Cẩn thận trước chiêu lừa sinh viên mới

Thời điểm này, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, lượng sinh viên nhập học tăng lên đáng kể.
0:00 / 0:00
0:00

Nhiều tân sinh viên “lần đầu ra thành phố”. Đó cũng chính là “đích ngắm” mà các đối tượng xấu nhắm tới, để tung ra những chiêu trò lừa đảo rất đa dạng. Nào là mời đặt cọc thuê nhà trọ. Nào là lừa khi mua đồ dùng cá nhân. Có người bị trục lợi khi thanh toán tiền điện nước giá quá cao…

Cách đây không lâu, một nữ sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh nhận được một cuộc gọi yêu cầu nhận hàng của shipper (người giao hàng). Đơn hàng trị giá gần 1,4 triệu đồng. Mặc dù nữ sinh này đã khẳng định “anh giao nhầm người rồi”, nhưng đối tượng giao hàng dở giọng dọa nạt và đọc các thông tin cá nhân khiến nữ sinh này băn khoăn tự vấn “hay là mình đặt mà không nhớ”… Và để tránh phiền lụy bởi những lời hăm dọa của shipper, nữ sinh đã thanh toán và ôm về… một cục tức. Nhưng đó mới chỉ là “chuyện nhỏ”. Chiêu trò mà một số đối tượng xấu nhắm tới các tân sinh viên hiện nay tinh vi hơn rất nhiều. Như trường hợp một sinh viên Trường đại học Văn Lang (TP Hồ Chí Minh) bị lừa đóng học phí nhập học lên tới gần 87 triệu đồng qua tài khoản với một thông báo giả mạo nhà trường với đầy đủ chữ ký và con dấu của hiệu trưởng. Ngoài ra, nhiều sinh viên bị lừa lấy thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng…

Gần đây, một số tân sinh viên phản ánh, được công ty bán hàng online mời chào đóng 5 triệu đồng để nhận sản phẩm và tài khoản bán hàng với mức lãi 5-7 triệu đồng/tháng. Họ tổ chức sự kiện mời rất đông người đến khán phòng lớn để giới thiệu hình thức kinh doanh trên một nền tảng bán hàng trực tuyến. Các chia sẻ về cách kiếm tiền được những “người trong cuộc” khéo léo dựng lên đầy hấp dẫn. Lại có những người trưng ra cả xấp tiền lớn và nói đó là thu nhập của họ trong thời gian đầu. Đánh vào tâm lý của những tân sinh viên ở quê lên thành phố, vừa khát khao học tập vừa mong muốn kiếm thêm tiền để đỡ cha mẹ ở quê nên các đối tượng xấu đã chuẩn bị “kịch bản” rất chi tiết. Và, không ít sinh viên đã “sập bẫy”, sẵn sàng đóng phí và đăng ký nhận hàng, mở tài khoản.

Các đối tượng xấu thường đưa ra những lời mời làm việc thêm với mức lương hấp dẫn. Trước khi bắt đầu công việc, các đối tượng sẽ yêu cầu sinh viên nộp nhiều khoản phí như tài liệu, đồng phục, tài khoản, hàng hóa, nhưng sau đó mức thu nhập không như hứa hẹn, hoặc chỉ là công ty ảo.

Các bạn sinh viên mới lên thành phố nhập học cần luôn đề phòng và thường xuyên đặt nghi vấn trước khi quyết định chuyển khoản hay khi được gọi nhận hàng, nhận quà tặng hoặc ký kết bất cứ văn bản nào. Tỉnh táo và cảnh giác mới hạn chế và tránh mắc vào những chiêu trò lừa đảo của các đối tượng xấu.