Hương vị tình thân". (Ảnh: VFC)

Trong “Hương vị tình thân”, NSƯT Trịnh Mai Nguyên vào vai ông Khang, bố của Long, người cầm trịch trong gia đình và công ty, một ông bố nghiêm khắc, quyết đoán, nhưng cũng đầy tình cảm và thấu hiểu. Chủ tịch Khang chỉ là nhân vật phụ, nhưng qua thể hiện của nghệ sĩ Mai Nguyên, đã khiến khán giả nhớ, ấn tượng và yêu mến. Đặc biệt, đoạn phim mà Chủ tịch Khang ôm mẹ là cụ Dần đã khiến nhiều khán giả xúc động. 

NSƯT Trịnh Mai Nguyên: “Chủ tịch Khang là vai phụ, nhưng hay và khó” -0
 Cảnh phim xúc động của ông Khang và cụ Dần.

Chia sẻ vể nhân vật ông Khang, NSƯT Mai Nguyên cho biết, đây là nhân vật phụ, nhưng hay và khó, bởi tuyến của nhân vật là tuyến phụ, nhưng xuất hiện rải rác ở các tập phim, nếu không tìm ra đường dây tâm lý thì vai sẽ rất nhạt nhòa. Đây cũng là lần đầu tiên anh đóng vai một ông bố trên màn ảnh nhỏ. Đặc biệt, khi vào vai, nghệ sĩ Mai Nguyên thấy rất đồng cảm với những suy nghĩ, đồng tình với các quyết định của nhân vật Khang trong phim. Đây cũng là một dạng vai mới mà anh muốn thử sức.

Nhân vật Khang cũng đánh dấu sự trở lại sau nhiều năm vắng bóng trên phim truyền hình của nghệ sĩ Mai Nguyên. Anh vốn là gương mặt quen thuộc của Nhà hát Kịch Việt Nam, lại kiêm nhiệm cả vai trò diễn viên và đạo diễn, cho nên khá bận bịu. Anh chia sẻ: “Lâu rồi tôi không xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, một phần vì bận công việc tại Nhà hát Kịch Việt Nam, lại liên tục được cử đi học các lớp về nghiệp vụ. Năm 2017, tôi hoàn thành việc học văn bằng 2 chuyên ngành Đạo diễn sân khấu. Ngoài ra, các chuyến lưu diễn nước ngoài của đoàn kịch cũng chiếm khá nhiều thời gian, thường từ 20 đến 30 ngày một chuyến. Thời gian trước, cũng có một vài đạo diễn gọi điện mời và gửi kịch bản cho tôi, nhưng vì không thể thu xếp được lịch quay nên tôi đành lỗi hẹn”.

NSƯT Trịnh Mai Nguyên: “Chủ tịch Khang là vai phụ, nhưng hay và khó” -0
 

Tuy nhiên, với “Hương vị tình thân”, một kịch bản mà theo nghệ sĩ Mai Nguyên là khá hấp dẫn, cho nên anh rất háo hức và vui khi nhận lời mời của NSƯT, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng. “Đọc kịch bản tôi lại càng vui hơn vì thực sự tôi rất thích và đồng cảm với nhân vật ông Khang” – anh nói.

Khi đọc kịch bản, nghệ sĩ cho biết, anh cảm nhận được những câu hỏi lớn của cuộc đời mỗi người, của đời sống gia đình hiện đại được đặt ra trong mỗi nhân vật, mỗi tuyến gia đình của bộ phim với bao mâu thuẫn vốn có của nó. “Đâu với là chân giá trị của cuộc sống? Điều gì sẽ mang lại cảm giác ấm áp, hạnh phúc và sự thanh thản trong tâm hồn mỗi người? Phải chăng là tiền tài danh vọng...? Sẽ là một gợi ý để khán giả tự rút ra câu trả lời của riêng mình”, nghệ sĩ chia sẻ.

NSƯT Trịnh Mai Nguyên: “Chủ tịch Khang là vai phụ, nhưng hay và khó” -0
 Cảnh ông Khang tát bà Xuân.

Bộ phim cũng để lại cho NSƯT Trịnh Mai Nguyên những kỷ niệm nho nhỏ. Một trong những cảnh quay gây ấn tượng nhất với khán giả là cảnh ông Khang tát vợ là bà Xuân sau rất nhiều bức bối trong cách cư xử của bà Xuân với gia đình. Trong cảnh quay, cú tát khá mạnh, và khán giả cảm thấy thỏa mãn với cú đánh đó. Nhưng với NSƯT Trịnh Mai Nguyên, đây lại là cảnh quay anh thấy không thoải mái.

“Tôi không thực sự thoải mái khi vào quay cảnh này. Tôi vẫn quan niệm "đàn ông thì không đánh phụ nữ", cho nên khi kịch bản quy định như vậy, chúng tôi đã phải bàn bạc lại rất nhiều để hợp lý hóa cái tát của ông Khang, là sự ức chế, sự mất kiểm soát, chứ không phải cứ có mâu thuẫn là vợ chồng lại hành hung nhau” – nghệ sĩ chia sẻ.

Ban đầu, ê kíp làm phim sử dụng kỹ thuật để thể hiện cú tát, nhưng quay đến 3 scent mà đạo diễn vẫn không ưng ý, cho nên lần quay cuối, cũng chính là cảnh phát trên phim là tát thật. Nghệ sĩ Mai Nguyên kể lại: “Cú tát khá đau và cảnh sau đó Quách Thu Phương phải hóa trang lại vì cả một bên má bị đỏ in hằn vết tay”.

Trong suốt sự nghiệp diễn xuất của mình, NSƯT Trịnh Mai Nguyên đã có trong tay nhiều vai diễn ấn tượng. Ở sân khấu, vai diễn mà anh nhớ nhất là nhân vật vai Appagon (vở “Lão Hà tiện”) - một vai  rất hay nhưng cũng rất khó. Đây là vai diễn mà anh cho biết đã phải rất cố gắng để có thể hoàn thành, bởi ngoài việc phải thể hiện hình tượng Lão Hà tiện đầy hài hước, thông qua thói hà tiện, keo kiệt, thì còn phải đủ thể lực để diễn nhân vật Apagong kéo dài xuyên suốt cả vở kịch hơn 2 tiếng đồng hồ, gần như không rời khỏi sân khấu.

Trong điện ảnh, vai diễn để lại ấn tượng nhất với anh là vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong phim "Leclerc" (“Tuyết Đông Dương”) của đạo diễn Marco Pico. Anh chia sẻ: “Đây là một vinh dự lớn lao đối với mỗi nghệ sĩ, khi được thể hiện hình tượng vị Đại tướng mà mình hằng yêu mến và kính phục”.

Có gương mặt hiền hậu, nhưng NSƯT Trịnh Mai Nguyên cũng từng thử sức trong vai phản diện, trong đó, vai diễn mà anh nhớ nhất là nhà báo Hoàng Tân trong bộ phim truyền hình “Khi đàn chim trở về”. Đây là một trong những vai phản diện mà khán giả nhớ đến mỗi khi nhắc đến phim này.

NSƯT Trịnh Mai Nguyên: “Chủ tịch Khang là vai phụ, nhưng hay và khó” -0
 

Là một diễn viên lâu năm, NSƯT Trịnh Mai Nguyên chia sẻ, công việc diễn xuất của cả hai mảng phim truyền hình và sân khấu đã giúp bổ trợ cho nhau. Anh nhắc đến các nghệ sĩ tên tuổi của làng Sân khấu như NSND Hoàng Dũng, NSND Trung Anh hay NSƯT Quốc Khánh, được khán giả truyền hình yêu mến nhưng vẫn là những nghệ sĩ xuất sắc trên sân khấu. “Tôi được đào tạo chuyên ngành Diễn viên Sân khấu và Điện ảnh K5 của trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh. Tôi nghĩ nếu diễn viên thực sự giỏi sẽ biết tận dụng những thế mạnh của sân khấu để áp dụng vào biểu diễn trên phim và ngược lại” – nghệ sĩ nói.

Hiện tại, dịch bệnh khiến mọi hoạt động đảo lộn, hầu hết các hoạt động nghệ thuật đều bị ngưng trệ. Sân khấu không thể sáng đèn, nhưng NSƯT Trịnh Mai Nguyên cùng các đồng nghiệp của mình vẫn phải làm việc, như vẫn tập các tiết mục mới, các vở kịch và chương trình mà Cục Nghệ thuật biểu diễn và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao, vẫn phải tìm đọc kịch bản để đưa vào chương trình kịch mục sẽ làm của Nhà hát.

“Trong tình hình mới này, sắp xếp công việc cũng phải linh hoạt, khi dịch êm thì chúng tôi tranh thủ biểu diễn, không biểu diễn được thì tranh thủ tập luyện kịch mục mới. Khi giãn cách, mình có thời gian để đọc, để xem nhiều hơn. Ngoài ra các nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn luôn nhận được sự quan tâm, động viên cả về tinh thần và vật chất của Công đoàn Bộ và Ban lãnh đạo Nhà hát Kịch Việt Nam”, nghệ sĩ chia sẻ.