Giáo sư Văn Tân - Nhà sử học bách khoa

NDO -

NDĐT- Tại Hà Nội, ngày 30-9, kỷ niệm 100 năm sinh Giáo sư Văn Tân (1913) và tròn 25 năm ngày mất của ông (30-9-1988), Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tổ chức Hội thảo khoa học “Giáo sư Văn Tân - Nhà hoạt động cách mạng, nhà văn hóa, nhà sử học”.

GS Văn Tân (1913 - 1988).
GS Văn Tân (1913 - 1988).

Ông có tên thật là Trần Đức Sắc, sinh ngày 1-9-1913 ở làng Kim Hoàng - Thọ Nam (nay thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Trước khi là nhà sử học chuyên nghiệp từ khi thành lập Viện Sử học cho đến cuối đời, ông đã hoạt động cách mạng từ năm 1929.

Năm 1937, trong phong trào Mặt trận dân chủ, Văn Tân làm báo Tin tức cùng với Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Trần Đình Long, Võ Nguyên Giáp... Năm 1941, ở tù Sơn La, ông lại cùng với Trần Huy Liệu làm báo “Suối reo”. Những năm bị giam cầm trong ngục tù đế quốc đã làm đôi chân GS Văn Tân đi không còn vững nhưng nhiệt huyết trong ông thì không hề suy giảm. Bầu nhiệt huyết đó được truyền vào 25 cuốn sách, 117 bài nghiên cứu của ông để lại cho hậu thế.

GS Văn Tân thuộc thế hệ những người mở đường khai phá cho sử học hiện đại Việt Nam sau năm 1945 cùng với những tên tuổi lớn như: Đặng Thai Mai, Trần Huy Liệu, Đào Duy Anh, Nguyễn Khánh Toàn, Trần Văn Giàu, Phạm Huy Thông, Trần Văn Giáp...

Sự nghiệp của GS Văn Tân khá đồ sộ trên nhiều lĩnh vực. Ông như một nhà bách khoa trong khoa học xã hội, thậm chí có người còn ví ông như “Lê Quý Đôn của thời hiện đại”. Về văn học, ông có Văn học trào phúng (1958), Nguyễn Khuyến (1959), Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (1957 - 1960), Lịch sử văn học Việt Nam sơ giản (1963). Về ngôn ngữ ông có Từ điển Trung - Việt (1956), chủ biên Từ điển tiếng Việt (1967) cùng với Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Nguyễn Lân, Đoàn Hựu, Nguyễn Khang, Ngô Thúc Lanh. Cuốn từ điển này chiếm vị trí độc tôn về từ điển tiếng Việt trong suốt nhiều năm sau đó, nhiều người còn gọi cuốn từ điển này là “Từ điển Văn Tân”.

Uyên bác về ngôn ngữ học, từ điển học, Hán - Nôm học, văn học sử nhưng địa hạt chính mà GS Văn Tân “thâm canh” là sử học. Sự nghiệp sử học của ông với nhiều cuốn sách, hàng trăm luận văn đăng trên các tạp chí, các báo. Ông say mê với người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ và cụm công trình "Cách mạng Tây Sơn"; "Nguyễn Huệ - Con người và sự nghiệp" của GS Văn Tân đã được tặng Giải thưởng Nhà nước (2000), sau khi ông qua đời 12 năm. Trong nghiên cứu sử học, GS Văn Tân rất coi trọng công tác sử liệu học và quan điểm sử học. GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, người đã có nhiều năm làm việc cùng GS Văn Tân, đánh giá: “Ông là người giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức dịch, xuất bản các bộ sách tư liệu cơ bản về lịch sử Việt Nam. Ông cũng là người thẳng thắn, rất kiên định quan điểm được ông cho là đúng nhưng vẫn biết nghe những ý kiến khác, kể cả những quan điểm trái ngược.”

Thành quả của GS Văn Tân là kết quả của sự khổ luyện kiên trì. Các học giả cùng thời, các học trò thế hệ sau và tất cả những ai biết ông đều khâm phục sức làm việc miệt mài tưởng như vô tận và trí nhớ tuyệt vời của ông. Ông là một cây bút chiến sắc sảo, một nhà hùng biện sôi nổi. Trong những cuộc thuyết trình, diễn giả Văn Tân với giọng nói sang sảng, tư duy mẫn tiệp đã thu hút sự hứng thú và làm mọi người thán phục. Nhưng ít người biết được để có tài hùng biện nhuần nhuyễn tới mức nhiều người tưởng là bẩm sinh, ông đã có nhiều công khổ luyện. Những điều cần nói đã được ông đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần. GS Văn Tân viết rất nhanh. Có những bài nghiên cứu ông viết chỉ trong vài ngày. Cuốn “Lịch sử Việt Nam” 217 trang, ông viết trong hơn một tháng. Tập sách hoàn chỉnh đầu tiên viết về Nguyễn Trãi được ông viết xong trong 10 ngày. Nhưng để có “bút lực” đó là cả một quá trình cặm cụi dày công tích lũy, là bao nhiêu ngày ông như dán mình trên ghế ở ngôi nhà số 21 Hòa Mã, ngập chìm trong khối sách vở cao ngất ba bề bốn bên, chỉ còn ô cửa số bé để ánh sáng lọt vào soi trang bản thảo.

Sinh thời ông, đã có người nhận xét: “Văn Tân làm sử như chiến sĩ.” Ông hăm hở, xông xáo, “tác chiến” quyết liệt. Dù chân yếu, đi lại khó khăn phải có người đỡ nhưng GS Văn Tân vẫn năng nổ, hăng hái lặn lội đi các địa phương để khảo sát điền dã, tìm tư liệu. Ông gần dân, yêu quý dân và thường nói với những cán bộ trẻ của Viện Sử: "Nhân dân là những người làm ra lịch sử. Chúng ta chỉ là những người chép sử". Nhà nước phong hàm Giáo sư cho ông từ đợt đầu tiên (1980) và dân chúng thôn dã nhiều lần được đón ông đến nói chuyện thì thân mật và kính trọng gọi ông là "cụ Văn Tân sử học".

Giáo sư Văn Tân - Nhà sử học bách khoa ảnh 1

Những người làm báo Tin Tức năm 1937. Ở hàng đầu tiên, Văn Tân đứng thứ hai từ trái sang, đứng thứ hai từ phải sang là Trường Chinh; người đứng giữa hàng trên cùng là Trần Đình Long.