Hành trình theo dấu tài hoa

Trong nhịp sống hiện đại gấp gáp với bao lo toan mưu sinh cùng đổi thay của thời thế, nhiều làng nghề, phố nghề và các nghề truyền thống, nơi lưu giữ biết bao giá trị văn hóa, nghệ thuật của dân tộc vẫn được gìn giữ và phát triển, trao truyền qua các thế hệ. Bên cạnh nỗ lực của các nghệ nhân, thợ nghề đau đáu với nghiệp, có sự góp sức không nhỏ của những người tưởng chừng chẳng liên quan. Không phải học giả hay các nhà nghiên cứu chuyên sâu, nhưng bằng nhiệt huyết với di sản của cha ông, họ đã mang đến sức sống mới cho nghề truyền thống.

Anh Võ Văn Quân và các nghệ nhân thêu XQ trao đổi về chủ đề tác phẩm một bức tranh thêu.
Anh Võ Văn Quân và các nghệ nhân thêu XQ trao đổi về chủ đề tác phẩm một bức tranh thêu.

Xuất phát ban đầu chỉ là niềm say mê tìm hiểu và hơn cả là tình yêu với văn hóa nghệ thuật dân tộc, không ít người đã quyết định gắn bó cuộc đời với các nghệ nhân và nghề truyền thống của dân tộc như một định mệnh hay nói cách khác là sự lựa chọn duyên nghiệp không thể thay đổi. Bằng tình yêu và niềm say mê của mình, họ đã trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, góp phần tôn vinh những nghệ nhân và người thợ đang ngày đêm cần mẫn giữ "lửa nghề", quảng bá và đưa các sản phẩm đến với thị trường trong nước, ngoài nước.

Sự lựa chọn duyên nghiệp

Một ngày làm việc của anh Võ Văn Quân thường bắt đầu bằng những buổi sáng gặp gỡ các nghệ nhân ở xưởng tranh thêu XQ và kéo dài cho đến cuối ngày ở XQ Sử quán Ðà Lạt. Với anh, mỗi ngày là những ý tưởng mới, góp ý trực tiếp với các nghệ nhân về các tác phẩm đang thực hiện, nêu đề tài cho họa sĩ vẽ mẫu, sắp đặt đổi mới không gian nghệ thuật trong Sử quán, đón khách tham quan, giới thiệu về từng bức tranh thêu trưng bày.

Ít ai biết rằng, người đàn ông gày gò, dong dỏng cao với chiếc mũ phớt đội lệch đầy cá tính dẫn khách đi thăm các phòng tranh, giới thiệu về nghề thêu Việt Nam, nhiệt tình trao đổi, giải đáp, thậm chí tranh luận sôi nổi với du khách lại là người sáng lập, làm nên thương hiệu tranh thêu XQ nổi tiếng trong nước và ngoài nước. Ðể có được cơ nghiệp như hôm nay, tạo việc làm cho hàng trăm nghệ nhân, thợ thêu, nâng tầm nghề thêu và tranh thêu trở thành một loại hình nghệ thuật sáng tạo là cả một hành trình gian nan với cái vốn ban đầu chỉ là tình yêu với văn hóa truyền thống dân tộc của vợ chồng ông chủ.

Nghe anh Quân say mê nói về nghề thêu, về những người phụ nữ thêu tranh và các tác phẩm, không nhiều người biết, anh khởi nghiệp từ vị trí của một kỹ thuật viên ở Bệnh viện đa khoa Lâm Ðồng đam mê hội họa. Anh bảo: "Sự lựa chọn như một duyên nghiệp để mình gắn bó với nghề thêu và nghệ thuật thêu tranh của người phụ nữ". Duyên nghiệp ấy có lẽ cũng từ tình yêu với người vợ trẻ mà sau này là nghệ nhân thêu "Bàn tay vàng" Hoàng Lệ Xuân.

Vốn người xứ Huế đảm đang, được bà và mẹ dạy dỗ nữ công gia chánh, chị Xuân thành thạo chuyện thêu thùa từ tấm bé. Ý tưởng đưa những bức thêu thủ công thành tác phẩm nghệ thuật riêng biệt đã hình thành trong anh và hai vợ chồng bắt tay vào thực hiện. Con đường nâng tầm tranh thêu qua nhiều gian khổ, thử thách, có thành công và cả thất bại, từ những buổi tối chồng vẽ tranh, vợ thêu như thế.

Những ngày tháng ấy, nhiều lần mang tranh đến giới thiệu ở các khách sạn hay sự kiện chỉ bán được một bức, nhưng người mua vẫn vây tròn lấy Võ Văn Quân để được nghe anh nói về cái hay, cái đẹp và những giá trị của nghề thêu truyền thống gắn với người phụ nữ Việt Nam. Cũng từ những buổi rao tranh đó, khách mua cảm được nhiệt huyết của người làm tranh, người bán tranh, hiểu được giá trị của những bức tranh thêu qua bàn tay người phụ nữ, và họ tìm đến mua tranh ngày càng nhiều.

Không dừng ở đó, hai vợ chồng anh Quân đã truyền dạy lại kỹ thuật đến những nghệ nhân, thợ thêu, tập hợp quanh mình những người bạn, những cộng sự cùng chung chí hướng. Tranh thêu XQ dần nổi lên, qua năm tháng đã có được chỗ đứng vững chắc trong giới sưu tầm nghệ thuật, có mặt ở nhiều phòng trưng bày, bảo tàng hội họa. Sẽ không quá, nếu cho rằng hiếm có người hiểu về nghề thêu, nhất là thêu tranh tay truyền thống bằng Võ Văn Quân.

Anh là cả một kho tàng kiến thức và những câu chuyện về nghề thêu và triết lý làm nghề. Anh bảo: "Có đi mới biết nghệ nhân xứ Việt mình tài hoa thế nào, không thể để kỹ thuật thêu tay của họ mai một được. Ðiều quan trọng là phải giúp họ sống được bằng nghề và gắn bó, tự hào với nghề
của mình".

Nâng tầm tranh thêu thủ công trở thành một loại hình nghệ thuật sáng tạo mới, nhưng Võ Văn Quân còn đi xa hơn với mong muốn quảng bá nghệ thuật thêu Việt Nam ra thế giới, để tranh thêu trở thành một thương hiệu mà khi nhắc đến ai cũng biết của Việt Nam. Hơn thế nữa là cái tâm của một người muốn lan tỏa văn hóa nghệ thuật dân tộc đến với cộng đồng.

Nhiều sự kiện, nhiều không gian tranh thêu đã được anh tổ chức trong 20 năm qua ghi dấu ấn sâu đậm. Võ Văn Quân còn kỳ công xây dựng cả một không gian Bảo tàng tranh thêu ở Ðà Lạt, ở Huế và mới đây nhất là không gian nghề thêu Việt Nam tại Canada thu hút đông khách du lịch và những người muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Những không gian này không chỉ giới thiệu về nghề thêu và các tác phẩm tranh thêu mà còn là không gian của văn hóa và các hoạt động biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Việt Nam.

Trong khi anh Võ Văn Quân cho rằng sự gắn bó của mình với nghề thêu và các nghệ nhân thêu như duyên nghiệp thì nhiếp ảnh gia Lê Bích lại tự nhận mình bị "Giời đày" từ những câu nói đùa của bạn bè khi "lặn lội với những thứ chẳng ra tiền bạc gì cả". Tốt nghiệp Ðại học Ngoại ngữ, có việc làm ổn định, thu nhập cao, anh đã bỏ lại tất cả để đi theo tiếng gọi của nhiếp ảnh và chọn con đường nhọc nhằn khi theo đuổi những đề tài văn hóa di sản, tôn vinh các nghệ nhân, các làng nghề và nghề truyền thống.

Như anh tâm sự, có lẽ niềm đam mê, đắm đuối ấy thừa hưởng từ tình yêu với nghệ thuật dân tộc của cha anh, một họa sĩ tranh sơn mài. Nghiêm cẩn trong hành nghề, kế thừa truyền thống mà không bao giờ tư duy sáng tạo theo một lối mòn, cho đến nay, tên tuổi của Lê Bích đã định hình trong làng nhiếp ảnh và trở thành một chuyên gia về làng nghề, về nghề truyền thống với một gia tài lớn các tư liệu cùng hàng nghìn bức ảnh độc đáo với những khám phá nghệ thuật về làng nghề và nghệ nhân ở mọi miền đất nước.

Lê Bích từng giành nhiều giải thưởng cao ở các cuộc thi nhiếp ảnh, tổ chức được sáu triển lãm ảnh cá nhân gây tiếng vang trong dư luận, tham gia làm hai cuốn sách về tranh dân gian Ðông Hồ và Kim Hoàng. Ảnh chân dung của Lê Bích toát lên hồn cốt và nét tài hoa của các nghệ nhân, thể hiện những góc nhìn độc đáo, tôn vinh vẻ đẹp lao động, sự vất vả và nỗi niềm đau đáu của những nghệ nhân và người thợ về tương lai còn mất của nghề.

Ðó là hình ảnh nghệ nhân vẽ tranh dân gian gò mình trên bản vẽ, tay mềm mại bút hoa, là người thợ rèn quai búa nhễ nhại mồ hôi cạnh bễ rèn đỏ lửa, là người thợ gốm lặng lẽ, tỉ mẩn nhào đất trong nắng trưa hay các bà, các mẹ và những cô thanh nữ trầm tư bên khung cửi, khung thêu... Chính những nghệ nhân và người thợ đã vun đắp, tạo dựng nên các giá trị di sản làng nghề và nét tinh hoa thể hiện trong từng sản phẩm. Và nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bích là nhịp cầu để đưa các giá trị và vẻ đẹp ấy đến với công chúng, quảng bá giới thiệu chúng như một sự ghi nhớ, tri ân anh dành cho họ.

Có những chuyến đi điền dã chụp ảnh, khảo sát tìm hiểu về nghề làm dao kéo, làm quạt, làm gốm sứ, Lê Bích phải lần mò hỏi han trên những con phố nghề từng vang bóng một thời, nhưng nay không còn ai làm nghề. Lê Bích ăn, ngủ, làm việc cùng các nghệ nhân để hoàn thành các phóng sự ảnh, video clip phản ánh đầy đủ về lịch sử nghề, về các nghệ nhân còn sót lại và những trăn trở của họ. Nhiều năm sau, trở lại các vùng quê, mấy ai biết được nhiếp ảnh gia có dáng vẻ nhu mì, hiền lành ấy lại là một trong những người đã giúp bảo tồn, phát triển và quảng bá nghề cho họ. Anh bảo, nhìn thấy những cơ sở làm nghề vẫn hoạt động và sản phẩm được nhiều người biết đến, tìm mua, thế là tự hào và hạnh phúc lắm rồi.

Theo nghiệp "Giời đày" bằng cái tâm nghệ sĩ trong sáng thì cuộc đời cũng sẽ trả lại hoa trái. Lê Bích vui vẻ khoe: "Ðến bây giờ tôi có thể sống được và sống tốt với niềm đam mê và tiếp tục cuộc hành trình đã chọn. Nếu có làm lại từ đầu, tôi cũng vẫn chọn con đường đó. Chỉ mong muốn được góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc gìn giữ và phát huy các giá trị di sản, khơi dậy ở mọi người tình yêu và niềm tự hào với văn hóa dân tộc, giúp các nghệ nhân tin vào tương lai, tiếp lửa cho thế hệ trẻ nối nghiệp cha ông".

Hành trình theo dấu tài hoa -0

Anh Nguyễn Hồng Phong (bên trái) trao đổi về mô hình súng thần công. 

Nhịp cầu nối của di sản

Trong cuộc sống hiện đại hối hả với bao lo toan, chúng ta đã và đang để trôi đi, rơi rụng theo đó những giá trị văn hóa truyền thống để rồi khi giật mình nhìn lại thì tất cả chỉ còn lại hoài niệm. Thật trân quý biết bao những tấm lòng như anh Võ Văn Quân, như Lê Bích. Họ là những cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa di sản với cuộc sống, giữa nghệ nhân, người thợ và sản phẩm của họ với thị trường, giúp các giá trị di sản làng nghề được tỏa sáng, phát huy lên những tầm cao mới. Tôi vẫn nhớ cuộc gặp gỡ với nghệ nhân đúc súng thần công Nguyễn Hồng Phong ở một con phố cổ Hà Nội.

Cũng niềm say mê và tình yêu với nghệ thuật và lịch sử quân sự Việt Nam, người cựu chiến binh, nguyên là một cán bộ kỹ thuật có nhiều sáng chế khoa học, đã nhiều năm đầu tư công sức, nghiên cứu các tư liệu về quá trình hình thành và sử dụng súng thần công cùng những chiến công oai hùng của ông cha trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ông gặp nhiều nhà sử học và đi khảo sát ở nhiều địa phương để tìm hiểu về các loại súng thần công khác nhau đang được lưu giữ ở các điểm di tích, bảo tàng, nghiên cứu kỹ để rồi thiết kế và cùng các nghệ nhân đúc lại những mô hình súng thần công chuẩn xác theo các giai đoạn lịch sử, vừa mang đậm bản sắc văn hóa Việt, có ý nghĩa giáo dục và bồi đắp niềm tự hào dân tộc.

Còn nhiều, rất nhiều những tấm lòng như thế trong cuộc sống hôm nay và đáng mừng trong đó có không ít người trẻ tuổi cùng chung niềm đam mê theo đuổi tìm về với cội nguồn di sản ông cha. Họ có những phát hiện dưới góc nhìn mới mẻ của thế hệ đương đại, không chỉ biết kế thừa di sản mà còn biết phát huy, làm mới và đưa các giá trị di sản nhập cuộc vào đời sống, thiết thực hơn. Có thể kể ra đây câu chuyện của Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Văn Lực, những chuyên gia về công nghệ thông tin và thiết kế ở Tập đoàn gốm sứ 1102 và Gia tộc Việt.

Bằng tình yêu với nghệ thuật gốm sứ và sự gắn bó với các nghệ nhân làng nghề Bát Tràng, họ đã lăn lộn tìm hướng đi, giúp thiết kế những mẫu sản phẩm nghệ thuật từ sự kế thừa truyền thống, quảng bá tìm đầu ra cho làng nghề gốm sứ ở trong nước và ra nước ngoài.

Hay như cô gái trẻ Trịnh Thu Trang, một giảng viên Ðại học Kiến trúc Hà Nội cùng bạn bè, đồng nghiệp với sự giúp đỡ của các nghệ nhân, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian dày công thực hiện dự án "Họa sắc Việt", từng bước số hóa, tư liệu hóa mầu sắc, họa tiết của dòng tranh dân gian Hàng Trống và ra mắt cuốn sách "Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống" được đánh giá cao. Nếu không phải tình yêu và niềm đam mê, liệu họ có thành công trong một dự án khả thi để bảo tồn và lan tỏa các giá trị của dòng tranh này trong đời sống.

Tình yêu, niềm đam mê và tấm lòng nhiệt huyết của những người nặng lòng với các giá trị văn hóa dân tộc nêu trên không chỉ mang ý nghĩa góp phần bảo tồn cho mai sau mà còn phát huy nó trong cuộc sống và giúp các giá trị đó tồn tại bền vững theo thời gian ■