Cậu sinh viên đưa ca Huế vào nhạc giao hưởng Nga

NDO -

NDĐT - Với niềm tự hào về vùng đất Cố đô có bề dày về văn hóa và lịch sử, Cao Đình Thắng, chàng sinh viên năm thứ 4 khoa sáng tác Học viện Âm nhạc mang tên Tchaikovski, đã tìm cách đưa các chất liệu ca Huế, nhã nhạc cung đình vào các bản nhạc giao hưởng. Các bản nhạc của Thắng đã giành được nhiều cảm tình của các thầy, cô, bè bạn và được giải thưởng cao trong hai cuộc thi danh giá có quy mô toàn LB Nga.

Chàng trai Cao Đình Thắng và thầy giáo của mình tại Nga.
Chàng trai Cao Đình Thắng và thầy giáo của mình tại Nga.

Tháng 12-2018, trong cuộc thi về Sáng tác âm nhạc toàn LB Nga nhằm vinh danh đại văn hào Lev Tolstoy do Hội Nhạc sĩ Liên bang và Bộ Văn hóa Nga tổ chức, tác phẩm viết cho piano mang tên “Anna” (dựa trên tiểu thuyết Anna Karenina - Lev Tolstoy) của Thắng đã giành giải nhì cho hạng mục sáng tác dành cho piano. Tác phẩm này cũng đồng thời giành giải thưởng đặc biệt theo bình chọn của “Đài tiếng nói nước Nga".

Thắng cho biết, khi gửi tác phẩm đi dự thi, em chỉ nghĩ là một cơ hội để thử sức mình chứ không nghĩ rằng mình sẽ đoạt giải. Tuy nhiên, khi lên nhận giải em mới biết số sinh viên đoạt giải chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại toàn là các nghệ sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp. Thậm chí, trong số đó còn có cả một số giảng viên của các nhạc viện lớn.

Chỉ vài ngày sau khi giành hai giải thưởng trên, Thắng lại tiếp tục giành giải ba (không có giải nhất) hạng mục phối khí cho dàn nhạc hơi tại Festival toàn Nga dành cho các dàn nhạc hơi và nghệ sĩ độc tấu. Đây cũng là một giải thưởng rất danh giá bởi đây là một cuộc thi quy tụ các dàn nhạc hơi, các dàn nhạc của sinh viên đến từ khắp nước Nga.

Cậu sinh viên đưa ca Huế vào nhạc giao hưởng Nga ảnh 1

Giải ba của Thắng về phối khí cho dàn nhạc hơi tại Nga.

Đánh giá về giải thưởng của Thắng, Giáo sư Igor Nikolaevich Savinov, thầy dạy của em tại Nhạc viện Tchaikovsky, nói: "Giải ba của Thắng về phối khí cho dàn nhạc hơi tại cuộc thi này là một thành tích không nhỏ, bởi không có ai đạt được giải nhất về nội dung này. Tôi hài lòng về cậu sinh viên tuyệt vời của mình, cậu ấy đã học tốt và làm rất tốt".

Còn anh Trịnh Gia Phương, Giảng viên Khoa thanh nhạc trường Nghệ thuật Quân đội, hiện cũng đang theo học tại Nga, nhận xét: "Thắng là một sinh viên rất tài năng và được đào tạo bài bản tại một ngôi trường nổi tiếng. Việc Thắng giành được hai giải thưởng quan trọng vừa qua là rất xứng đáng. Tôi được biết, hai cuộc thi mà Thắng vừa tham gia và giành giải thưởng có vị trí rất cao quý của âm nhạc hàn lâm Nga. Khi được chứng kiến Thắng nhận giải thưởng trong lễ trao giải Gala cuộc thi sáng tác về Lev Tolstoi, tôi rất mừng cho Thắng và hy vọng có thêm nhiều sinh viên tài năng như Thắng theo đuổi việc phát triển nền âm nhạc nước nhà".

Ít ai biết được, Thắng đã phải nỗ lực rèn luyện, vượt qua bao khó khăn để giành được những thành tích đáng khích lệ như vậy. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, bố là giảng viên ba-lê, mẹ là giảng viên ngành ca Huế, Thắng có niềm đam mê âm nhạc từ bé. Ngay từ khi mới 5 tuổi, em đã được gia đình cho theo học piano. Sau khi tốt nghiệp hệ sơ - trung cấp piano (hệ 9 năm), Thắng thi vào hệ sáng tác Học viện Âm nhạc Huế với ngôi vị thủ khoa. Hết năm thứ nhất, khi nhận được thông báo tuyển sinh du học Nga của nhà nước về chuyên ngành sáng tác âm nhạc tại học viện âm nhạc quốc gia Moscow mang tên Tchaikovsky, Thắng nộp hồ sơ đăng ký và đã được nhận học bổng đi học.

Thắng kể, khi mới sang Nga, thời tiết lạnh lẽo, tiếng Nga lại không tốt, em gặp rất nhiều khó khăn. Khi đó, thiếu ngôn ngữ, không có người giúp đỡ, Thắng phải tự mình tìm hiểu những thứ cơ bản nhất, thí dụ như nộp tiền các dịch vụ cơ bản, đi chợ. Thậm chí trong suốt mấy tháng đầu tiên, Thắng chỉ biết dùng muối để nêm nếm và chấm các món ăn vì không biết mua các loại nước chấm Việt Nam ở đâu. Hồi tưởng cái Tết đầu tiên ở Nga, chỉ có một thân một mình ở trong phòng, Thắng còn không dám gọi điện về nhà cho ba mẹ vì sợ mình bật khóc. Cậu chỉ biết ngồi viết một bài hát để nói hộ nỗi lòng của mình, cảm ơn bố mẹ, gia đình và Tổ quốc.

Không chỉ có vậy, khi học gần xong khóa dự bị, Thắng mới biết là để vào được Nhạc viện Tchaikovsky, em sẽ phải tiến hành thi đầu vào. Hơn thế nữa, Thắng không được thi theo hệ của lưu học sinh nước ngoài mà phải thi theo hệ của sinh viên Nga, khó hơn rất nhiều. Khi đó, em đã phải vùi đầu vào học, ngày chỉ ngủ hai, ba tiếng và sụt mất gần chục cân. Và sau hai tháng ôn thi, với sự giúp đỡ của một số anh, chị khóa trên, Thắng đã xuất sắc vượt qua cuộc thi để chính thức trở thành sinh viên Nhạc viện Tchaikovsky.

Trong suốt năm đầu tiên học tại Nhạc viện Tchaikovski, Thắng đã phải nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ. Mặc dù trong trường vẫn dạy tiếng Nga, nhưng chủ yếu là để giao tiếp, còn những từ ngữ chuyên môn thì Thắng phải tự học. Bên cạnh đó, những thuật ngữ cơ bản của Nga cũng khác đáng kể so với Việt Nam cũng gây nhiều khó khăn cho em. Các thầy, cô bảo Thắng: "Nếu cậu học sáng tác mà không biết tiếng thì cậu sẽ không học được gì hết. Bởi vì sáng tác yêu cầu phải giỏi cả thực tiễn lẫn lý luận. Nếu cậu không trau dồi được thì cậu không thể viết được". Trước lời "đe dọa" này, Thắng lao đầu vào học những từ ngữ chuyên ngành tiếng Nga. Và từ năm thứ hai trở đi Thắng đã tự tin theo kịp được các khóa học.

Nói về nghề sáng tác của mình, Thắng cho biết em phải thường xuyên trau dồi bởi nếu không viết, cảm giác sáng tác sẽ bị mất. Bởi vậy, kể cả khi chưa có cảm hứng, Thắng lại đi đây đó để tìm kiếm cảm xúc, tìm kiếm chủ đề để viết.

Cậu sinh viên đưa ca Huế vào nhạc giao hưởng Nga ảnh 2

Cao Đình Thắng luôn mong muốn đưa âm hưởng nhạc dân tộc vào những sáng tác của mình.

Sinh ra và lớn lên trên đất Cố đô, trong tâm hồn của Thắng thấm đẫm những giai điệu ngọt ngào của ca Huế và Nhã nhạc cung đình Huế. Bởi vậy, trong quá trình sáng tác, Thắng đã tìm cách đưa những chất liệu này vào một số tác phẩm giao hưởng của mình, như bản suite cho dàn nhạc dây mang tên "Nostalgia", suite cho dàn nhạc hơi mang tên "Yếm đào", prelude cho piano mang tên "Sông quê", sontata cho piano và kèn clarinet mang tên ca khúc "Về đi con".

Thắng tâm sự: "Đối với em, di sản âm nhạc dân tộc của Việt Nam rất phong phú, đa dạng và sâu sắc. Ngay từ lúc còn ở Việt Nam, em đã thường xuyên tìm hiểu các thể loại âm nhạc tại các vùng miền của đất nước chúng ta. Điều này giúp em hiểu rõ hơn về bề dày văn hóa, lịch sử của dân tộc ta. Huế là quê hương của em, nơi em sinh ra và lớn lên. Em rất tự hào về vùng đất với bề dày về văn hóa và lịch sử này. Em đã sử dụng rất nhiều các chất liệu âm nhạc từ nhiều vùng miền trên đất nước để sáng tác, trong đó bao gồm cả ca Huế và nhã nhạc cung đình Huế. Em rất hạnh phúc khi có thể sử dụng những giai điệu mang đậm giá trị văn hóa của quê hương, dân tộc mình để viết nên những tác phẩm mới".

Khi đưa ra biểu diễn, những tác phẩm mang đậm âm hưởng dân gian Việt Nam này của Thắng đã được các thầy cô, đồng nghiệp rất thích thú và đã có những ý kiến rất tích cực. Họ rất thích thú và muốn tìm hiểu nhiều hơn âm nhạc, văn hóa của dân tộc ta, đồng thời động viên Thắng tiếp tục phát huy, sáng tác những tác phẩm mới cùng với chất liệu âm nhạc truyền thống phong phú của đất nước mình. GS Nikolaevich Savinov nhận xét: "Tác phẩm sáng tác cho dàn nhạc hơi đầu tiên của Thắng có tên là “Yếm đào” đã được trình diễn tại Nhạc viện Moskva mang tên Tchaikovsky. Cá nhân tôi và tất cả mọi người đều rất thích phần sáng tác đó".

Ngoài các bản khí nhạc phục vụ cho công việc học tập, thời gian rảnh rỗi Thắng cũng sáng tác một số ca khúc để giải trí. Những ca khúc này được Thắng biểu diễn trong những sự kiện của cộng đồng. Thắng cho biết rất hạnh phúc khi được biểu diễn những ca khúc của mình. Sau những buổi diễn, cũng có nhiều bạn bè, cô chú người Việt bày tỏ sự thích thú và trân trọng.

Thắng tâm sự: "Em cảm thấy rất may mắn, vinh dự và tự hào khi được theo học tại học viện âm nhạc Tchaikovsky, được theo học tại nơi mà các nhạc sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam từng theo học, như nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhạc sĩ Trọng Đài,... Đặc biệt là người thầy mà em rất biết ơn và kính trọng, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân".

Khi được hỏi về những dự định trong tương lai, Thắng cho biết em rất muốn tiếp tục theo học sâu hơn hơn nữa về sáng tác âm nhạc, viết nhạc phim và sản xuất âm nhạc. Em nói: "Đối với em, đây là những chuyên ngành giúp ích rất nhiều cho em trong việc hoạt động nghệ thuật để em có thể góp phần đóng góp cho Tổ quốc, dân tộc của mình".