Chạm đến trữ lượng yêu thương

“Quyền được sống” là tập tạp văn của nhà văn Bích Ngân, được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành những ngày đầu năm 2022. 

Chạm đến trữ lượng yêu thương

Toàn bộ tác phẩm trong tập sách được viết vào giai đoạn dịch Covid-19 phức tạp tại TP Hồ Chí Minh. Giữa những con đường vắng lặng, giữa những hàng dây giăng và tiếng còi cấp cứu vọng vang, thì câu chữ của chị được dệt nên như mệnh lệnh từ trái tim. 

Với trái tim rung cảm trước mọi hiện hữu diễn ra quanh mình, nơi mình đang sống, tác động đến mình, đến những người thân yêu, chị nắn nót ghi lại, ngõ hầu khơi dậy những điều tích cực để xua tan đi buồn đau u ám. Như chính chị nói trong tập sách, câu chữ của một người cầm bút giữa thời khắc trĩu nặng sẽ luôn là tín hiệu từ trái tim nơi mỗi người, vẫn là trang viết và hãy viết. 

Với hơn 40 tạp văn, 11 bài thơ và 5 truyện ngắn trong “Quyền được sống”, nhà văn khắc họa rõ nét tiếng lòng của một người con thành phố sống trong thời điểm dịch đi từ râm ran, đến giãn cách và tháng ngày phong tỏa căng thẳng. Với chị, câu chữ như một liều vaccine tinh thần, dẫu thời điểm đó, phần lớn mọi giao tiếp, đọc viết đều thể hiện trên các mạng xã hội. Tuy nhiên, không vì thế mà sự lan tỏa kém đi. Hơn lúc nào hết, từ tâm dịch, người ta biết sống chậm, lắng nghe bản thân và nuôi nấng những thiện lành cho ngày luôn xanh những hy vọng. 

Như trong bài viết “Lao vào tâm bão sẽ gặp bình yên” chị mang đến cho độc giả câu chuyện của người bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch vẫn luôn lạc quan, vững vàng trong cuộc chiến sống còn. TS, bác sĩ Ngô Quốc Hưng trong một lần trao đổi với nhà văn Bích Ngân về tình hình dịch vào tháng 7/2021, dù là nửa đêm và luôn căng thẳng với các ca nhiễm từ bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức nhưng luôn hướng tầm nhìn về những mảng xanh nơi bệnh viện, sự vươn lên của cây cỏ như chính mong ước của con người chúng ta lúc nguy nan: muốn sống. Khát khao ấy lớn hơn cả nỗi lo sợ dịch bệnh. Bình yên chẳng đâu xa, bình yên là từ trong bão dông của cuộc đời, của phận mình, người ta vẫn luôn trân quý sự sống. Chỉ là một bài ghi chép lại cuộc trao đổi, nhưng nhà văn Bích Ngân đã thắp lên một cơn gió mát tắm tưới những tháng ngày cằn cỗi. 

Tập tạp văn còn ghi lại rất nhiều câu chuyện lấp lánh thứ ánh sáng diệu kỳ được dệt nên bằng tình người với nhau, bằng nghĩa đồng bào máu mủ ruột rà như câu chuyện các bạn văn chương từ Hà Nội chung tay cùng Ban văn nữ của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh chuyển hàng tấn gạo cứu trợ cho người nghèo, người yếu thế trong cơn nguy ngập. Hoặc như câu chuyện nhà văn trò chuyện bằng thư tay với đứa cháu những ngày dịch dã, đem đến cho bạn đọc một cách nhìn hoài niệm đầy ấm áp. 

Giữa rất nhiều cuốn sách phát hành sau cơn dịch, cũng kể về những câu chuyện mùa dịch, nhưng “Quyền được sống” lại nồng thắm những yêu, dạt dào những thương và xanh lành những tin. Tin vào những bình an sau cơn nguy nan. Tin như chính nhà văn đã tin những câu chữ luôn sẽ chạm đến trái tim, chạm đến niềm trắc ẩn, chạm đến trữ lượng yêu thương mà mỗi người ít nhiều đều gìn giữ nó, nâng niu nó và khi cần, sẻ chia nó.