Cân nhắc giá trị công trình khi làm đường

Biệt thự cổ của Đốc phủ Võ Hà Thanh, còn được người dân địa phương gọi bằng cái tên quen thuộc là nhà lầu ông Phủ, đang thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học do đứng trước nguy cơ bị giải tỏa “trắng” để thi công dự án đường ven sông Đồng Nai.
0:00 / 0:00
0:00
Biệt thự cổ của Đốc phủ Võ Hà Thanh trước nguy cơ bị tháo dỡ để làm dự án đường ven sông Đồng Nai.
Biệt thự cổ của Đốc phủ Võ Hà Thanh trước nguy cơ bị tháo dỡ để làm dự án đường ven sông Đồng Nai.

Chứng kiến máy móc thi công đường ven sông Đồng Nai cào cuốc mặt bằng để hạ cos nền đường, thô bạo xâm lấn đến ngay sát chân biệt thự, nhiều người không khỏi xót xa trước hình ảnh nhà lầu ông Phủ chơ vơ, hoang phế. Nhìn biệt thự xuống cấp trầm trọng, ai nấy chép miệng tiếc rẻ cho một công trình kiến trúc độc đáo.

Sau khi báo chí lên tiếng, dư luận xuất hiện hai luồng ý kiến trái chiều. Phần lớn hy vọng nhà chức trách sớm tìm được giải pháp tối ưu bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, lưu giữ lâu dài, trùng tu, tôn tạo “nhà lầu ông Phủ” thành điểm đến văn hóa, du lịch.

Biệt thự 100 tuổi trước nguy cơ xóa sổ

Tọa lạc ở địa chỉ 99A, khu phố 5, phường Bửu Long, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, biệt thự cổ trên được xây dựng năm 1922 và khánh thành vào năm 1924, cùng thời với Tòa bố Biên Hòa. Căn nhà gồm 2 tầng, mang kiến trúc Pháp cổ điển, tráng lệ, mặt tiền hướng thẳng ra sông Đồng Nai. Nét đẹp hoành tráng cổ kính in đậm dấu ấn thời gian khiến nhà lầu ông Phủ làm nổi bật sáng bừng cả một quãng dài chạy dọc bờ sông.

Trong lòng nhiều người yêu mến văn hóa vùng đất Biên Hòa-Đồng Nai 325 năm lịch sử, công trình được xem là một biểu tượng văn hóa đặc trưng, điểm nhấn của vùng và cũng là một điểm đến được yêu thích trên tuyến du lịch sông Đồng Nai lâu nay. Bên trong là những đường nét hoa văn chi tiết trang trí tinh xảo, kiến tạo nên một không gian sống sang trọng, tinh tế. Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Đồng Nai Trần Quang Toại cho biết: “Biệt thự cổ Đốc phủ Võ Hà Thanh có ý nghĩa về giá trị lịch sử và văn hóa. Trong đó, toàn bộ trang trí nội thất đặt mua từ Pháp chở về bằng tàu biển. Kể cả thợ xây dựng cũng không huy động người tại chỗ mà thuê thợ, trong đó có nhiều thợ là người Hoa có kinh nghiệm”. Nhưng, vật liệu xây dựng bên ngoài “khoác áo” cho căn biệt thự lại được tận dụng từ nguồn sẵn có ở địa phương như nền và tường ốp trang trí hoa văn bằng đá Bửu Long, lợp ngói và lát gạch của làng gốm Tân Vạn, lò gốm Hóa An.

Địa danh nhà lầu ông Phủ càng được nhiều người biết đến hơn từ khi được khai thác, sử dụng làm bối cảnh chính cho nhiều bộ phim truyền hình nổi tiếng. Phim “Người đẹp Tây Đô” của đạo diễn tên tuổi Lê Cung Bắc cũng được quay chủ yếu ở đây. Căn biệt thự này còn gắn liền với những câu chuyện lịch sử. Người dân ở đây vẫn truyền nhau rằng, trong trận lụt kinh hoàng năm Thìn (1952), nhà lầu ông Phủ chính là nơi cưu mang, cứu sống hơn 100 người gần chợ Bửu Long kéo đến ở tạm vài ngày, chờ nước lũ rút.

Nhà lầu ông Phủ từng được chính quyền cách mạng tận dụng làm nhà trẻ, rồi vài năm sau mới bàn giao quyền quản lý và sử dụng lại cho một người cháu ruột của cụ Võ đốc phủ đi tập kết ra miền bắc từ năm 1954 trở về. Do biến đổi của thời cuộc, sau năm 1975, phần lớn con cháu dòng họ Võ Hà định cư ở nước ngoài, còn lại ở Việt Nam rất ít. Trước đây, căn biệt thự này có khuôn viên rất rộng, chiều ngang gần 100m, chiều dài cũng tương đương, ẩn mình khu vườn trái cây um tùm nằm sát bên dòng Đồng Nai êm đềm. Tuy nhiên, để trang trải cuộc sống, hậu duệ của cụ Võ đốc phủ đã cắt bán dần khu vườn, cho đến nay chỉ còn đúng diện tích căn nhà cổ.

Hiện tại, ngôi nhà cổ do người được cho là cháu của Đốc phủ Võ Hà Thanh là bà Đặng Thị Linh Phương trực tiếp sinh sống, trông nom. Bà Phương cho hay, ngôi nhà do ông cố của bà xây dựng và đến năm 1978 thì bà chuyển vào an cư ổn định, luôn trân trọng gìn giữ xem như gia tài của dòng tộc.

Hãy khéo giữ lại một chứng tích văn hóa

Có ý nghĩa rất lớn về văn hóa, lịch sử, kiến trúc là vậy, song, đáng buồn là để thực hiện dự án đường ven sông Đồng Nai, biệt thự cổ này đã được đưa vào danh sách dỡ bỏ. Mặc dù bảng chiết tính giá bồi thường để thực hiện dự án đường ven sông Đồng Nai của Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Biên Hòa, cơ quan chức năng định giá bồi thường ngôi biệt thự cổ này số tiền gần 5,4 tỷ đồng, nhưng dư luận cho rằng con số này không thể so sánh với giá trị mà không có cách nào đo đếm, định lượng.

Tại phiên họp giải trình về thực hiện dự án đường ven sông Đồng Nai do Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai tổ chức năm 2023, bà Lê Thị Oanh, Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh, đã sốt sắng góp tiếng nói bày tỏ mong mỏi những người có trách nhiệm quan tâm số phận căn biệt thự cổ.

Ngay lúc này, nhân vật trong cuộc thụ hưởng lợi ích sát sườn nhất là gia đình bà Phương vẫn nuôi nguyện vọng tha thiết đề nghị cơ quan chức năng xem xét, có phương án bảo vệ giữ lại ngôi nhà.

Nên ứng xử với căn biệt thự cổ như thế nào cũng là đề tài bàn luận xuất hiện làm nóng hành lang buổi Hội thảo khoa học điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045 do UBND thành phố tổ chức vừa qua, TSKH, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhận định có 2 giải pháp làm dự án đường ven sông mà vẫn giữ gìn biệt thự trăm tuổi nói trên. Đầu tiên là nhờ “thần đèn” di dời biệt thự vào bên trong và dành quỹ đất để biến khu vực này thành một điểm đến về văn hóa, du lịch. Thứ hai là có thể “nắn” lại tuyến đường ra phía sông Đồng Nai, khi đó tuyến đường ven sông sẽ đi ngang công trình trăm tuổi, mở ra tiềm năng về lâu dài cho Biên Hòa trong việc phát triển đô thị ven sông. Cá nhân ông cho rằng, việc “nắn” lại đường ven sông Đồng Nai là hoàn toàn khả thi trong khả năng.

Chưa kể, quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định một trong hai khu vực làm động lực mới cho sự phát triển đột phá của tỉnh là hành lang sông Đồng Nai. Mục tiêu tổng quát đi kèm có cụm từ “bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy”, hơn nữa, tỉnh nhấn mạnh phát triển các ngành kinh tế quan trọng, trụ cột có đề cao ngành du lịch đô thị dịch vụ và nói rõ Đồng Nai là điểm đến du lịch văn hóa, sinh thái.

Cũng theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, ngoài công trình nhà Đốc phủ Võ Hà Thanh, Đồng Nai còn những di tích lịch sử văn hóa khác. Nếu giữ lại được công trình này sẽ tạo một kết nối bền chặt hơn về văn hóa, lịch sử giữa con sông Đồng Nai với khu vực trên bờ của thành phố Biên Hòa.