Ði giữa mùa xuân

Ði giữa mùa xuân

Sinh ra ở một làng quê ngã ba sông, nơi gặp nhau của con sông Hồng và sông Trà Lý, 17 tuổi Phan Doãn Tần đã ra vùng mỏ Quảng Ninh làm than. Công việc hằng ngày của anh  là đưa những mũi khoan xoáy sâu vào lòng đất để tìm trữ lượng của những vỉa "vàng đen" làm giàu cho Tổ quốc.

Doãn Tần nhớ những mũi khoan sâu vào lòng đất 650 m, anh cùng anh em trong kíp lăn lộn hơn một năm trời mới có được. Nhờ mũi khoan "kỷ lục" này mà các nhà thiết kế hạ quyết tâm đưa mỏ than Cao Sơn đi vào khai thác. Lao động của người thợ khoan vốn vất vả, cực nhọc, nay đây mai đó vì thế rất cần đến tiếng hát để làm đẹp cuộc sống.

Doãn Tần cất lên tiếng hát mình từ trái tim: "Ta đi khơi dòng suối than cho than xuôi về bến, Ta đi! Nhen ngọn lửa nhiệt tình cách mạng...". Tiếng hát ấy đã đưa anh đến với hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Quảng Ninh. Giải nhì hội diễn như con thuyền nhỏ đưa anh ra sông lớn, vào học trường Âm nhạc Việt Nam.

Doãn Tần nói với tôi rằng anh là người hạnh phúc trong nghiệp ca hát. Năm 1970 vào học hệ trung cấp thanh nhạc, cô giáo Diệu Thúy đã dày công chắp đôi cánh để giọng hát Doãn Tần đến với bầu trời cao rộng bằng ca khúc "Ðường chúng ta đi" nhạc Huy Du, lời thơ Xuân Sách.

Khi học lên đại học, anh lại được thầy Mai Khanh tận tình hướng dẫn và chỉ bảo về kỹ thuật thanh nhạc hiện đại. Những năm tháng ấy, chiến tranh ác liệt, tiếng hát "Ðường chúng ta đi" của Doãn Tần vẫn vang lên giữa một làng quê Bắc Giang, nơi Trường Âm nhạc Việt Nam sơ tán. Ca khúc ấy có giá trị như một lá đơn tình nguyện nhập ngũ, đưa anh đến với Ðoàn Ca múa Tổng cục Chính trị.

Doãn Tần có nhiều lợi thế của người ca sĩ. Trước hết là một thể lực sung mãn. Chất giọng teno cao với âm vực rộng và màu âm đẹp, rất hợp với những tác phẩm ở thể chính ca. Ðược đào tạo cơ bản về thanh nhạc lại sống có kỷ luật, nên giọng hát của anh có điều kiện tiến xa.

Tại hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quân năm 1981, Doãn Tần đã thể hiện xuất sắc tác phẩm "Người lính tình nguyện và điệu múa Áp sa ra" của Minh Quang, được tặng Huy chương vàng. Ðến hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quân 1994, ca khúc "Sông Lô chiều cuối năm" cũng sáng tác của Minh Quang lại đưa Doãn Tần đến với tấm Huy chương vàng thứ hai.

Tiếp đó, tại các hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quân, toàn quốc, lần nào anh cũng giành những giải thưởng vàng. Những người sành âm nhạc nhận xét, các tác phẩm: Ðường chúng ta đi, Mùa chim yến bay, Sông Lô chiều cuối năm, Anh lính tình nguyện và điệu múa Áp sa ra... mà Doãn Tần thể hiện đã xây được một "tượng đài" cho đến nay chưa có ca sĩ nào vượt qua được.

Doãn Tần là người có tài năng, nhưng quý hơn chính là phẩm chất nghệ sĩ - chiến sĩ luôn tỏa sáng. Anh đã mang giọng hát của mình đến với đồng bào, đồng chí khắp cả nước từ "Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước".

Cảm động biết bao khi thành phố Sài Gòn vừa giải phóng, Doãn Tần cùng với các nghệ sĩ, diễn viên của Ðoàn Ca múa Tổng cục Chính trị có mặt để hát cho đồng bào ta nghe. Từ rạp hát Quốc Thanh đến phi trường Tân Sơn Nhất, Cầu Chữ Y, bến cảng Nhà Rồng, Doãn Tần như bay lên bởi những giai âm trong các ca khúc cách mạng: "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người", "Tình ca", "Ðường chúng ta đi", "Cùng anh tiến quân trên đường dài"...

Nhiều má, nhiều chị, các chàng trai cô gái bao năm sống dưới gót giày quân xâm lược chỉ dám "nghe lén" nay được "nghe đã thật" những ca khúc do các chiến sĩ quân đội cách mạng hát, có người không cầm được nước mắt.

Doãn Tần có vinh dự được nhiều lần mang "Ðường chúng ta đi"... đến với nhiều quốc gia trên thế giới: Liên Xô (cũ), Ðức, Bulgaria, Hungary, Tiệp Khắc, Trung Quốc, Lào, Campuchia... Dù nơi đó là nhà hát sang trọng với những trang thiết bị hiện đại hay chỉ là một xóm lao động nghèo của bà con Việt kiều, Doãn Tần vẫn hát bằng cả trái tim mình, bằng lòng kiêu hãnh và tự hào của người chiến sĩ.

Bên cạnh những thành công được đánh dấu bằng những tấm Huy chương vàng cao quý, Doãn Tần còn có hạnh phúc nữa là dìu dắt, truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm cho lớp ca sĩ trẻ của Ðoàn Ca múa Quân đội. Nhiều năm nay, NSND Doãn Tần còn là thầy dạy thanh nhạc có uy tín "ngoài biên chế" của Nhạc viện Hà Nội, Trường đại học VHNT Quân đội, Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Hà Nội.

Chiếc đàn dương cầm trong ngôi nhà của Thượng tá, NSND Doãn Tần luôn để mở. Người nghệ sĩ có giọng hát vàng của những khúc tráng ca đến bên cây đàn. Tiếng hát ấy bay lên: "... Dặm đường xa, ta đi giữa mùa xuân. Ta đi giữa tình thương của Ðảng. Tiếng Bác Hồ rung động mãi trong tim...".