Cảnh báo từ những cái chết ở một lễ hội âm nhạc

NDO -

NDĐT – Có lẽ với nhiều người, việc 7 người trẻ tử vong trong một lễ hội âm nhạc tại Công viên nước Hồ Tây vừa qua cho đến giờ vẫn là “cú sốc”. Có bố mẹ nào tin, con mình đi dự một lễ hội âm nhạc dành cho giới trẻ, được tổ chức đàng hoàng ngay tại một địa chỉ văn hóa của thủ đô, lại có thể ra về từ nhà xác bệnh viện?

Cảnh báo từ những cái chết ở một lễ hội âm nhạc

Tại cuộc họp báo được tổ chức ngay ngày hôm sau, các cơ quan chức năng liên quan gồm Sở Văn hóa – Thể thao, công an, đại diện chính quyền quận Tây Hồ (Hà Nội) và đơn vị quản lý Công viên nước Hồ Tây được các phóng viên dồn dập hỏi về trách nhiệm trong vụ việc đáng tiếc này. Tuy nhiên tất cả các câu hỏi đều không được trả lời thỏa mãn. Nhưng theo cơ quan quản lý, thì chương trình lễ hội được cấp phép theo đúng quy định, và đơn vị tổ chức sự kiện này cũng từng tổ chức nhiều chương trình âm nhạc điện tử lớn và thu hút giới trẻ khác. Họ cũng chưa từng bị vi phạm gì trước đó.

Trách nhiệm thuộc về ai, rồi sẽ được cơ quan điều tra đưa ra kết luận và sẽ có những xử lý về mặt pháp luật. Nhưng đối với những bậc làm cha làm mẹ, vụ việc này mang đến một câu hỏi đau lòng: Chuyện gì đã xảy ra với những đứa trẻ?

Hằng ngày, chúng ta đi làm từ sáng tới khuya. Chúng ta chỉ có thể bao bọc, quản lý con cái khi chúng còn nhỏ. Đến tuổi vị thành niên – nghĩa là những đứa trẻ đã ở độ tuổi học sinh trung học, hay đã là sinh viên đại học – với nhiều gia đình ở đô thị, chúng ta không còn can dự quá sâu với cuộc sống sinh hoạt của con cái nữa. Có những đứa trẻ rất sớm tự lập, tự tin, và vì thế, chúng ta cũng “tự tin” thả con ra ngoài đời sống xã hội mà nào đâu lường hết, ngoài kia đang đầy rẫy những bất an, nguy hiểm? Ít bậc cha mẹ nào có đủ thời gian để biết hết được, con cái chúng ta mỗi ngày đang đối mặt với những rình rập hiểm nguy nào.

Bảy đứa trẻ bị chết trong lúc đi nghe nhạc và một số khác đang còn nguy kịch trong bệnh viện, được cơ quan điều tra đưa ra kết luận ban đầu là “do sốc thuốc”. Cái cụm từ “do sốc thuốc” này khiến tôi phải tìm hiểu thêm về các dạng thức ma túy hiện nay có thể đang là ẩn họa với con cái chúng ta. Với vốn hiểu biết của một kẻ “ngoại đạo”, trước nay tôi cứ ngỡ ma túy là heroin và chỉ có thể tiêm chính, hút hít gì đó mới là gây nghiện. Không thể ngờ, có tới hàng trăm loại ma túy, từ cocain, crack, các loại ma túy đá, ma túy gây ảo giác, thuốc lắc, cỏ Mỹ, chất thức thần, có loại là “bụi thiên thần”. Chúng xâm nhập, lưu hành, tiếp cận giới trẻ dưới nhiều hình thức, có khi như một viên kẹo nhỏ xanh đỏ xinh đẹp, có khi như một lọ thuốc bổ “phi la tốp”. Tác dụng của những loại ma túy này cũng hết sức phong phú, có loại khiến người ta tin rằng, chỉ gây hưng phấn, “vui vẻ” một lúc và vô hại. Những viên ma túy nhỏ xinh vị dâu, vị dưa ấy, có thể được bán ngay cổng trường học, và có thể mua nó “dễ như mua một viên kẹo”…

Hỏi thêm một số người bạn làm trong ngành công an, tôi mới được biết thêm, trái với “tuyên truyền” của những kẻ buôn bán trái phép này là những dạng ma túy tổng hợp này không gây nghiện, thực tế ai đã “dính” vào đều sẽ bị nghiện, thậm chí còn gây ảo giác kinh khủng và nguy hiểm gấp nhiều lần ma túy truyền thống. 100% người trẻ tiếp xúc với ma túy dạng này hay dạng khác, đều đi đến kết cục bi thảm. “Đã dính vào, coi như cuộc đời bỏ đi, rất ít kẻ thoát ra được”- đó là lời một người bạn từng đi bắt nghiện nói với tôi.

Hằng ngày, đọc tin tức về các vụ bắt giữ vận chuyển, phá các tụ điểm ma túy, nhiều người cứ đinh ninh rằng, hiểm họa ấy vẫn ở xa chúng ta. Nhiều bậc phụ huynh khi được công an thông báo con họ có trong danh sách “bị hốt’ ở một đám dân chơi nào đó, mới giật mình ngã ngửa. Nhiều bố mẹ cho đến lúc đó vẫn quả quyết, con mình là một đứa trẻ ngoan, đi học đúng giờ rồi về nhà, làm sao có thể… Nếu biết hết được rằng, hiểm họa ma túy thực ra rất gần, hiện hữu ngay trước mắt những đứa trẻ của chúng ta. Chỉ một lần lỡ bước là có thể đưa một đứa con ngoan hiền trở thành một kẻ vô dụng, thậm chí một ngày chết “lãng xẹt” như chết từ một lần đi nghe nhạc vừa qua.

Có tuổi trẻ nào mà không bồng bột, không có những phút “ngông cuồng và rồ dại”? Nếu chẳng may, trong một chút bốc đồng nào đó, những đứa trẻ không đủ bản lĩnh, và nguy hiểm hơn, không đủ hiểu biết để dừng lại, rồi chuyện gì sẽ xảy đến? Chỉ là một viên kẹo, hay đơn giản, chỉ như một quả bóng cười thôi mà. Nhưng làm thế nào để dựng cho con cái chúng ta những cái barie, để chắc chắn con mình không bao giờ bước qua ranh giới của phép thử nào đó?

Những câu hỏi sẽ còn mãi ám ảnh những người làm bố mẹ, người thân, thầy cô, nhà trường, và cả xã hội. Câu trả lời sẽ dành cho mỗi người, và biết là không hề dễ.