Chặn đà tăng giá hàng hóa

Mặc dù giá xăng đã liên tiếp giảm tới bốn lần, với hơn 7.000 đồng/lít nhưng nhiều mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm... tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn không giảm giá, thậm chí còn có xu hướng tăng.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều mặt hàng tại chợ giá vẫn cao ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Nhiều mặt hàng tại chợ giá vẫn cao ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Thở dài khi cho chúng tôi xem giỏ hàng với một miếng thịt ba chỉ tầm 0,5kg, bó rau muống, hai trái cà chua, chị Lê Thị Minh Trang (36 tuổi, ngụ ở thành phố Thủ Đức) cho biết: Mua ở chợ có bấy nhiêu mà ngót nghét gần 200 nghìn đồng. “Thịt ba chỉ trước chỉ có 120 nghìn đồng/kg, nay đã tăng thêm 30 nghìn đồng/kg; rau muống, cà chua cũng nhích giá thêm từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng. Lương công nhân vừa qua đã tăng thêm đôi chút nhưng vẫn không theo kịp đà tăng giá hàng hóa.

Nhiều món ăn bình dân của công nhân mỗi sáng như gói xôi, ổ bánh mì, tô cháo lòng... giờ cũng thành xa xỉ khi tất cả đều tăng thêm từ 5.000 đồng đến 7.000 đồng/phần”, chị Trang nói. Tại các chợ truyền thống, giá các loại rau củ, trứng, thịt cá đã tăng từ khi xăng lên giá 32 nghìn đồng/lít hồi tháng 6/2022, thế nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm theo xăng.

“Giá heo mảnh tại chợ đầu mối hiện đã 83 nghìn đồng/kg, giá tăng từng ngày, mỗi ngày một giá. Các sản phẩm thịt heo sau khi lóc đã tăng 30% so với hồi đầu tuần, cụ thể sườn non 200 nghìn đồng/kg (tăng 30 nghìn đồng/kg); thịt ba chỉ 150 nghìn đồng/kg (tăng 20 nghìn đồng/kg). Giá xăng giảm nhưng ở chợ đầu mối, nhà cung cấp không giảm giá, thậm chí còn tăng, cho nên việc bán buôn càng thêm khó khăn”, bà Hương, tiểu thương chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) cho hay.

Theo Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt (V.Food) Trương Chí Thiện, giá trứng đang có xu hướng tăng trở lại vì giá thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng, nguồn cung trứng hạn chế đẩy giá lên theo. “Giá xăng dầu hạ nhiệt là điểm sáng để làm chững đà tăng của giá hàng hóa trên thị trường, nhưng giá sẽ khó giảm bởi mỗi sản phẩm bao gồm nhiều chi phí. Riêng với trứng, chi phí vận chuyển chỉ chiếm khoảng 15%-20%, trong khi đó các chi phí khác như thức ăn chăn nuôi, bao bì đóng gói, nhân công, nhãn mác... tăng 20%-40% so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi đang cố gắng kìm giữ giá thấp hơn thị trường khoảng 15%”, ông Thiện chia sẻ.

Trước tình hình giá hàng hóa vẫn giữ giá cao, nhiều siêu thị tại Thành phố Hồ Chí Minh có động thái tăng các chương trình khuyến mãi, giảm giá hỗ trợ người tiêu dùng. Tại siêu thị Emart (quận Gò Vấp) luôn có khá đông khách xếp hàng chờ thanh toán sau khi mua sắm. Đẩy xe hàng đầy các loại thực phẩm, sữa tắm, quần áo..., chị Thùy Trang (ngụ đường Ngô Quyền, quận 5) cho biết: “Cá saba giá 19.900 đồng giảm còn 16.900 đồng, phi-lê cá hồi từ 85 nghìn đồng giảm còn 62.900 đồng. Nhiều mặt hàng tiêu dùng đồng giá 19.900 đồng, mua một được hai... rất hấp dẫn. Tính ra, tôi tiết kiệm được gần 30% chi phí khi nhiều mặt hàng tăng giá như lúc này”. Đại diện siêu thị Emart Lê Hữu Tình cho biết, vì nhiều lý do, trong đó có giá nguyên vật liệu tăng cao mà hiện vẫn chưa thấy nhà cung cấp nào giảm giá bán, dù giá xăng giảm liên tiếp nhiều lần vừa qua. “Trong bối cảnh vật giá leo thang, người tiêu dùng ngày càng khó khăn hơn trong việc tìm kiếm các sản phẩm tươi ngon, chất lượng.

Do đó, siêu thị triển khai chương trình giảm giá lớn với hơn 200 sản phẩm tươi sống. Chủ yếu là siêu thị tự đầu tư ngân sách để chạy chương trình khuyến mãi giảm giá cho khách hàng trong giai đoạn này”, ông Tình bộc bạch. Tại hệ thống siêu thị GO!, Big C của Central Retail, khi khách đến mua sắm trước 10 giờ mỗi ngày sẽ được giảm ngay 10% giá các mặt hàng trong chương trình “Chợ sớm giảm sung”. Tương tự, tại hệ thống Co.opmart, Satra, AEON Mart, MM Mega Market... cũng triển khai giảm giá từ 30% đến 60% dưới hình thức khuyến mãi cho các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (FFA) Trương Tiến Dũng nhìn nhận, giá hàng hóa leo thang vừa qua có phần tác động bởi giá xăng dầu. Tuy nhiên, xăng, dầu chỉ là một yếu tố đầu vào trong khi doanh nghiệp FFA đang đối mặt với nhiều sức ép từ giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng cao; tiền nhân công, điện nước, chi phí vận chuyển logistics... vẫn chưa có dấu hiệu giảm giá. Nhiều doanh nghiệp FFA tham gia chương trình bình ổn của Thành phố Hồ Chí Minh cho nên việc điều chỉnh tăng giá là cả vấn đề.

Theo ông Dũng, giá xăng giảm liên tiếp bốn lần vừa qua giúp doanh nghiệp “dễ thở” hơn. Tuy nhiên, để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có thể kéo giá tiêu dùng xuống thì ông cho rằng cần có thời gian, độ trễ. “Tôi kỳ vọng từ nay đến cuối năm, hàng hóa trong lĩnh vực tiêu dùng được kiểm soát, một số mặt hàng vòng đời ngắn như con giống, vật nuôi khi đưa ra thị trường giá cả sẽ trở lại bình ổn. Còn nếu điều chỉnh giảm giá hàng hóa trong giai đoạn hiện nay thì cần có nhiều giải pháp và chính sách đồng bộ, quyết liệt hơn nữa về cơ chế điều tiết giá trên thị trường”, ông Dũng nói.

Đại diện Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, giá mặt hàng bình ổn bán ra trong thời gian qua tăng không nhiều, thậm chí không tăng. Do đó, những mặt hàng này không giảm theo mức giảm giá xăng. Ngoài ra, giá xăng dầu chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng cơ cấu giá thành của nhiều thực phẩm, trong khi đó nguồn nguyên liệu chiếm phần nhiều chi phí thì giá lại tăng. Vì vậy, cần có phương án giảm giá nguyên vật liệu mới giúp giá bán thực phẩm giảm nhiều.