Cánh cửa hy vọng

Những cánh cửa mới đã mở ra trong nhiều lĩnh vực, từ chính trị đến y tế, giáo dục, tài chính… cho thấy hợp tác và phát triển là xu thế của thế giới tuần qua.
0:00 / 0:00
0:00
WB giải ngân 49,8 tỷ USD giúp khu vực Mỹ latin và Caribbe đối phó tác động của đại dịch.
WB giải ngân 49,8 tỷ USD giúp khu vực Mỹ latin và Caribbe đối phó tác động của đại dịch.
  • Bộ Ngoại giao Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) khẳng định: Đại sứ Saif Mohammed al-Zaabi sẽ nối lại các nhiệm vụ của ông ở Đại sứ quán UAE tại Cộng hòa Hồi giáo Iran, để đóng góp vào tiến trình tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương, sau sáu năm gián đoạn. Năm 2016, Abu Dhabi đã hạ cấp quan hệ với Tehran nhằm bày tỏ tình đoàn kết với Saudi Arabia, sau khi những người biểu tình Iran tấn công trụ sở của các phái bộ ngoại giao Saudi Arabia vì vụ Riyadh xử tử Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi’ite Nimr al-Nimr. Các quốc gia Arab vùng Vịnh khác, trong đó có Kuwait, đã thực hiện những bước đi tương tự. Hồi đầu tháng 8, Iran thông báo Kuwait đã cử đại sứ đầu tiên của nước này tới Tehran kể từ năm 2016. Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao UAE và Iran đã điện đàm để thảo luận về giải pháp tăng cường quan hệ song phương. UAE kêu gọi các quốc gia Arab vùng Vịnh tham gia "chính sách ngoại giao tập thể" nhằm đạt được thỏa thuận với Tehran.
  • Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, kể từ khi Covid-19 bùng phát, tổ chức này đã giải ngân khoản hỗ trợ kỷ lục 49,8 tỷ USD để giúp khu vực Mỹ latin và Caribbe đối phó các tác động y tế, kinh tế và xã hội do đại dịch gây ra, cũng như tình trạng lạm phát leo thang và mất an ninh lương thực. Riêng trong năm tài khóa vừa qua kết thúc vào ngày 30/6, WB đã giải ngân khoảng 20,7 tỷ USD cho khu vực này. Với hơn 55,7 triệu ca mắc và gần 1,5 triệu trường hợp tử vong trong hai năm bùng phát đại dịch, Mỹ latin là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất về y tế và kinh tế. Trong năm nay, nguồn hỗ trợ của WB cho khu vực tập trung vào bảo trợ xã hội, mua và phân phối vaccine ngừa Covid-19, tăng cường hệ thống y tế, củng cố bền vững tài khóa.
  • Các nhà nghiên cứu thuộc Trường đại học Monash (Australia) đã trở thành đơn vị tiên phong toàn cầu về phát triển chương trình sàng lọc ADN nhằm phát hiện sớm các đột biến gen có khả năng chuyển thành tế bào ung thư, giúp ngăn chặn nguy cơ phát hiện bệnh khi đã quá muộn. Chương trình đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng với 10.000 người tham gia, ở độ tuổi từ 18-40. Sau khi các nhà khoa học tiến hành xét nghiệm sàng lọc, những người được coi là có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư sẽ được tư vấn làm các xét nghiệm chuyên sâu tiếp theo, trong đó có sinh thiết tế bào để kịp thời ngăn chặn bệnh phát triển. Tiến sĩ Jane Tiller, đồng lãnh đạo chương trình sàng lọc ADN của Trường đại học Monash, bày tỏ hy vọng đây sẽ là cơ hội giúp những người trẻ tuổi ở Australia phòng tránh căn bệnh được coi là "vô phương cứu chữa". Nếu thành công, phương pháp này có thể cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận xét nghiệm di truyền trên quy mô lớn, và cứu sống nhiều người mắc bệnh ung thư trong tương lai.
  • Cánh cửa hy vọng ảnh 1
    Philippines mở cửa trường học sau hai năm
  • Sau hơn hai năm, hàng triệu trẻ em ở Philippines đã trở lại trường học trong ngày bắt đầu năm học mới 22/8. Với nhiều học sinh, đây là lần đầu tiên các em được đến lớp, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại quốc gia này. Philippines là một trong những quốc gia cuối cùng trên thế giới mở cửa trường học theo hình thức học trực tiếp và toàn thời gian, trong bối cảnh có nhiều ý kiến cảnh báo việc đóng cửa trường học trong thời gian quá dài đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giáo dục ở nước này. Để chuẩn bị mở cửa trở lại các trường học, Chính phủ Philippines đã tăng cường mở rộng tiêm chủng ngừa Covid-19, đồng thời cung cấp phương tiện giao thông công cộng miễn phí cho học sinh đến cuối năm 2022. Chính phủ Philippines cũng trao các khoản hỗ trợ tài chính cho học sinh và phụ huynh đang gặp khó khăn trong việc trang trải chi phí giáo dục.