Đạo diễn Đinh Đức Liêm: Tôi đã gặp “miền đất phúc”

Lấy cảm hứng từ sự thành công vượt bậc của Công ty Gốm sứ Minh Long 1, Bình Dương, bộ phim “Miền đất phúc” nói về những con người sinh ra và lớn lên tại một làng gốm truyền thống.

Họ yêu đất, yêu gốm, vươn lên trong gian khó. Từ một cộng đồng làm gốm thủ công, họ đã trải qua bao trăn trở, thăng trầm, vật lộn với cơ chế để tìm hướng đi lên, nâng cao thương hiệu Việt, hòa nhập vào với thị trường gốm cao cấp của thế giới. Tuổi đời của các nhân vật trong phim trải dài hơn nửa thế kỷ, từ khi họ còn là thiếu niên cho đến lúc trở thành doanh nhân tầm cỡ. Bộ phim đã thực hiện xong 18 tập đầu (giai đoạn các nhân vật còn nhỏ) và sẽ phát sóng nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng Sài Gòn. Các tập tiếp theo sẽ được ghi hình từ ngày 29-3-2005 với các diễn viên: Tiến Thành, Kim Thư, Thanh Nga, Hoa Hạ, Quang Minh, Phước Sang...

Cái bếp dầu và nước mắt trên chuyến tàu xuôi Nam

Từ nhiều năm qua, đạo diễn Đinh Đức Liêm được biết đến như một người có duyên với phim truyện truyền hình nhiều tập. Hầu hết những bộ phim anh làm khi phát sóng đều tạo ra “cơn sốt”, được đông đảo người xem theo dõi, yêu thích như “Giã từ dĩ vãng”, “Đồng tiền xương máu”, “Người đàn bà yếu đuối”, “Vai diễn đầu đời” và hiện nay là “Công ty thời trang”. Cùng với phim là những diễn viên trở nên sáng giá trong lòng công chúng như Thanh Nga (Giã từ dĩ vãng), Trương Ngọc Ánh, Quyền Linh, Chi Bảo (Đồng tiền xương máu), Trần Kim Ngân, Quốc Thái (Người đàn bà yếu đuối), Thanh Phương, Bình Minh (Công ty thời trang)... Thế nhưng không mấy ai biết, trước khi đến được với nghề làm phim, Đinh Đức Liêm đã phải trải qua một “dĩ vãng” cay cực, mồ hôi quyện lấy nước mắt mới tồn tại cho đến ngày được ra sân quay.

Là một trong những sinh viên giỏi của lớp đạo diễn chính quy đầu tiên của Trường ĐH Điện ảnh Việt Nam, từng mơ ước được về hành nghề tại Hãng phim Truyện Việt Nam, nhưng anh đã bị hụt hẫng ngay khi cầm tấm bằng tốt nghiệp đi xin việc. Năm ấy, hãng chỉ có bốn chỉ tiêu đạo diễn thì vừa đủ cho bốn bạn đồng môn “con ông cháu cha” ở hãng phim. Thất vọng và buồn đến tê tái, anh ôm cô con gái nhỏ mới sáu tháng tuổi lên xe lửa xuôi về Nam đi tìm miền đất mới. Mẹ của cháu bé đã bỏ đi đóng phim xa từ khi cháu mới ba tháng tuổi nên suốt cuộc hành trình, người bố trẻ phải mang theo cả bếp dầu để khuấy bột cho con. Con khóc và bố cũng rớt nước mắt vì túi rỗng mà phía trước chưa biết đi về đâu, chưa biết làm gì để sống. Đến TP Hồ Chí Minh, may sao anh được cô em họ cho phụ bán cà phê để có tiền nuôi con.

Một cơ hội hiếm hoi là khi đạo diễn Long Vân làm phim “Người đi tìm họ” cần một thư ký trường quay, Đinh Đức Liêm đành “chớp” lấy để được làm nghề, xem như một lần đi thực tập. Nhưng xong phim, anh lại tiếp tục thất nghiệp, không có hộ khẩu nên không nơi nào nhận. Bức bối vì miếng cơm manh áo, người đạo diễn trẻ đã xoay xở đủ nghề. Khi thì mua bán xe, lúc lại tự mày mò học nấu phở, rồi đi may hàng gia công.

Từ một người làm thuê dần dà anh tiến lên làm chủ tổ hợp may gia công. Một mình làm hết các khâu, sống chắt bóp, dành dụm, cuối cùng cũng có được một căn nhà. Có nhà cửa ổn định rồi, máu nghề đau đáu xưa nay lại trỗi dậy. Anh cao hứng bán nhà, góp vốn cùng người bạn làm phim “Thời đại đàn bà con gái” (truyện video). Phim có cái tứ khá lạ, khán giả ủng hộ nồng nhiệt nhưng mới chiếu được chín ngày thì bị mất bản quyền! Lại tay trắng, lại ở nhà thuê và lại mượn tiền tiếp tục nghề may gia công. Lần này, anh bị thất bại vì một mình quán xuyến không nổi, hàng bị trả về.

Vài nét tiểu sử Đinh đức Liêm

- Tốt nghiệp Khoa Kinh tế Đại học Tổng hợp Hà Nội (1979).

- Tốt nghiệp Khoa Đạo diễn Trường Đại học Điện ảnh Việt Nam (1988).

Đã dàn dựng các phim: Thời đại đàn bà con gái, Hạnh phúc mong manh (3 tập), Giã từ dĩ vãng (10 tập), Đồng tiền xương máu (13 tập), Người đàn bà yếu đuối (59 tập), Vai diễn đầu đời (2 tập), Cỏ dại (3 tập), Công ty thời trang (30 tập), Miền đất phúc (18 tập đầu).

Đang bế tắc thì được biết Hãng phim TFS mới thành lập đang tìm kiếm người cộng sự, Đinh Đức Liêm bèn gửi đến chào hàng kịch bản “Hạnh phúc mong manh”, nói về nguy cơ rạn nứt trong hôn nhân nếu mỗi người vợ, người chồng không chú ý vun đắp từng ngày. Lãnh đạo TFS mời anh đến gặp mặt, mới hay tác giả của kịch bản “Hạnh phúc mong manh” không phải là “người thường” mà là một sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của khoa đạo diễn điện ảnh chính quy.

Được các thầy cũ “bảo kê”, Đinh Đức Liêm bắt tay làm bộ phim ra mắt với TFS. Chưa làm phim truyền hình bao giờ nhưng kinh nghiệm từ công việc ở phim “Người đi tìm họ” và bộ phim “liều mạng” “Thời đại đàn bà con gái” trước đó đã giúp anh hoàn thành “Hạnh phúc mong manh” (3 tập) một cách trót lọt. Lần đầu tiên có một bộ phim truyền hình dám đưa lên vấn đề ngoại tình và dám có những cảnh riêng tư trong phòng ngủ nên cho dù nhiều chỗ thể hiện còn sơ sài, “Hạnh phúc mong manh” cũng tạo được một làn gió mới cho phim truyền hình. Đinh Đức Liêm bén duyên với TFS từ đó. Và trong suốt gần 10 năm qua, anh cũng vẫn chỉ một lòng một dạ với hãng TFS, nơi đã mở ra cho anh một con đường sống - sống hiểu theo cả hai phần: phần xác lẫn phần hồn.

“Giã từ dĩ vãng” để đến “miền đất phúc”

Có lẽ chưa có một đạo diễn nào mà tác phẩm đã vận vào mình như Đinh Đức Liêm. Nếu như ở “Hạnh phúc mong manh”, anh gửi gắm ít nhiều nỗi đau từ cuộc hôn nhân đầu tiên bất hạnh của mình thì ở “Giã từ dĩ vãng”, anh dồn hết những cực nhọc, vất vả của việc vật lộn cho cuộc mưu sinh trong những năm đầu vào Nam tìm đất sống mới. Khi bộ phim phát sóng, nhiều người đã “phục lăn” khi những gì diễn ra trên màn ảnh đều quá gần gũi trong đời thường, còn Đinh Đức Liêm lại ngậm ngùi đến ứa nước mắt, thấy thương mình qua số phận của các nhân vật: người đàn bà tên Hạnh trong “Giã từ dĩ vãng”, người đàn bà tên Ngọc trong phim “Người đàn bà yếu đuối”, người phụ nữ tên Lan Anh trong “Đồng tiền xương máu”.

Tuy hoàn toàn khác nhau về bối cảnh, nhưng cả ba người đàn bà của Đinh Đức Liêm đều là những người phụ nữ kiên nghị, có một nội lực phi thường trong hoàn cảnh đời thường. Đó là những người cơ thể yếu đuối nhưng không chịu đầu hàng số phận. Khi xây dựng những nhân vật này, anh luôn nhớ lại buổi tối ôm con rời xa Hà Nội với cái bếp dầu và cái xoong nhỏ trong ba lô.

Chính cuộc sống vật lộn vất vả, tiếp xúc với đủ mọi hạng người đã cho anh sự cảm nhận khá chính xác về tính cách từng con người xuất hiện trong kịch bản. Trong quá trình sáng tạo, anh chỉ cần nhắm mắt nhớ lại một ai đó và tìm cho họ một diễn viên phù hợp là diện mạo nhân vật sẽ hiện ra.

“Lì mặt” để có phim cho khán giả xem

Đối với Đinh Đức Liêm, quan hệ giữa tác giả và đạo diễn là quan hệ khó... chịu nhất! Một kịch bản được anh chọn dàn dựng tất yếu phải là kịch bản có chất liệu tốt, tạo được cho anh sự hứng thú song nếu cứ bắt dàn dựng y chang theo kiểu minh họa thì bộ phim không còn vai trò đạo diễn. Anh cho rằng nhà văn, nhà biên kịch đều có thế mạnh riêng nhưng không thể có cái nhìn bao quát được hết về hình ảnh như người đạo diễn. Một kịch bản trên giấy khi ra hiện trường luôn phải thay đổi cho phù hợp với những diễn biến mới nảy nở trên sàn quay, với mức độ ngẫu hứng của người dàn dựng, với cá tính diễn xuất của diễn viên. Điều này tránh cho phim không bị khô cứng, công thức và đó chính là sự tương tác cần thiết cho một tác phẩm điện ảnh. Quá trình làm phim là một quá trình trăn trở, có thể chi tiết ngày hôm nay phủ nhận những điều ngày hôm qua. Cuộc sống sinh động hơn rất nhiều so với những con chữ tưởng tượng trên giấy.

Tâm sự về điều này, Đinh Đức Liêm cũng không khỏi cảm thấy bị tổn thương khi nhớ lại có lần anh đã bị tác giả kịch bản một bộ phim anh dàn dựng sỉ vả nặng nề vì cho rằng đạo diễn muốn “qua mặt”. Anh nói với thái độ nhẫn nhịn: “Cuối cùng thì mình cũng phải lì mặt ra vì chất lượng của tác phẩm. Làm gì thì làm, mục tiêu vẫn là để cho khán giả xem được”.

Khán giả là “câu trả lời cuối cùng” của Đinh Đức Liêm nên những bộ phim mang tên anh bao giờ cũng được khán giả xếp vào loại “xem được”. Cho dù chưa một lần làm phim truyện nhựa như mơ ước thời sinh viên nhưng bây giờ anh chỉ còn một khát khao duy nhất là làm phim cho khán giả. Tuy chưa thật hài lòng với phim nào, song Đinh Đức Liêm cho rằng mình đã tìm được “miền đất phúc”, miền đất đã cho anh một cuộc sống bình an, một công việc yêu thích và hơn hết, là một gia đình mới hạnh phúc. Anh đã có thêm hai cháu trai kháu khỉnh với người bạn đời hiện nay là một nhà báo, một nghệ sĩ nhiếp ảnh, một “Hải Âu viên”: nghệ sĩ Đỗ Ngọc, phóng viên Báo Phụ Nữ TP Hồ Chí Minh.