Nghệ sĩ Bành Châu-một đại thụ của làng điện ảnh qua đời

Ông vừa bước qua tuổi niên thiếu thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Ngay từ những năm đầu kháng chiến, Bành Châu đã là một nhà báo năng nổ của Báo Bắc Giang, Báo Thanh niên Xung phong (Tỉnh đoàn Thanh niên cứu quốc Bắc Giang). Năm 1950, Bành Châu trở thành học viên của Trường Văn nghệ Nhân dân Trung ương tại chiến khu Việt Bắc, rồi trở thành Thư ký Tòa soạn Báo Lai Châu kháng chiến.

Năm 1954, Bành Châu có một bước ngoặt lớn trong đời khi chuyển công tác về Xưởng phim truyện Việt Nam. Năm 1959, ông được cử đi học khoá biên kịch điện ảnh tại Liên Xô. Mặc dù tốt nghiệp biên kịch phim truyện, Bành Châu vẫn được biệt phái sang Xưởng phim Thời sự - Tài liệu. Sự kiện chính quyền Sài Gòn xử bắn người công nhân yêu nước Nguyễn Văn Trỗi đã làm xúc động con tim của hàng triệu người trên thế giới. Bành Châu được giao nhiệm vụ viết kịch bản và lời bình cho bộ phim tài liệu về người anh hùng.

Tiếp nối thành công, trong chuyến thực tế ở vùng "cán gáo" Vĩnh Linh, Bành Châu đã viết kịch bản, lời bình cho phim Một ngày trực chiến. Một ngày trực chiến đã được tặng giải Bông sen Vàng trong LHP Việt Nam lần thứ II (1973).

Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật sôi nổi của mình, Bành Châu đã cộng tác gắn bó với đạo diễn NSND Ngọc Quỳnh để làm nên những tác phẩm tài liệu để đời, trong đó có phim Lũy thép Vĩnh Linh (Bông sen Vàng LHP lần thứ hai, Huy chương Vàng LHP Quốc tế Mátxcơva), Tuổi hai mươi, Đầu sóng ngọn gió , đẹp như những khúc ca trữ tình, bi tráng.

Trong lĩnh vực phim truyện, tuy Bành Châu trở về hơi muộn, nhưng  cũng kịp có nhiều thành tựu. Ông là tác giả kịch bản của nhiều phim được giải cao qua các LHP trong nước và quốc tế như Đường về quê mẹ, Hoa thiên lý, Đêm Bến Tre, Ai giận ai thương... là những tác phẩm được khán giả yêu điện ảnh chú ý. Với phim Thằng Bờm , Bành Châu có ý nói về chính bản thân mình, nói với những người thân yêu nhất của mình - là con người thời loạn, chịu sự thiệt thòi không được học hành đến đầu đến đũa, phải không giấu dốt, không tự mãn mà tìm mọi cách vươn lên.

Không phải ngẫu nhiên Bành Châu có tới bốn kịch bản văn học phim truyện được các nhà xuất bản cho in thành sách. Công việc sáng tác của Bành Châu làm rõ ràng hơn những vấn đề lý luận và những vấn đề lý luận ấy cùng kinh nghiệm sáng tác lại cộng hưởng để các đề tài nghiên cứu khoa học, chuyên khảo, luận văn... của ông nêu  được những vấn đề mới mẻ, đồng thời có giá trị thực tiễn cao.

Và, tất cả những tìm tòi ấy của Bành Châu đã được ứng dụng một cách có hiệu quả vào công tác đào tạo và giảng dạy được ông bắt đầu từ năm 1965. Nhiều, rất nhiều thế hệ học trò vẫn ghi sâu trong ký ức hình ảnh người thầy lịch lãm mà chân tình, cởi mở với phong cách giảng dạy nhiệt tình, dí dỏm, cuốn hút mọi người.

Nhà biên kịch, nhà báo, nhà giáo Bành Châu đã về với vĩnh hằng (sáng ngày 19-12-2004 - hưởng thọ 75 tuổi). Và, điện ảnh Đồi Cọ đã vắng thêm một mảng xanh, màng xanh của đại thụ. Nhưng với những gì cống hiến của mình cho điện ảnh, Bành Châu có thể yên lòng ra đi với một nụ cười trên môi.