Cuối những năm 80, nghệ thuật biểu diễn lâm vào thời kỳ khó khăn trước sự tác động mạnh mẽ của các phương tiện thông tin đại chúng hiện đại và sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ giải trí. Theo một số nghệ sĩ, nhà nghiên cứu sân khấu, thì nơi mở đầu cho "phong trào" sáp nhập này là Thái Nguyên, rồi tiếp đến là Quảng Ninh, Thái Bình... Lắng đi một thời gian, sau những ồn ào tại thời điểm sáp nhập, không thấy ai nhắc đến câu chuyện đó nữa. Nhưng gần đây, khi chủ trương xã hội hóa các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước được thực hiện, một số địa phương lại "rục rịch" bàn đến chuyện ghép đoàn, như một giải pháp xã hội hóa.
Khơi lại "chuyện xưa", để hiểu phần nào những hay- dở trong một cách làm, chúng tôi tìm về Thái Bình, ghi lại thực trạng và lắng nghe những lời tâm sự chân thành của các nghệ sĩ Ðoàn ca - múa - kịch Thái Bình.
Vì "trộn tấm với cám"...
Với Thái Bình, chuyện sáp nhập các đoàn nghệ thuật lại có khởi nguồn, một phần, từ chính sự hình thành của hai đoàn nghệ thuật ca múa và kịch. Năm 1967, tỉnh Thái Bình thành lập đội ca múa nhạc xung kích để đi biểu diễn phục vụ chiến trường. Ðến năm 1971, lập thêm đội kịch, tuyển chọn một số bạn trẻ có năng khiếu, mời các chuyên gia, nghệ sĩ có tiếng về giảng dạy, luyện tập và dựng vở. Ðến năm 1978, đội kịch được tách riêng thành Ðoàn kịch Thái Bình. Chính vì thế, đến năm 1997, khi thấy nghệ thuật biểu diễn gặp nhiều khó khăn, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã quyết định sáp nhập hai đoàn ca múa và kịch thành Ðoàn ca-múa-kịch Thái Bình, trong nhiều lý do, có người cho rằng, làm như thế là giúp cho hai đoàn "mạnh" lên, vì gộp lực lượng, và thực chất cũng chỉ là "đưa về vị trí cũ", vì vốn trước đây hai đoàn là một.
Từ đó đến nay, tỉnh có ba đoàn nghệ thuật: Ðoàn chèo Thái Bình (nay là Nhà hát chèo Thái Bình), Ðoàn ca múa kịch Thái Bình và Ðoàn cải lương Thái Bình. Với Ðoàn ca múa kịch Thái Bình, tuy sáp nhập thành một đơn vị, nhưng trong đoàn vẫn tồn tại hai đội: đội kịch và đội ca múa. Có khác chăng chỉ là bộ máy hành chính bớt đi, và kinh phí đầu tư cho hai đoàn, nay rút xuống còn một nửa. Có thể, về góc độ quản lý nhà nước, như thế là đã thu gọn được bộ máy, và giảm bớt chi phí đầu tư. Nhưng, hiệu quả thật sự của cách làm này có được như mong muốn?
Ngay tại thời điểm có quyết định sáp nhập hai đoàn nghệ thuật, nhiều nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, nhất là những người trong giới sân khấu đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ, gọi đó là một cuộc "ép duyên" nghệ thuật, là "trộn tấm với cám" khi đưa hai loại hình nghệ thuật hầu như chẳng có mối liên hệ nào với nhau vào chung một "rọ" như vậy.
... nên "gieo vừng ra ngô"
Lần ngược lại lịch sử, đội kịch Thái Bình ra đời năm 1971, ban đầu chỉ có thể dựng những vở, trích đoạn kịch ngắn. Sau một thời gian, "đủ lông đủ cánh", đến năm 1978, khi đã công diễn được những vở kịch dài (như vở Một người mẹ của nhà viết kịch Ðào Hồng Cẩm - vở diễn vẫn tiếp tục được công diễn hàng chục năm), kịch Thái Bình "ra ở riêng" và bắt đầu khẳng định vị trí của một đơn vị kịch nói mạnh trên miền bắc với hàng loạt vở diễn gây được tiếng vang, giành nhiều giải thưởng lớn của quốc gia và hội nghề nghiệp, như Vỡ mộng thiên đường, Cành ngọc lan trong bão, Nhân danh công lý, Ðôi dòng sữa mẹ, Người không cô đơn, Ðánh mất mùa xuân (HCB Hội diễn sân khấu toàn quốc 1990), Trở lại kiếp người (HCB Hội diễn SK toàn quốc 1995, giải thưởng của Hội Nghệ sĩ SK VN), Ðã một lần (HCV HD SK các tỉnh duyên hải 1994), Chí Phèo (HCV HD SK toàn quốc 2000)... Riêng vở diễn Người không cô đơn đã được trao HCV HD SK các tỉnh duyên hải 1993, giải thưởng Hội NSSK VN, giải thưởng của Bộ Quốc phòng về đề tài chiến tranh và LLVT cách mạng, và chính vở diễn đã khơi dậy ý tưởng thành lập Quỹ đền ơn đáp nghĩa dành cho các đối tượng chính sách trên cả nước.
Ðến trước thời điểm sáp nhập, kịch Thái Bình có biên chế 25 cán bộ, nghệ sĩ, trong đó có một NSƯT và nhiều nghệ sĩ vững về nghề, tâm huyết và sung sức. Sau khi đoàn ca múa kịch Thái Bình được tái lập, đoàn đã giành được một thắng lợi "kép", khi đội ca múa được trao HCV tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1999, và đội kịch giành HCV tại Hội diễn SK kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2000. Nhưng theo NSƯT Huy Tầm, trưởng đoàn, thì vở diễn Chí Phèo của đoàn đã được dựng từ năm 1997, trước thời điểm sáp nhập mấy tháng. Ðến khi đăng ký tham dự hội diễn, đoàn chỉ đem ra "chuốt" lại thôi. Và đó cũng là những gắng gỏi cuối cùng của "con thiên nga". Dù đã cố gắng hết mình, nhưng những nghệ sĩ đội kịch Thái Bình cũng chỉ có thể đem "trình làng" những vở diễn nhạt nhòa, thiếu sức sáng tạo và nhất là thiếu hơi thở cuộc sống.
Không nói, nhưng ai cũng nhận thấy, kịch Thái Bình đang già đi. Những nghệ sĩ lớp trước dường như không còn nhiều niềm hứng khởi trên sàn diễn, trong khi, lớp trẻ kế cận lại gần như hoàn toàn vắng bóng. Hiện tại, tuổi đời trung bình của đoàn ca múa kịch Thái Bình là khoảng trên 40, con số đó, nếu tính riêng cho đội kịch, thì còn cao hơn. Ðội ngũ như vậy, làm sao có thể mang lại sức thanh xuân cho sàn diễn.
Từ khi sáp nhập, với kinh phí đầu tư chỉ còn một nửa, các nghệ sĩ lãnh đạo đoàn ca múa kịch Thái Bình luôn phải cân đối ngân sách để có thể đầu tư đồng đều cho cả hai loại hình. Nghĩa là, nếu năm nay đội kịch dựng vở mới, thì phải đến sang năm, đội ca múa mới được dựng chương trình. Cũng như vậy, nếu tối nào đội kịch có lịch diễn, thì ca múa phải ở nhà, vì không có đủ phương tiện để chuyên chở diễn viên và đạo cụ. Nhưng thường thì ca múa nhận được nhiều lời mời hơn, do thị hiếu khán giả Thái Bình thích xem ca múa. Mỗi năm, đội ca múa diễn hàng trăm buổi, trong khi, đội kịch giỏi lắm cũng chỉ được vài ba chục đêm diễn. Nhưng, ngay cả các chương trình ca múa cũng hầu hết đều diễn theo hợp đồng, chứ nếu nói đến chuyện bán vé doanh thu thì cả diễn viên và lãnh đạo đoàn đều lắc đầu, "khó lắm"... Nếu dựng vở lớn, diễn viên ca múa có thể vào các vai quần chúng, còn diễn viên kịch, nếu làm chương trình ca múa, thì chỉ biết... ngồi xem. Thường thì, ngay cả những diễn viên gạo cội của đoàn như Thanh Bảy (HCV HD SK 2000) cũng chỉ ngồi nhà tự ôn lại các vở cũ, để đến khi có hợp đồng thì có thể đi diễn được ngay. Thu nhập, vì thế cũng có sự chênh lệch đáng kể giữa hai đội.
Trụ sở của đoàn hiện là một dãy nhà hai tầng dột nát, được xây dựng từ năm 1972, đã xuống cấp trầm trọng. Dãy nhà này đã được các cơ quan chức năng giám định là quá cũ nát, có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng. Tỉnh đã đồng ý về mặt chủ trương cho đoàn xây dựng lại cơ sở vật chất, nhưng dự án được khởi động từ năm 2003, đến nay vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong khi chờ đợi, đoàn cứ phải quan sát thấy chỗ nào có khả năng rơi, sập thì tìm cách chống đỡ, sửa chữa dần. Ngay đến địa điểm tập cho diễn viên, cũng là vấn đề nan giải. Cả đoàn có một phòng họp chung, lúc nào muốn tập vở thì dẹp hết bàn ghế lại để lấy chỗ. Ðến khi ca múa cần, thì đội kịch phải nghỉ, vì âm nhạc, tiếng ồn...
Mỗi lần duyệt vở, đoàn lại phải đi mượn điểm diễn, thường là ra rạp Vĩnh Trà của Nhà văn hóa Trung tâm, tuy địa điểm cũ, hẹp, không có máy lạnh, nhưng kinh phí không quá đắt. Nếu ra nhà hát công đoàn, sang trọng, rộng rãi, mát mẻ, thì giá thuê lại quá cao.
Sau những câu chuyện không mấy hào hứng về cơm, áo, gạo, tiền, NSƯT Huy Tầm giới thiệu: đoàn vừa dàn dựng xong một chương trình mới. Ðây là lần đầu tiên sau chín năm sáp nhập, đoàn làm một chương trình ca múa kịch tổng hợp. Nói về cái mới mà giọng anh cũng không biểu lộ niềm vui.
Tôi cũng đã gặp những băn khoăn, nuối tiếc trong những lời tâm sự của nghệ sĩ Thanh Bảy: tôi là một trong những nghệ sĩ được tuyển chọn về đoàn ngay từ thời gian đầu. Khi đoàn kịch được tách riêng rakhỏi đoàn ca múa là bắt đầu thời kỳ phát triển mạnh. Ðến khi có chủ trương sáp nhập, chúng tôi hiểu là đã chung thì phải san sẻ. Tâm lý diễn viên đều không vui, vì biết đây là hai bộ môn không liên kết được với nhau, nhập vào sẽ khó khăn. Bây giờ đoàn dựng tiểu phẩm, đạo diễn vất vả, mà diễn viên cũng bị hạn chế. Nhưng diễn vở dài thì không mấy người xem.
Và những câu chuyện nhỏ quanh một chủ trương lớn
Bây giờ, các nghệ sĩ của đoàn ca múa kịch Thái Bình dường như không còn day dứt nhiều về câu chuyện tách - nhập năm xưa nữa. Mối bận tâm hiện thời của họ là vấn đề xã hội hóa các đoàn nghệ thuật, đã được tỉnh xới lên từ năm 2002, và đang được đặt ra quyết liệt, với trọng tâm trước mắt là hai đoàn nghệ thuật: ca múa kịch và cải lương. Cũng chính vì điều này, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý diễn viên trong đoàn, và tác động đến công tác tuyển chọn đội ngũ diễn viên trẻ. Nhiều nghệ sĩ đã tìm cách chuyển đi những vị trí công tác khác, trong khi các bạn trẻ thì cảm thấy bấp bênh về tương lai nên không muốn "đầu quân" cho đoàn. Tâm lý các diễn viên đều trong trạng thái chờ đợi vào sự sắp xếp của lãnh đạo. Vốn đã quen với nếp sinh hoạt được bao cấp, họ lo lắng và ngần ngại về tương lai, nên không mấy hào hứng trước những sửa đổi với mong muốn thúc đẩy tính cạnh tranh trong lao động nghệ thuật của ban lãnh đạo đoàn. Ðiểm này, có lẽ không riêng ở Thái Bình, mà nhìn chung, các đoàn nghệ thuật công lập hiện nay đều mắc phải. Ðó cũng chính là một trong những khó khăn lớn nhất của các đoàn nghệ thuật nhà nước khi tiến hành xã hội hóa.
Ðoàn ca múa kịch Thái Bình đang xây dựng đề án xã hội hóa, đưa đoàn ra ngoài công lập, với chặng đường đến năm 2010, nhưng NSƯT Huy Tầm cho rằng: nếu đầu tư tốt, đầy đủ trụ sở, nhà tập, điểm kinh doanh dịch vụ liên quan và giải quyết thỏa đáng chế độ cho một số anh em, thì chúng tôi có thể ra ngoài công lập ngay từ 2007. Nếu chưa làm được như vậy, cần xây dựng bước đi thích hợp, có thể là cắt giảm từng bước chi phí về dựng vở, bảo hiểm. Và cần tính toán, sắp xếp việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, khi mà đoàn đã ra ngoài công lập, với tiêu chí quan trọng nhất là đáp ứng doanh thu. Nếu thấy không thể đầu tư được, mà sức chúng tôi cũng không vùng vẫy được, thì nên giải thể.
Cho đến bây giờ, kịch Thái Bình vẫn được nhiều nhà nghiên cứu nhắc đến như một thí dụ không vui về hậu quả của cách làm thiếu khoa học. Một số ý kiến còn cho rằng, trong tiến trình xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật biểu diễn, Nhà nước không chỉ xây dựng củng cố các đơn vị nghệ thuật truyền thống, mà nên giữ lại một số đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp địa phương có bản sắc và bề dày thành tích, như kịch Thái Bình. Ngay các cơ quan ngành dọc của Bộ Văn hóa - Thông tin cũng bày tỏ thái độ không đồng tình với cách làm có phần khiên cưỡng này, nhưng họ cũng chỉ có thể tham gia góp ý kiến, vì số phận các đơn vị nghệ thuật địa phương là do chính các địa phương quyết định.