Danh nhân văn hóa Nguyễn Công Trứ

ND- Nguyễn Công Trứ - người con của đất Lam Hồng, một vị quan văn - võ song toàn, là người có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực: văn học, quân sự, chính trị, khai hoang lập ấp...

Bằng chính cuộc đời mình, ông dựng lên một phong cách sống hùng tâm tráng chí: "Ðã mang tiếng ở trong trời đất /Phải có danh gì với núi sông".

Nguyễn Công Trứ  tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn. Ông sinh ngày mồng một, tháng mười một, năm Mậu Tuất (tức ngày 19-12-1778) tại huyện lỵ Quỳnh Côi, phủ Thái Bình. Thân phụ là Ðức Ngạn Hầu Nguyễn Công Tấn, tri phủ Tiên Hưng - Thái Bình, thân mẫu là Nguyễn Thị Phan, con gái quan Quản nội thị tược Cảnh Nhạc Bá dưới triều vua Lê -  chúa Trịnh. Ông mất ngày 14-11 năm Mậu Ngọ (tức ngày 7-12-1858), thọ 80 tuổi tại quê nhà làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân.

Theo các nhà nghiên cứu, từ nhỏ ông nổi tiếng học giỏi, hay thơ văn, tính cách phóng khoáng. Lớn lên trong những năm cuối của nhà Tây Sơn, đến đầu nhà Nguyễn, sau bao lần lận đận "lều chõng", mãi đến năm 41 tuổi (1819) ông mới thi đậu giải nguyên (1820 - 1847) làm quan dưới triều Nguyễn. Lần đầu tiên xuất chinh, Nguyễn Công Trứ giữ chức hành tẩu ở Quốc sứ quán (1820). Sau đó ông liên tiếp giữ các chức Tri huyện Ðường Hào, Hải Dương (1823), Tư nghiệp Quốc Tử Giám (1824), Phủ Thừa phủ Thừa Thiên (1825), tham tán quân vụ, rồi thăng Thị lang Bộ Hình (1826). Năm 1828, Nguyễn Công Trứ thăng Hữu Tham tri Bộ Hình, sang chức Dinh điền sứ. Năm 1832 ông được bổ chức Bố chánh sứ Hải Dương, cùng năm thăng Tham tri Bộ Binh, giữ chức Tổng đốc tỉnh Hải An.

Năm 1840 giữ chức Tả Ðô Ngự sử viện đô sát, kiêm Tham tri Bộ binh, tán lý cơ vụ đồn trấn Tây. Năm 1845 làm chủ sự Bộ hình, năm 1846 làm quyền án sát Quảng Ngãi, được hai tháng, ông lại đổi ra làm Phủ Thừa phủ Thừa Thiên, đến năm 1847 thăng làm Phủ doãn phủ Thừa Thiên. Năm 1848, Tự Ðức nguyên niên, Nguyễn Công Trứ xin về hưu. Trong 28 năm làm quan, Nguyễn Công Trứ bị giáng chức và cách chức năm lần, nhưng ông luôn giữ được thái độ bình thản và cứng cỏi, sẵn sàng gánh vác trọng trách cũng như làm chu tất những việc tầm thường được giao. Nguyễn Công Trứ là người có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực.

Nguyễn Công Trứ là người đề xuất và giải quyết vấn đề di dân lập ấp, tạo thế phát triển  ở vùng duyên hải đồng bằng sông Hồng, ông hướng dẫn nông dân khai phá vùng đất đai rộng lớn ven biển thuộc các tỉnh Ninh Bình và Thái Bình, lập nên hai huyện Kim Sơn, Tiền Hải. Ngoài ra, ông còn chỉ huy việc khai khẩn vùng đất ven bờ biển tỉnh Quảng Yên, Hải Dương...

Trên lĩnh vực văn hóa, ông có nhiều đóng góp quan trọng, sáng tác của ông có khoảng 150 bài, chủ yếu là thơ văn chữ Nôm. Gồm có phú, hát nói, thơ đường luật. Thơ văn Nguyễn Công Trứ cho thấy rõ nhân cách độc đáo của ông, một con người giàu năng lực, có cốt cách tài tử phong lưu, không ngần ngại khẳng định cá tính của mình. Ông là người mở hành lang mới vào thi ca quốc âm với thể thơ hát nói bình dân, nhiều bài đạt tới mức kinh điển, mẫu mực. Và bằng chính cuộc đời mình, ông dựng lên một phong cách sống hùng tâm tráng chí, trong sáng, hồn nhiên, thực tế: "Chí làm trai nam bắc đông tây/Cho phí sức vẫy vùng trong bốn bể".

Cuộc đời của Nguyễn Công Trứ là cuộc đời của một con người say mê hoạt động. Lúc nào trong tâm khảm nhà thơ cũng hằn lên một câu hỏi lớn: "Ðã mang tiếng ở trong trời đất /Phải có danh gì với núi sông".

Năm 1803, Gia Long tuần du ra bắc, Nguyễn Công Trứ đón đường dâng Thái Bình Thập Sách, một cương lĩnh trị nước. Bấy giờ ông còn là một thư sinh. Khi thi đỗ, thành danh, ông đã góp công lớn củng cố nền móng của sự nghiệp thống nhất đất nước, giữ vững bờ cõi xã tắc, dấu chân của ông in khắp nam bắc. Ông đề nghị đặt nhà học cho con em nhân dân được học hành, đặt nhà thương ở các làng để quản lý thóc gạo, "Khi nào giá gạo cao thì bán, giá hạ thì mua, gặp lúc thủy hạn bất thường, đem thóc chiếu cấp cho từng người, năm nào được mùa sẽ theo số đã cấp thu lại để chứa trữ". Ông tố cáo "Cái hại cường hào làm cho dân đến nỗi con mất cha, vợ mất chồng, tính mệnh phải thiệt hại, tài sản phải sạch không" và đề nghị triều đình "Trị tội rất nặng". Ông đem hết sở học và tài trí giúp dân an cư lạc nghiệp... Mở thế dân giàu nước mạnh, đổi mới non sông. Ông từng giải bài toán quan hệ bang giao với nước láng giềng để giữ gìn sự vững bền cho đất nước. Ông thể hiện tầm nhìn chính trị lớn, một nhân cách lỗi lạc. Triều Nguyễn, nhân dân đương thời ghi nhớ công ơn Nguyễn Công Trứ. Nhân dân các vùng khai hoang lập đền thờ ngay khi ông còn sống. Ghi nhớ, tri ân, nhân dân đã gọi Nguyễn Công Trứ là Cố lớn Uy Viễn.

Hiện nay, huyện Nghi Xuân và tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành dự án quy hoạch mở rộng nâng cấp khuôn viên di tích Nguyễn Công Trứ, năm 2009 sẽ triển khai với tổng mức đầu tư gần 40 tỷ đồng gồm nhiều hạng mục như nhà lưu niệm, trưng bày các hiện vật, các ấn phẩm của Nguyễn Công Trứ, các nhà chức năng, hệ thống các khu vui chơi giải trí... Hệ thống đường vào khu di tích đã được đầu tư mở rộng, nâng cấp để phục vụ tốt du khách về dự lễ hội. Nhà Văn hóa đang hoàn thành những hạng mục cuối cùng để đưa vào phục vụ các hoạt động kỷ niệm. Ðây là trung tâm tổ chức các hoạt động của Tuần văn hóa du lịch kỷ niệm 230 năm ngày sinh, 150 năm ngày mất Danh nhân văn hóa Nguyễn Công Trứ.

Minh Thư, Thành Châu