Cần rút ngắn độ trễ của chính sách

"Quyết sách như xe cấp cứu, nhưng lái xe thì cứ chạy từ từ" - hình ảnh ví von được chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch nhắc đến tại Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2022 (Diễn đàn) phần nào cho thấy từ chính sách tới cuộc sống vẫn còn một khoảng cách đáng kể. Và, chính khoảng cách ấy có thể kéo chậm lại đà phục hồi kinh tế đang ở "giai đoạn vàng" tăng tốc sau đại dịch Covid-19.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu thảo luận bàn tròn tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2022. Ảnh: Duy Linh
Các đại biểu thảo luận bàn tròn tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2022. Ảnh: Duy Linh

1 Ngày 18/9, trong khuôn khổ Diễn đàn, phát biểu trước đông đảo lãnh đạo, nhà quản lý cấp cao và chuyên gia trong và ngoài nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã điểm lại những tín hiệu tích cực phản ánh kinh tế-xã hội Việt Nam tiếp tục phục hồi mạnh mẽ như: dịch bệnh được kiểm soát; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt; hoạt động bán lẻ phục hồi mạnh; xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực, cán cân thương mại xuất siêu gần 4 tỷ USD; giải ngân vốn FDI khả quan; thu ngân sách đạt khá nhờ kinh tế phục hồi; lạm phát thấp, lãi suất, tỷ giá chịu áp lực tăng song vẫn trong tầm kiểm soát… Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn nhận định: Việc giữ vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, thúc đẩy, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội còn rất nhiều thách thức.

Một trong những thách thức ấy vốn là thách thức cố hữu của chúng ta lâu nay, sau đó cũng được chuyên gia Trần Du Lịch nêu. Ấy là, quyết sách của Quốc hội ban hành đúng, trúng, kịp thời, nhưng khi vận hành thì "đụng" phải trùng trùng, điệp điệp quy định và thông tư. Câu chuyện mà ông Lịch nói là thực tế đã được nhắc đến nhiều lần. Gần thôi, nghĩa là ngay trước khi dịch Covid-19 ập đến, chuyện vận hành chính sách vẫn luôn là vấn đề mà nhiều tập đoàn, doanh nghiệp và đặc biệt là các hộ kinh doanh nhỏ luôn cảm thấy khó khăn bởi không tiên lượng được.

Đơn cử như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam-Petrovietnam, đã có nhiều dự án khi triển khai vấp phải sự "đá" nhau giữa các luật và nghị định, nhất là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, vốn là đặc thù của ngành dầu khí. Chẳng hạn, quy định của Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước yêu cầu Petrovietnam phải mời đánh giá độc lập xác định giá trị khởi điểm của tài sản (hoặc dự án dầu khí) trước khi chuyển nhượng quyền lợi tham gia, đồng thời với việc tổ chức chào thầu cạnh tranh. Mà với đặc thù của ngành điều này khó khả thi vì không có tổ chức tư vấn nào của Việt Nam thực hiện được, dẫn đến tình trạng một số dự án bị chậm tiến độ hoặc mất đi thời điểm tốt để thương thảo với đối tác nước ngoài.

2 Rồi trải qua mấy năm "ngủ đông" vì Covid-19, đã có nhiều chính sách được ban hành nhằm giúp khôi phục lại sản xuất, kinh doanh một cách nhanh chóng. Nhưng, như PGS,TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: "Không phải tất cả các chính sách đều có hiệu quả và tác động nhanh chóng đến doanh nghiệp. Nhiều chính sách tốt nhưng điều kiện quá bất cập, doanh nghiệp khó thụ hưởng. Các thủ tục hành chính còn rườm rà, nhiều giấy phép con liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp".

Một trong những ưu tiên cần tháo gỡ nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là vấn đề vốn. Gói 350.000 tỷ đồng mà Quốc hội thông qua trong phiên họp bất thường hồi đầu năm, sau chín tháng, tổng tiền hỗ trợ mới đạt 55.500 tỷ đồng (đạt khoảng 16%). Gói hỗ trợ lãi suất 2% với 40.000 tỷ đồng từ ngân sách trong hai năm 2022-2023 mới chỉ đạt 13,5 tỷ đồng; mà quan trọng là người thụ hưởng chính là doanh nghiệp không mặn mà bởi có quá nhiều điều kiện và thủ tục. Thực tế này cho thấy, doanh nghiệp còn gặp khó khăn khi tiếp cận chính sách.

Lấy thí dụ về việc 350.000 hộ kinh doanh cá thể thương mại-dịch vụ bị tổn thương rất lớn ở TP Hồ Chí Minh vẫn không thể tiếp cận vay vốn nên phục hồi rất chậm. Rồi, Nghị định 15 về giảm 2% thuế giá trị gia tăng nhưng doanh nghiệp phải lập hai hóa đơn và tách riêng hóa đơn cho mặt hàng có thuế suất 8% thì mới được giảm thuế. Phải mất hơn nửa năm, "nút thắt" này mới được tháo gỡ… Từ những bất cập nêu trên, ông Trần Du Lịch và nhiều chuyên gia đề nghị, cần rà soát lại những chính sách đã ban hành để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thực thi.

3 Cũng liên quan vấn đề tiếp cận các gói chính sách ưu đãi, phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết những thông tin tích cực về gói miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí. Năm 2020, gói này là 129 nghìn tỷ đồng. Năm 2021 tăng lên là 145 nghìn tỷ đồng. Tám tháng năm 2022, gói miễn, giảm thuế thực hiện chương trình đã đạt 35 nghìn tỷ đồng. Chưa kể nhiều chính sách tài khóa như gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay vốn, gói hỗ trợ người lao động thuê nhà 6.600 tỷ đồng đang thực hiện.

Tuy nhiên, nhìn nhận chung, Chủ tịch Quốc hội cũng cảnh báo về độ trễ trong thực thi chính sách cũng như đặt vấn đề vì sao doanh nghiệp và ngân hàng chưa thật sự gặp nhau? "Tại sao lại bảo sợ đi vay, sợ không muốn cho vay. Không thể hy sinh, hạ chuẩn tín dụng là đúng, nhưng cũng cần có nghệ thuật điều hành" - Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc như sự gợi mở cho các cơ quan quản lý về câu chuyện giữa doanh nghiệp và ngân hàng.

Chủ tịch cũng nêu rõ dự báo khả quan: Ngược dòng thế giới, Việt Nam đạt tăng trưởng cao, lạm phát thấp; các chỉ số về khả năng chống chịu, thích ứng phần lớn ở mức trung bình và khá. Các chính sách vĩ mô, tài khóa, tiền tệ được xây dựng kỹ lưỡng, đi đúng hướng, nhận được sự đồng tình cao. Việc triển khai các Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 11 của Chính phủ về hỗ trợ phục hồi kinh tế, theo Chủ tịch Quốc hội, đã góp phần tạo động lực và niềm tin cho người dân và doanh nghiệp. "Diễn đàn thống nhất cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật, đặc biệt trước mắt là tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật về đất đai. Thể chế phục vụ cho chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng cũng cần phải có kế hoạch để hành động ngay. Cùng với đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế về đầu tư kinh doanh, về quy hoạch...", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý và nhấn mạnh thêm: "Các ý kiến tại Diễn đàn đều thống nhất, bên cạnh việc tập trung cho các mục tiêu trước mắt cũng không được quên mục tiêu dài hạn, cụ thể là tái cơ cấu nền kinh tế, bám sát mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030, 2045 đã được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra".