Trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp Việt Nam đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sản phẩm Halal ngày một gia tăng cho thấy sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn vào thị trường này. Đáng lưu ý là so với các thị trường xuất khẩu khác như Mỹ hay châu Âu,… chi phí logistics vào thị trường Hồi giáo thường giảm nhiều, vì thế cũng góp phần tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt.

Muốn khai thác thị trường Hồi giáo một cách bài bản, theo các chuyên gia cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái cũng như cộng đồng doanh nghiệp làm sản phẩm Halal tại Việt Nam, tránh việc triển khai manh mún, rời rạc, kém hiệu quả như hiện nay. Vì tiêu chuẩn Halal đã không chỉ dừng ở khâu sản xuất mà còn đi vào cả các khâu phân phối, dịch vụ và tiêu dùng.

Đi sâu vào từng ngách của thị trường

Singapore là quốc gia nhỏ có tỷ trọng nông nghiệp rất thấp trong GDP, hiện mới tự chủ được khoảng 10% nhu cầu thực phẩm, 90% còn lại là nhập khẩu. Tuy nhiên, thực phẩm chế biến lại là một trong những ngành hàng xuất khẩu lớn của Singapore, đạt kim ngạch khoảng 9 tỷ USD/năm; trong đó, 70% giá trị xuất khẩu (khoảng 50.000 mặt hàng) là các mặt hàng có chứng nhận Halal.

Để thành công như vậy, Singapore có hệ thống chứng nhận Halal hoàn thiện, được thừa nhận bởi các quốc gia Hồi giáo như Brunei, Indonesia, Malaysia và các đối tác thương mại lớn như UAE, Australia, châu Âu và Mỹ.

Có thể nói, Singapore hiện là cửa ngõ lý tưởng cho sản xuất, thương mại, tái xuất các sản phẩm thực phẩm Halal vào các quốc gia Hồi giáo thông qua hệ thống hạ tầng logistics rất phát triển cho thương mại quốc tế.

Hạt điều, sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam, được xem là phù hợp với tiêu chuẩn Halal và chế độ ăn uống đạo Hồi.

Hạt điều, sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam, được xem là phù hợp với tiêu chuẩn Halal và chế độ ăn uống đạo Hồi.

Trong khi đó, Việt Nam hiện cũng là một trong những cường quốc xuất khẩu của thế giới (đứng thứ 2 trong khu vực và 23 trên toàn cầu) với thế mạnh là hàng nông sản và thực phẩm chế biến - những sản phẩm có nhu cầu lớn tại thị trường Hồi giáo.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có tên trong danh sách 30 nhà cung cấp thực phẩm Halal tiêu biểu của toàn cầu. Nguyên nhân chính, theo các chuyên gia là do chúng ta chưa có một chiến lược bài bản cấp quốc gia để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm Halal mà chỉ đang được triển khai theo nhu cầu tự phát của từng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Phó Trưởng Phòng Tây Á - châu Phi (Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương) Phạm Hoài Linh cho rằng, nguồn kinh phí xúc tiến thương mại cho thị trường Halal còn rất hạn chế, chưa có các chương trình xúc tiến thương mại chuyên ngành dành riêng cho sản phẩm Halal.

Việc xúc tiến sản phẩm Halal thường chỉ được lồng ghép vào các hoạt động xúc tiến thương mại giao thương nói chung; quá trình kêu gọi doanh nghiệp tham gia chương trình chuyên ngành cũng khó triển khai nên phải kết hợp với các đoàn xúc tiến đa ngành để tăng tính hiệu quả.

Mặt khác, thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam là các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến, tuy nhiên không phải sản phẩm nào cũng có lợi thế khi xuất khẩu vào thị trường Halal.

Nguồn kinh phí xúc tiến thương mại cho sản phẩm Việt Nam tại thị trường Halal còn rất hạn chế.

Nguồn kinh phí xúc tiến thương mại cho sản phẩm Việt Nam tại thị trường Halal còn rất hạn chế.

Từ kinh nghiệm nhiều năm hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại vào thị trường các nước Hồi giáo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) Trần Phú Lữ cho biết, bản thân các nước nội khối đạo Hồi cũng có nhiều sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam.

Đơn cử về các loại hạt, ngoài hạt tiêu và hạt điều là các sản phẩm Việt Nam đã khẳng định được vị thế, một số quốc gia Hồi giáo như Iran cũng có nhiều sản phẩm hạt khác có thế mạnh cạnh tranh. Hay như tại Malaysia, sản phẩm dầu ăn của Việt Nam rất khó cạnh tranh, nhưng nông sản lại có thị trường tốt; Indonesia là cường quốc về thủy, hải sản nhưng tôm và cá tra vẫn là lợi thế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, dù hàng nông sản của Việt Nam có chất lượng tốt, nhưng giá cả nhìn chung vẫn cao hơn các nước khác do nhiều nguyên nhân, như liên quan đến chi phí logistics vẫn ở mức cao.

Vì vậy, chúng ta cần nghiên cứu, tìm hiểu và hình dung kỹ thị trường, đi sâu vào từng ngách để tìm ra các sản phẩm thực sự có sức cạnh tranh, từ đó xuất khẩu có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng đúng nhu cầu của người tiêu dùng Hồi giáo.

Để làm được điều này, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ kịp thời từ phía nhà nước trong việc nghiên cứu thị trường để phát triển các sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng tại các thị trường Halal; triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá hàng hóa Việt Nam tại các nước Hồi giáo.

Đặc biệt, muốn “đánh” thị trường Halal lâu dài cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái cũng như cộng đồng doanh nghiệp làm sản phẩm Halal tại Việt Nam, đồng thời phát triển các khu công nghệ sản xuất Halal tập trung và chuyên biệt kết hợp với hàng loạt các khâu như logistics, dịch vụ, văn hóa, tránh việc triển khai manh mún, rời rạc, kém hiệu quả như hiện nay
Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC Thành phố Hồ Chí Minh

Chứng nhận Halal - “chìa khóa” tiếp cận thị trường Hồi giáo

Việc cấp chứng nhận Halal có vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm lĩnh vực này. Nhưng thực tế là sự hiểu biết về khái niệm Halal vẫn còn hạn chế ở cả người dân và doanh nghiệp, nhiều người chưa hiểu biết đầy đủ về tiêu chuẩn Halal cũng như ý nghĩa của việc chứng nhận.

Trong khi đó, hệ thống chứng nhận Halal tại Việt Nam cũng chưa hoàn thiện, quá trình triển khai còn phức tạp và chưa được chuẩn hóa. Điều này gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp muốn sản xuất và cung ứng các sản phẩm Halal.

Giải thích rõ hơn về tiêu chuẩn Halal, Giám đốc Văn phòng chứng nhận Halal (HCA Việt Nam) Mohammed Omar cho biết, khác với những tiêu chuẩn của Mỹ hay châu Âu thường là những hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn Halal thiên về những điều cấm kỵ theo yêu cầu tôn giáo.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chứng nhận Halal là quá trình xem xét đánh giá độc lập, khách quan của cơ quan/tổ chức được cấp phép để xác nhận rằng những sản phẩm/dịch vụ cụ thể được đánh giá không sử dụng các thành phần Haram (chất cấm theo quy định của luật Hồi giáo) và điều kiện sản xuất/cung cấp dịch vụ đáp ứng yêu cầu của Kinh Qur’an, luật Shari’ah cũng như tiêu chuẩn Halal.

Việc quản trị sản xuất ra sản phẩm Halal phải được tuân thủ một cách nghiêm túc từ việc sử dụng nguyên liệu đầu vào đến khâu đóng gói bao bì và giao nhận, đặc biệt sẽ không có sự châm chước. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm và yêu cầu khi tham gia sản xuất, xuất khẩu sản phẩm Halal.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn Halal có thể dễ với doanh nghiệp này, nhưng lại khó với doanh nghiệp khác. Đơn cử, những doanh nghiệp làm nông sản hay gia vị thường dễ tiếp cận với chứng nhận Halal vì bản chất nguồn nguyên liệu đã là Halal, nhưng với doanh nghiệp sản xuất sữa, bánh kẹo hay chế biến thịt sẽ phải thực hiện nhiều quy trình sản xuất phức tạp hơn.

Hay một doanh nghiệp sản xuất nước giải khát từ dừa hay nha đam (nguồn nguyên liệu đã là Halal), nếu sử dụng nước máy sẽ đơn giản hơn rất nhiều so với tự khoan nước ngầm vì tiêu chuẩn Halal có những yêu cầu riêng cho việc dùng than hoạt tính để lọc nước (phải chứng minh được nguồn gốc, tình trạng của than hoạt tính).

Một ví dụ khác, nếu doanh nghiệp chế biến riêng thịt gà cũng dễ đạt chứng nhận Halal nếu có đủ công nhân Hồi giáo, nhưng nếu sản xuất cả thịt bò và thịt heo hỗn hợp thì quy trình xét duyệt sẽ phức tạp hơn rất nhiều do liên quan đến việc tránh nhiễm chéo giữa Haram và Halal.

Quy trình xét duyệt sẽ phức tạp hơn rất nhiều với các cơ sở sản xuất thịt gà, lợn, bò hỗn hợp, do liên quan đến việc tránh nhiễm chéo giữa Haram và Halal.

Quy trình xét duyệt sẽ phức tạp hơn rất nhiều với các cơ sở sản xuất thịt gà, lợn, bò hỗn hợp, do liên quan đến việc tránh nhiễm chéo giữa Haram và Halal.

Đáng chú ý là mỗi quốc gia Hồi giáo đều ban hành tiêu chuẩn Halal riêng biệt như Gulf Cooperation Council Standardization Organization (GSO) của các nước vùng vịnh hay Malaysia Standard (MS) của Malaysia,… đồng thời cũng có thời gian hiệu lực khác nhau (GSO là 3 năm, MS là 1 năm). Về bản chất, các tiêu chuẩn này là tương đồng, nhưng vẫn có điểm khác biệt phụ thuộc vào quy định theo luật Hồi giáo mỗi quốc gia.

Ví dụ, theo luật của Malaysia, sản phẩm Halal sẽ có hàm lượng nồng độ cồn cho phép không được vượt quá 0,5%, nhưng nếu theo luật của Brunei thì phải là 0%. Do đó, việc doanh nghiệp đạt chuẩn Halal của nước này không có nghĩa cùng đạt chuẩn của nước khác. Tuy nhiên, vì có sự tương đồng lớn nên các doanh nghiệp có thể dễ dàng đồng thời cùng lúc áp dụng nhiều tiêu chuẩn khác nhau.

Cũng theo ông Mohammed Omar, tương quan với các tiêu chuẩn như VietGap hay GlobalGap thì chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra cho Halal là tương đương. Khác nhau ở chỗ nếu mục đích làm VietGap hay GlobalGap chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả quản trị của doanh nghiệp (theo nhu cầu tự thân của doanh nghiệp) thì việc làm chứng nhận Halal lại phụ thuộc vào yêu cầu thực tế kinh doanh của doanh nghiệp, nghĩa là chỉ thực hiện khi có yêu cầu từ phía người mua hàng hoặc doanh nghiệp muốn bán hàng vào thị trường Hồi giáo.

Halal là thị trường tiêu dùng lớn nên có rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp. Nhưng nhận thức của doanh nghiệp Việt về Halal dường như thiếu đầy đủ, nên chúng ta vẫn chưa khai thác tốt được thị trường vô cùng tiềm năng này.

Gạo là một trong những nông sản của Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường Halal.

Gạo là một trong những nông sản của Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường Halal.

Văn phòng HCA Việt Nam được thành lập từ năm 2006, hoạt động chính là chứng nhận các sản phẩm Halal sản xuất tại Việt Nam xuất đi các quốc gia Hồi giáo.

Mỗi năm, HCA cấp chứng nhận cho khoảng 1.000 khách hàng trên cả nước với sản phẩm chủ yếu tập trung vào nông sản, bánh kẹo và đồ uống để xuất đi các quốc gia Hồi giáo như Malaysia, Indonesia và các quốc gia vùng Vịnh.

Hiện, HCA cấp chứng nhận Halal cho doanh nghiệp theo 3 cách thức, bao gồm: full factory cho toàn bộ nhà máy (tất cả các sản phẩm sản xuất ra trong nhà máy đều đạt chuẩn Halal); chứng nhận theo từng sản phẩm và chứng nhận theo lô hàng.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp

Nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp Halal ở Việt Nam, ngày 14/2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”.

Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi (Bộ Ngoại giao) Bùi Hà Nam cho biết, đến nay đã có 13 địa phương hoàn thành và đang bắt đầu triển khai Kế hoạch hành động năm 2023. Các doanh nghiệp, địa phương tại nhiều nơi như TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, An Giang,.. cũng đã có sự chủ động kết nối với Đại sứ quán Việt Nam tại các nước Hồi giáo để tìm kiếm cơ hội hợp tác. Như vậy, bước đầu đã có những chuyển biến về nhận thức của địa phương, doanh nghiệp đối với tiềm năng của lĩnh vực Halal.

Giới thiệu sản phẩm Halal tại “Diễn đàn hợp tác và phát triển ngành Halal trong khối ASEAN” được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Giới thiệu sản phẩm Halal tại “Diễn đàn hợp tác và phát triển ngành Halal trong khối ASEAN” được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang phối hợp với Bộ Công thương và các Bộ, ngành liên quan xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về lĩnh vực Halal, dựa trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước có thế mạnh như UAE, Saudi Arabia, Malaysia,…; song song với việc xây dựng đề án thành lập Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia.

Việt Nam cũng đang tích cực làm việc với các tổ chức chứng nhận Halal của các nước để triển khai ký kết việc thừa nhận lẫn nhau đối với các tiêu chuẩn kỹ thuật. Điều đó cho thấy lãnh đạo các cấp của Việt Nam đang rất quan tâm để phát triển thị trường Halal, nhất là trong ngành thực phẩm.

“Việc cấp chứng nhận Halal cần được bảo đảm đúng tiêu chuẩn để tạo thuận lợi cho xuất khẩu. Trung tâm chứng nhận của Việt Nam cần nằm trong hệ thống chứng nhận Halal thế giới, hòa cùng với mạng lưới của các nước Hồi giáo. Điều đó sẽ giúp tạo ra chiếc vé thông hành ra thị trường Halal toàn cầu cho Việt Nam”, ông Miêu Abbas, Chủ tịch một tổ chức chứng nhận Halal tại Việt Nam nhấn mạnh.

Nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu sản phẩm Halal, bà Phạm Hoài Linh đề xuất một số giải pháp. Trước hết, các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động trao đổi thương mại, hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các nước có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm Halal; tăng cường hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước về Halal của các quốc gia khác nhằm tranh thủ sự hỗ trợ nâng cao năng lực cho ngành công nghiệp Halal của Việt Nam.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, chúng ta cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tổ chức các chương trình tập huấn để doanh nghiệp hiểu rõ hơn về đặc điểm văn hóa kinh doanh, quy định của các nước Hồi giáo, về quản lý chứng nhận Halal cũng như những tiêu chuẩn và quy trình doanh nghiệp cần tuân thủ trong quá trình sản xuất để được cấp giấy chứng nhận Halal.

Rau quả Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Halal.

Rau quả Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Halal.

Về phía các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa kinh doanh và tiêu dùng Hồi giáo, nhất là các quy định về tiêu chuẩn Halal trong thương mại quốc tế của từng quốc gia Hồi giáo; chủ động, tích cực tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm chuyên ngành sản phẩm Halal tại các nước nhu cầu tiêu dùng cao như Malaysia, Indonesia, UAE,…

Các nhà nghiên cứu cũng có vai trò rất quan trọng trong việc khai mở thị trường Halal bởi thị trường này có mối quan hệ chặt chẽ với văn hóa Hồi giáo. Chỉ khi có hiểu biết vững chắc văn hóa, mới có hiểu biết đầy đủ và tường tận về lối sống và thị hiếu tiêu dùng của người đạo Hồi. Do đó, những nghiên cứu cơ bản sẽ cung cấp luận cứ cho các bên liên quan, trong đó có Nhà nước, doanh nghiệp xây dựng chiến lược hợp tác, trao đổi thương mại một cách bền vững và hiệu quả.
PGS. TS. Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

Đối với doanh nghiệp đã đạt thành công bước đầu như Mekong Herbals, hiện cũng đang gặp không ít khó khăn để duy trì xuất khẩu vào thị trường Halal. Vì việc tìm được nguồn nguyên liệu trong nước cho sản xuất bảo đảm đúng yêu cầu của thị trường Halal về dư lượng hoá chất, vệ sinh an toàn thực phẩm là không dễ dàng.

Ngoài ra, khi nhà máy đã sản xuất theo tiêu chuẩn Halal sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt, không được sản xuất các sản phẩm phục vụ ngoài thị trường Halal, làm tăng chi phí cũng như cản trở doanh nghiệp đa dạng sản phẩm và thị trường. Do đó, thông tin các Bộ, ngành, địa phương đang lên kế hoạch tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Halal khiến công ty rất phấn khởi.

“Chúng tôi rất mong sớm nhận được hỗ trợ vốn vay để đầu tư máy móc, công nghệ, thiết bị phục vụ chế biến, giúp ổn định sản xuất cũng như tiếp tục mở rộng xuất khẩu các sản phẩm Halal”, Giám đốc Kinh doanh của Mekong Herbals Lê Thị Phượng hồ hởi chia sẻ.

Ngày xuất bản: 9/11/2023
Chỉ đạo thực hiện: THU HÀ
Nội dung: ÁNH TUYẾT, VIỆT HẢI, QUANG QUÝ
Ảnh: THÀNH ĐẠT, TTXVN
Trình bày: PHƯƠNG NAM