Cẩn trọng trong “mùa từ thiện”

Bạn đọc viết:
0:00 / 0:00
0:00

Nguyễn Công Tâm (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An)

Những năm gần đây, mỗi khi các cơn bão nối tiếp nhau đổ bộ vào nước ta, sẽ không khó để thấy hàng loạt thông tin kêu gọi quyên góp, ủng hộ, từ thiện xuất hiện trên không gian mạng. Thế nhưng, đã có tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, không chỉ gây thiệt hại cho các nhà hảo tâm, mà còn khiến nhiều đơn vị, tổ chức từ thiện nghiêm túc bị “vạ lây”, mang tiếng xấu.

Thủ đoạn của những kẻ lợi dụng lòng trắc ẩn vẫn khá quen thuộc: tìm kiếm, cóp nhặt thông tin từ các hội, nhóm từ thiện uy tín rồi mạo danh là thành viên để tiếp nhận các khoản tiền hỗ trợ, quyên góp. Mẹ tôi chính là một nạn nhân của “chiêu lừa” trên. Hầu như mỗi tuần, bà đều chuyển khoản cho những người chẳng quen biết với lý do “giúp đồng bào lũ lụt, thiên tai”. Khổ nỗi, khi các con khuyên nên đến trực tiếp các tổ chức chính trị-xã hội uy tín, thì bà lại cho rằng phương thức ủng hộ mà bà đang thực hiện “rất nhanh chóng và tin cậy”. Bởi mỗi lần chuyển tiền xong, chỉ vài ngày sau là những cá nhân kia đăng ảnh “đi cứu trợ” dù... chưa có cơn bão nào đi qua (!?).

Thực tế, từng có những vụ việc khúc mắc, mập mờ tương tự liên quan đến cả những người có ảnh hưởng trong xã hội. Cuối cùng, ý tốt từ những người làm từ thiện chẳng được như nguyện vọng, mà người dân gặp khó khăn cũng không được hỗ trợ thỏa đáng. Xét về mặt pháp lý, mọi cá nhân, doanh nghiệp đều có quyền kêu gọi từ thiện và ở chiều ngược lại, bất cứ ai cũng có quyền phát tâm, phát nguyện ủng hộ. Vì vậy, để hạn chế tình trạng trục lợi cá nhân, núp bóng thiện nguyện, các địa phương, cơ quan chức năng nơi xảy ra thiên tai hoặc nơi cư trú của những hoàn cảnh éo le cần phối hợp chặt chẽ, tăng cường giám sát hoạt động từ thiện theo hướng đề cao tính công khai, minh bạch.