Danh họa Trần Văn Cẩn và những tác phẩm chưa từng được công bố

Danh họa Trần Văn Cẩn và những tác phẩm chưa từng được công bố

Bên cạnh những tác phẩm nổi tiếng, quen thuộc (tất nhiên không thể thiếu bức tranh "Em Thúy"), cuộc triển lãm lần này với sự phối hợp giữa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và gia đình cố danh họa, sẽ giới thiệu một số tác phẩm chưa từng được công bố, người xem sẽ gặp lại một Trần Văn Cẩn cực kỳ đa tài với đủ các chất liệu sơn mài, sơn dầu, lụa, khắc gỗ, trực họa (vẽ bằng mầu nước, bút chì, bút sắt, pasten). Tuy nhiên, "vốn là sở trường" của ông, nên phần lớn tác phẩm trưng bày vẫn là tranh sơn dầu vẽ theo đề tài chân dung, phong cảnh, ký họa kháng chiến, lao động sản xuất...

Ít ai biết người họa sĩ tài năng bậc nhất Việt Nam này, người nổi tiếng với bức "Em Thúy" lại khởi nghiệp bằng công việc vẽ... cá.


Em Thúy - tranh
sơn dầu (1943).

Mười lăm tuổi, Trần Văn Cẩn thi đỗ vào Trường Bách Nghệ ở Hà Nội. Ông theo học nghề vẽ dentelle (đăng ten) và làm đồ gỗ. Tốt nghiệp, Trần Văn Cẩn về làm ở Sở cá Nha Trang, chuyên vẽ những mẫu cá lạ để lưu vào hồ sơ tư liệu.

Nhưng cũng chính thời gian lăn lộn tại Nha Trang đã tạo cho ông cơ hội gần gũi với những người dân miền biển, để sau này những vóc dáng vạm vỡ, nước da đen cháy cũng như những động tác lao động đầy ấn tượng của họ đã được ông đưa vào tác phẩm của mình.

Say mê vẽ phong cảnh và con người Nha Trang, và rồi ý tưởng trở thành một họa sĩ bắt đầu nhen nhóm trong ông.

Trần Văn Cẩn thi vào Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa 1931-1936. Ông học chuyên về hội họa, đồ họa và trang trí. Được học chuyên về sơn dầu, nhưng Trần Văn Cẩn không bỏ qua những chất liệu thuần túy dân tộc như lụa, sơn mài, những chất liệu đã được các "đàn anh" khai xướng (lụa với Nguyễn Phan Chánh, sơn mài với Trần Quang Trân, Nguyễn Gia Trí). Với chất liệu nào Trần Văn Cẩn cũng có thành công.

Bảy năm sau khi ra trường, với hai tác phẩm "Em Thúy" (sơn dầu) và "Gội đầu" (khắc gỗ) lần đầu tiên gửi tham gia phòng tranh FARTA tại nhà Khai Trí Tiến Đức, ông đã giành giải thưởng.


"Gội đầu" -
tranh khắc gỗ (1943).

Trần Văn Cẩn là một trong số những họa sĩ rất nhiệt tình với phong trào văn hóa cứu quốc. Ngay trong thời kỳ Nhật đảo chính Pháp, cùng với hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung, ông đã vẽ lên những tấm áp phích lớn như "Phá xiềng", "Cứu nông dân - trừ giặc đói", "Ba kỳ thống nhất"... Và bức áp phích "Nước Việt Nam của người Việt Nam" của ông đã được bày trên nóc tòa nhà Ngân hàng trong những ngày Cách mạng Tháng Tám...

Năm 1946, khi nước Việt Nam độc lập tổ chức cuộc triển lãm mỹ thuật đầu tiên của mình, bức tranh lụa "Xuống đồng" (vẽ trên cơ sở những chuyến đi ký họa thực tế, bộc lộ niềm vui say của người dân vừa giành được độc lập) của họa sĩ đã được trao giải nhất và được Hội văn hóa Cứu quốc mua lại

Trần Văn Cẩn cũng là họa sĩ "có duyên" với "chức vị". Từ năm 1955 đến 1964, Trần Văn Cẩn là Hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Ông cũng là Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam từ 1957-1983 và Chủ tịch Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam từ 1983- 1987.

Năm 1996, hai năm sau khi qua đời, Trần Văn Cẩn được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: Tham gia vẽ mẫu quốc huy nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, "Tát nước đồng chiêm" (sơn mài 1958) , "Công nhân mỏ" (sơn dầu 1960), "Nữ dân quân miền biển" (sơn dầu 1960), "Thằng cu đất mỏ" (sơn mài 1962)...