Món ngon trên trang giấy

Biết Lê Rin rất thích khám phá ẩm thực Việt Nam, thích xê dịch nhưng tôi vẫn không nghĩ anh lại hiểu biết sâu rộng đến vậy về các món ăn của ba miền, cứ như thể ngồi trước mặt tôi là một chuyên gia ẩm thực, chứ không phải là một họa sĩ. Cũng đúng, bởi nếu không có một niềm đam mê như vậy, chàng trai sinh năm 1989 người Ninh Thuận khó có thể hoàn thành liền hai cuốn sách nghệ thuật về minh họa ẩm thực (food illustration), rồi minh họa văn hóa, du lịch chỉ trong vòng ba năm.

Họa sĩ Lê Rin trong buổi ra mắt sách (tháng 1/2021) tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, TP Hồ Chí Minh
Họa sĩ Lê Rin trong buổi ra mắt sách (tháng 1/2021) tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, TP Hồ Chí Minh

Minh họa ẩm thực và văn hóa

Hãy tưởng tượng rằng, khi chúng ta bước vào một cửa hàng đồ ăn nhanh, trong lúc chờ đợi nhân viên mang ra thực đơn và chưa biết sẽ quyết định nên ăn gì, uống gì, chỉ cần nhìn lên các bức tường, đập vào mắt và kích thích vị giác chúng ta là những bức hình nhiều mầu sắc rực rỡ của vô vàn món ăn được trình bày nghệ thuật trên đĩa. Lúc đó, có lẽ chẳng cần nhờ nhân viên tư vấn, chúng ta cũng có thể lựa chọn những món ăn phù hợp khẩu vị và sở thích. Điều đáng nói, những bức hình đó không phải được chụp từ máy ảnh đắt tiền mà chúng là những bức vẽ của Lê Rin. 

Nói về Lê Rin là để nói về cuốn Việt Nam miền ngon song ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Anh của anh được Thái Hà Books xuất bản năm 2017. Việt Nam miền ngon gây ấn tượng bởi hình ảnh mầu sắc rực rỡ, hấp dẫn của các món ăn được Lê Rin thể hiện bằng mầu nước. Với hơn 100 món ăn của ba miền, đây thật sự giống như một cuốn cẩm nang về ẩm thực Việt Nam mà bất cứ ai cũng muốn có trong ba-lô ở mỗi chuyến du lịch của mình. Chẳng thế mà cho tới nay, Việt Nam miền ngon đã được tái bản bốn lần với 7.500 bản. Theo Lê Rin, nếu không vì đại dịch Covid-19, Việt Nam miền ngon có lẽ được tái bản liên tiếp bởi sách đã được bán cho khách du lịch rất nhiều.

Đúng là “muốn ăn thì lăn vào bếp” nhưng niềm đam mê bất tận của Lê Rin không chỉ là thưởng thức các món ăn ở ba miền đất nước, muốn được đi nhiều để anh có thể theo đuổi lĩnh vực nào đó về nhà hàng hay du lịch mà chỉ đơn giản là nó ngày càng thôi thúc anh tìm hiểu nhiều hơn kho tàng ẩm thực và văn hóa, du lịch Việt Nam. Chính trong chuyến du lịch miền trung và thưởng thức ẩm thực ở mỗi địa phương, Lê Rin nảy ra ý tưởng vẽ lại những món ăn anh đã gặp sau khi trở lại TP Hồ Chí Minh. Ban đầu chỉ là vẽ cho vui trong lúc chờ tìm việc thì càng vẽ, anh càng mê say. Sau đó, anh tổng hợp lại và bổ sung phần lời cho từng hình ảnh minh họa rồi gửi cho Công ty cổ phần Sách Thái Hà (Thái Hà Books). Điều Lê Rin không ngờ là sách được xuất bản, được bạn đọc yêu thích và tái bản liên tục, khiến anh càng có thêm tự tin để theo đuổi công việc minh họa ẩm thực, một lĩnh vực vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam, và thật sự xem đây như là nghề chính.

Nếu không tìm thấy cảm hứng ở ẩm thực, văn hóa Việt Nam, năng khiếu hội họa của Lê Rin có lẽ cũng không được dùng đúng chỗ, phát huy hết kiến thức đã học, cũng như giúp anh thể hiện rõ hơn sở trường ở lĩnh vực minh họa. Bởi sau Việt Nam miền ngon, Lê Rin có thêm cảm hứng và ý tưởng trong những chuyến đi khám phá các vùng, miền để thực hiện tập 1 cuốn Việt Nam dọc miền du ký. Anh suy nghĩ, đất nước ta có nhiều phong cảnh đẹp, nhiều điểm du lịch nổi tiếng và hấp dẫn, vậy tại sao không làm một cuốn sách về du lịch bằng tranh vẽ. Việt Nam dọc miền du ký ra đời từ ý nghĩ đó, dù Lê Rin tốn rất nhiều công sức để thực hiện bởi anh phải đi thực địa để trải nghiệm, rồi dành hàng tháng để vẽ hàng trăm hình ảnh, với mỗi bức hình mất từ ba đến bốn giờ. Sau đó là tìm tư liệu để viết nội dung. Chàng trai sinh năm 1989 tâm sự, Việt Nam miền ngon được anh yêu thích vì chứa đựng nhiều tâm huyết, mang lại cột mốc trong cuộc đời và sự nghiệp của anh nhưng anh vẫn tâm đắc hơn với Việt Nam dọc miền du ký vì cuốn sách ra đời khi anh đã trưởng thành về bút pháp, chưa kể đây là một dự án dài hơi nên luôn giúp anh duy trì được sự hào hứng và có động lực khi thực hiện. Trong tập 1 của Việt Nam dọc miền du ký, Lê Rin chỉ mới minh họa được các địa điểm du lịch như An Giang, Cần Thơ, Hà Giang, Hội An (Quảng Nam), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Ninh Thuận quê hương anh, Phú Yên và Sa Pa (Lào Cai). Dự kiến, tập 2 của Việt Nam dọc miền du ký sẽ được Lê Rin hoàn thành trong năm nay, dù đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng ít nhiều đến kế hoạch đi thực địa của anh, và tương lai sẽ là tập 3 như anh ấp ủ.

Ngã rẽ sự nghiệp

Còn trẻ là còn muốn đi, muốn tìm hiểu, muốn khám phá, thế nhưng, để những cuộc trải nghiệm đã qua, những gì đã nhìn thấy trong hành trình còn lưu lại mãi trong ký ức thì ngoài việc nhờ đến những bức ảnh, các thước phim, dòng nhật ký, thể hiện chúng qua các bức tranh có thể được xem là cách diễn đạt mới mẻ của Lê Rin. Và tất cả sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy ẩm thực, văn hóa của từng miền lại hiện lên sống động như vậy dưới những nét vẽ bằng mầu nước của anh.

Món ngon trên trang giấy -0
Họa sĩ Lê Rin hoàn thành một tác phẩm 

Lợi thế của Lê Rin là anh vốn đã có năng khiếu hội họa từ nhỏ. Lớn lên, anh lại có cơ hội theo đuổi niềm đam mê một cách nghiêm túc hơn khi học ngành thiết kế tạo dáng công nghiệp thuộc Khoa Design của Trường đại học Công nghệ Sài Gòn. Để làm công việc minh họa như hiện tại, anh phải tự học và mày mò thêm về mầu nước rất nhiều.

Không phủ nhận các họa sĩ nước ngoài giờ vẽ đồ ăn bằng đồ họa vi tính (digital art), rất đẹp và sinh động nhưng đối với Lê Rin, anh tự tin nhất với mầu nước và thấy mầu nước giúp anh thể hiện được cái hồn của ẩm thực ba miền.

Anh từng có thời gian làm trợ lý cho nhà thiết kế thời trang Công Trí, nhưng thực tế thì anh ít có cơ hội thể hiện hay bộc lộ phong cách riêng. Rốt cuộc, ẩm thực, những chuyến đi đã giúp tâm hồn Lê Rin rộng mở, để anh thấy rằng, ghi lại các món ăn không còn là niềm vui trong chốc lát mà chính là lĩnh vực anh nên gắn bó một cách lâu dài. Vậy là tự học, mày mò, nghiên cứu bút pháp của các họa sĩ nước ngoài rồi càng vẽ càng mê say, Việt Nam miền ngon và tập 1 Việt Nam dọc miền du ký ra đời như là kết quả hợp lý cho quyết định bất ngờ rẽ ngang sự nghiệp của Lê Rin.

Không chỉ vậy, tài năng còn giúp Lê Rin có cơ hội hợp tác minh họa cho các thương hiệu nổi tiếng như: Grab, Vinamilk, McDonald’s, Vietnam Airlines, Glico Asia Pacific (Singapore), Tourism (Malaysia), Domino’s Pizza, Siobak King (Indonesia) hay trong các chiến dịch quảng bá sản phẩm với các thương hiệu như: Daniel Wellington, Samsung… Trên hết và rất may mắn là một triển lãm cá nhân của anh mang tên “Your Food My Challenge 2019” đã được tổ chức vào tháng 2/2020, trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều hoạt động nghệ thuật ngưng trệ.

Nghe Lê Rin giới thiệu thêm, tôi cũng đã xem qua những bức vẽ về ẩm thực của họa sĩ Nhật Bản Yoshiyuki Osaki mà anh rất thích vì bút pháp đẹp và rất có hồn hay họa sĩ Anh Holly Exley (Hô-li Ét-xlây) vì khả năng sáng tác đa dạng các chủ đề của cô, nhưng thú thật, tôi vẫn thích các bức vẽ của anh hơn. Không biết đó có phải vì tôi cũng có suy nghĩ ăn uống hay sở thích du lịch như anh hay không nhưng trong nét vẽ của Lê Rin, tôi luôn thấy có sự tươi trẻ, sự đẹp đẽ của một tâm hồn luôn trân trọng và hướng đến văn hóa truyền thống. Chắc hẳn Lê Rin rất muốn những câu chuyện về ẩm thực, văn hóa, con người Việt Nam được anh kể bằng mầu nước sẽ khiến bất cứ ai đọc Việt Nam miền ngon và Việt Nam dọc miền du ký  đều thêm yêu đất nước, yêu mỗi vùng, miền mà họ muốn khám phá hay chỉ đơn giản là yêu mỗi món ăn, dù là món ăn gia đình hay những món đặc trưng của ẩm thực đường phố.