Chấn chỉnh việc găm giá bất hợp lý

Được kỳ vọng giảm theo khi giá xăng từng bước giảm, nhưng giá hàng hóa nói chung vẫn có dấu hiệu chuyển mình chậm chạp. Điều này được nhận định đã và đang tiếp tục gây ảnh hưởng không tốt lên đời sống người dân, nhất là công nhân, người lao động phổ thông, người nghèo…
0:00 / 0:00
0:00

Các ngành chức năng đang nêu cao mục tiêu thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, rà soát, kiểm tra giá cả hàng hóa, dịch vụ, chống việc găm giá bất hợp lý gây bất lợi cho người tiêu dùng.

Trong quá trình đấu tranh, chấn chỉnh đối với các hiện tượng như trên và tìm các phương án khắc phục, rất cần có những cái nhìn mang tính bao quát, lâu dài để nhận ra những điểm nổi bật, phổ biến của những đợt tăng, những hiện tượng tăng giá hàng hóa, dịch vụ trong xã hội. Có thể nhận thấy, việc tăng giá hàng hóa thường “bám” theo các đợt tăng giá nhiên liệu, nguyên vật liệu thiết yếu sử dụng trong lao động sản xuất, giao thông; nhiều khi “nhân dịp” Tết cổ truyền và quãng thời gian sau Tết để tăng giá dịch vụ… Cũng có những hiện tượng tăng giá cục bộ trong phạm vi một số lĩnh vực, địa bàn do những tác động của thời tiết, địa hình, khoảng cách… Nhìn chung, hiện tượng tăng giá hàng hóa do những tác động của nhiều yếu tố không phải hiếm, nhưng có tình trạng đáng suy ngẫm, là có những trường hợp giá tăng nhưng không chịu giảm hoặc giảm chậm, khi mà các điều kiện làm cho mức giá đó cao lên sau đó đã giảm xuống rồi. Thực trạng này còn cần được nhìn nhận từ khía cạnh đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp. Qua đó nhận ra những hạn chế, và cả tiêu cực có thể có trong quan điểm kinh doanh; tôn chỉ, mục đích của doanh nghiệp; trong phương pháp kinh doanh, quan hệ với cộng đồng của một số cá nhân, đơn vị tham gia vào chuỗi dịch vụ sản xuất, phân phối, cung ứng hàng hóa cho xã hội.

Nhận rõ những nguyên nhân của việc tăng giá, chậm giảm giá do những tác động đặc thù của thị trường; do hạn chế trong đạo đức, văn hóa; do cả những yếu tố mang tính thời điểm…, các cơ quan chức năng có thể có thêm nhiều biện pháp kiểm tra, ứng phó, xử lý chặt chẽ hơn đối với những cá nhân, tổ chức lợi dụng tình hình giá cao để trục lợi. Cũng như, có thêm các hình thức kết nối với người tiêu dùng nhằm làm rõ những hành vi, chiêu trò giữ giá, găm giá, ép giá với khách hàng. Hoặc khảo sát, so sánh để công khai những đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân tổ chức dịch vụ tránh né, chậm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan chức năng, giúp người tiêu dùng thêm điều kiện so sánh và lựa chọn khi sử dụng dịch vụ… Bên cạnh các hình thức xử lý, xử phạt theo quy định thì sự suy giảm uy tín, thương hiệu trong mắt người tiêu dùng cũng là hậu quả phải gánh chịu với những ai tiếp tục cố tình lợi dụng khó khăn chung để trục lợi.

Những phương thức đó, cũng như sự vào cuộc quyết liệt và mạnh mẽ trong thời điểm hiện tại của các cơ quan chức năng là rất cần thiết, nhằm tránh để kéo dài tình trạng thiệt thòi của người tiêu dùng nói chung khi rất kỳ vọng vào việc giảm giá trên diện rộng nhưng vẫn phải chịu tốn kém một cách bất hợp lý, gây ảnh hưởng không tốt tới tác dụng của chính sách đúng đắn và những nỗ lực chung trong việc kìm chế giá cả tăng cao bất thường.