Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo qua mạng

Nhiều ngày qua, Bảo hiểm xã hội huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp nhận được thông tin phản ánh từ người dân về tình trạng giả danh nhân viên bảo hiểm xã hội, giả mạo thông tin của cơ quan này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó có trường hợp của chị T.
0:00 / 0:00
0:00

Trong quá trình truy cập Facebook, chị T. thấy xuất hiện trang fanpage của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đăng kèm các dòng “quảng cáo” như: Cung cấp dịch vụ giải ngân trước hạn; làm lại sổ bảo hiểm xã hội; hỗ trợ giải ngân hồ sơ quá hạn;… Do đang trong thời kỳ nghỉ thai sản, có nhu cầu tìm hiểu chính sách bảo hiểm cho nên chị T. nhấp chuột vào mục “Gửi tin nhắn”. Ngay lập tức, chị nhận hồi âm từ “nhân viên ảo” mạo danh cơ quan bảo hiểm xã hội hướng dẫn các bước để được thanh toán chế độ nghỉ thai sản là 17.706.000 đồng.

“Nhân viên ảo” này cũng yêu cầu chị T. chuyển “lệ phí” lên tới 4,1 triệu đồng thành nhiều đợt nếu muốn nhận tiền. Thậm chí, đối tượng còn chuyển cho chị danh sách chi tiền có đóng dấu đỏ để “làm tin”. Không nghi ngờ, chị T. chuyển lần một vào tài khoản cá nhân của “nhân viên ảo” này 820.000 đồng. Sau khi nhận tiền, đối tượng tiếp tục yêu cầu chuyển thêm các lần khác cho đủ 4,1 triệu đồng. Lúc này mới nghi ngờ, chị T. đến cơ quan bảo hiểm xã hội trình bày thì biết mình bị lừa. Các tài khoản, thông tin trước đó chị nhắn tin, giao dịch cũng đã được “nhân viên ảo” nọ xóa sạch.

Thời gian qua, hành vi lợi dụng không gian mạng để lừa đảo như trường hợp của chị T. không phải hiếm. Theo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, với sự bùng nổ của mạng xã hội, các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi như: Sử dụng mạng xã hội để kết bạn, thông báo gửi quà, giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuế... yêu cầu người bị hại nộp tiền cước vận chuyển, thuế, phí, tiền phạt... vào tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định rồi chiếm đoạt; tạo lập các website, sàn giao dịch, ứng dụng kiếm tiền, sử dụng “mồi nhử” là các khoản lợi nhuận cao để kêu gọi, lôi kéo đầu tư kinh doanh tiền ảo,... Các đối tượng lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật để hoạt động phạm tội, gây thiệt hại nặng nề cho nhiều người dân, doanh nghiệp.

Theo thống kê, từ ngày 25/5/2021 đến 24/5/2022, trên địa bàn thành phố xảy ra 364 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Ở phạm vi cả nước, Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát an ninh mạng, Ban Cơ yếu Chính phủ, cho biết, năm 2021, trung tâm phát hiện 811.902 nguy cơ tấn công mạng, tăng 5,5% so năm 2020; trong đó có 757.064 là tấn công mạng khai thác lỗ hổng bảo mật nhắm vào các hệ thống cổng thông tin điện tử, hệ thống chỉ đạo điều hành tác nghiệp. Đáng chú ý, có 19.091 lượt tấn công liên quan mã độc được phát hiện với nhiều hình thức phức tạp, tinh vi.

Thực tế cho thấy, ở nhiều lĩnh vực trong đời sống, kẻ gian đều tìm cách lợi dụng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, nhất là đối với những người hạn chế về công nghệ, nhẹ dạ cả tin. Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác khi sử dụng mạng xã hội. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ... cho người lạ, nhất là không chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng đáng nghi chỉ định. Khi mua hàng qua mạng, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về nhà cung cấp, đơn vị thanh toán; thực hiện việc kiểm tra bảo mật các ứng dụng số trên thiết bị công nghệ; không chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội; không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan cho người khác…