Xã Gia Huynh nằm về phía tây nam huyện Tánh Linh, có diện tích tự nhiên hơn 15 nghìn ha. Nơi đây vốn là một vùng rừng có nhiều gỗ quý và có địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ, rất phù hợp với cây cao-su. Nhiều năm nay, nhất là từ khi đàn voi dữ ở đây đã được di chuyển lên Ðác Lắc và cây cao-su có giá, thì nhiều người ở các nơi đã đổ về đây đầu tư, tìm kiếm đất, gây ra tình trạng lấn chiếm, mua bán, sang nhượng đất trái phép ngày càng phức tạp.
Có nhiều người chiếm dụng từ 30 đến 50 ha, nhưng cũng còn hơn 200 hộ thiếu, hoặc không có đất sản xuất. Theo số liệu của UBND huyện Tánh Linh, toàn xã Gia Huynh hiện có tới 3.066 ha đất bị lấn chiếm, phần lớn là đất do Lâm trường Tánh Linh quản lý. Ðể xảy ra tình trạng này có nhiều nguyên nhân nhưng trực tiếp, chủ yếu là trách nhiệm của Lâm trường Tánh Linh và chính quyền xã Gia Huynh.
Lâm trường Tánh Linh thành lập từ năm 1977, được UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSD) đất lâm nghiệp với diện tích hơn 5.553 ha vào năm 2001. Lâm trường thực hiện giao khoán cho dân 1.470 ha (đã thực giao 707 ha); giao khoán theo Nghị định 01 là 2.233 ha; liên doanh trồng cao-su 1.054 ha; đất còn rừng và đồi núi 434 ha; đất đã bị xâm chiếm là 694 ha.
Số liệu là vậy, nhưng thật sự giao khoán chỉ đạt khoảng 50%, còn lại, nhiều người dân không chịu hợp tác cùng lâm trường để giao, nhận khoán. Hiện nay, đất trong lâm phận Lâm trường Tánh Linh thuộc địa bàn xã Gia Huynh, đã bị lấn chiếm đến 1.890 ha.
Theo kết luận của đoàn Thanh tra tỉnh Bình Thuận đầu tháng 2-2007, thì Lâm trường Tánh Linh đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, tư lợi làm cho tình trạng phá rừng làm rẫy, lấn chiếm đất lâm nghiệp thuộc lâm phận mình quản lý diễn biến phức tạp.
Trong thời gian dài, lâm trường không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu, đã để hơn 3.367 ha rừng tự nhiên bị tàn phá; hơn 2.347 ha đất không còn rừng bị lấn chiếm. UBND xã Gia Huynh đã buông lỏng quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn, không nắm chắc tình hình dân lấn chiếm, mua bán, sang nhượng đất trái phép và để cho một số cán bộ xã, thôn cùng tham gia.
UBND xã phối hợp các ngành chức năng để xử lý tình hình, nhất là với lâm trường, không đồng bộ, thiếu thường xuyên, dẫn đến không quản lý nổi, làm cho cơn "sốt đất" ở đây ngày càng lên cao.
Ngoài một số dân tại chỗ, các địa phương khác trong huyện Tánh Linh, Ðức Linh và các tỉnh lân cận, còn có một số cán bộ, đảng viên của xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh và Lâm trường Tánh Linh đã tham gia lấn chiếm đất trái phép.
Từ năm 2004 đến nay, các ngành chức năng của tỉnh Bình Thuận, huyện Tánh Linh đã phát hiện 150 trường hợp là cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức có dấu hiệu vi phạm lấn chiếm, sang nhượng đất trái phép và nhận khoán đất không đúng đối tượng.
Chính một bộ phận cán bộ, đảng viên này không gương mẫu trong chấp hành chính sách, pháp luật về đất đai đã làm xấu thêm tình hình ở địa phương trong thời gian khá dài.
Trước tình hình nêu trên, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận liên tục chỉ đạo huyện Tánh Linh tổ chức các đợt kiểm tra, có biện pháp xử lý kiên quyết những sai phạm, trước hết, phải xử lý nghiêm túc những trường hợp là cán bộ, đảng viên có vi phạm; tập trung xử lý số đối tượng cầm đầu quá khích, vi phạm pháp luật, đồng thời có phương án giải quyết đất ở, đất sản xuất cho những hộ dân thật sự thiếu hoặc chưa có đất.
Bí thư Huyện ủy Tánh Linh Bùi Thế Nhân, cho biết: Trong 150 trường hợp vi phạm, có 106 đảng viên, qua xem xét, đã tiến hành xử lý 56 trường hợp. Theo đó, đã khai trừ ông Huỳnh Ngự, nguyên Giám đốc Lâm trường Tánh Linh, xóa tên một đảng viên dự bị; cách chức bốn, cảnh cáo sáu và khiển trách 20 trường hợp, trong đó có nguyên Bí thư Huyện ủy.
Hiện đang tiếp tục xác minh làm rõ 13 trường hợp và sẽ xử lý dứt điểm số đảng viên vi phạm trong tháng 6 này. Trong số 44 công chức ngoài đảng vi phạm, cũng đã xử lý 39 trường hợp. Việc thu hồi đất của các cán bộ, đảng viên vi phạm, huyện sẽ cố gắng giải quyết dứt điểm vào cuối quý III năm nay.
hực hiện chủ trương của tỉnh Bình Thuận về lập lại trật tự quản lý, sử dụng đất đai ở địa bàn xã Gia Huynh đúng theo quy định của pháp luật, từ đầu năm đến nay, UBND huyện Tánh Linh tiến hành chỉ đạo thực hiện các bước thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để san ủi, sau đó giao khoán cho các hộ ở xã Gia Huynh thiếu đất sản xuất.
Huyện đã tổ chức tuyên truyền, thông báo rộng rãi để từng hộ dân biết rõ việc lấn chiếm đất là vi phạm pháp luật, đồng thời phải kê khai để xử lý và hưởng chính sách hỗ trợ khi thu hồi đất. Theo đó, những hộ tự nguyện giao trả đất thì không phải xử lý, được hỗ trợ 500.000 đồng/ha tiền công khai phá và hỗ trợ tiền cây trồng trên đất kể từ năm 2004 trở về trước đối với từng trường hợp cụ thể.
Ðến nay, đã có 310 hộ đến Lâm trường Tánh Linh kê khai với diện tích lấn chiếm hơn 700 ha, trong đó có 44 trường hợp đã tự nguyện giao trả lại khoảng 99 ha đất. Tuy nhiên, vẫn còn gần 1.162 ha đất bị lấn chiếm chưa có người khai nhận.
Huyện Tánh Linh sẽ tiến hành san ủi với diện tích gần 1.800 ha, trước hết là san ủi gần 58 ha ở khu vực Dốc Sỏi bị cán bộ, nhân viên Lâm trường Tánh Linh lấn chiếm, tiếp đến là gần 1.162 ha chưa có người khai nhận... Từ ngày 28-5 đến 12-6, đã tổ chức san ủi được khoảng 260 ha.
Tuy chưa cưỡng chế san ủi phần diện tích đất do dân lấn chiếm, nhưng khá đông người lấn chiếm đất liên tiếp có phản ứng. Trong hai ngày 28 và 29-5, khoảng 70 người, phần lớn là dân Gia Huynh, một số dân ở huyện Ðức Linh, đã tụ tập trước cổng trụ sở UBND huyện Tánh Linh yêu sách đòi ngừng san ủi đất.
Tiếp đó, trong hai ngày 12 và 13-6, có khoảng 130 người dân ở xã Gia Huynh và huyện Ðức Linh tụ tập trước cổng UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu được giải thích một số vấn đề liên quan việc xử lý, thu hồi và san ủi đất. Từ trưa 15 đến hết ngày 16-6, lại tiếp tục có khoảng 70 người tụ tập trước cổng UBND tỉnh Bình Thuận nêu những kiến nghị đó.
Trong hai ngày 18 và 19-6, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Huỳnh Tấn Thành cùng lãnh đạo một số ngành liên quan của tỉnh; lãnh đạo huyện Tánh Linh và xã Gia Huynh đã trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với các hộ dân tại trụ sở UBND xã Gia Huynh.
Qua đối thoại, 53 hộ dân đã thừa nhận lấn chiếm tổng cộng 194 ha đất của Lâm trường Tánh Linh. Việc lấn chiếm đất của Nhà nước đã giao cho Lâm trường Tánh Linh quản lý, sử dụng là vi phạm pháp luật, do đó mọi trường hợp vi phạm đều phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy vậy, UBND tỉnh cũng ghi nhận nguyện vọng của các hộ dân, giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp Lâm trường Tánh Linh và chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát từng trường hợp cụ thể, để thực hiện theo tinh thần Nghị định 135 của Chính phủ ban hành ngày 8-11-2005. Ðồng thời, tạm dừng việc san ủi trên diện tích đất của bà con đã lấn chiếm.
Cách xử lý của chính quyền tỉnh Bình Thuận như vậy là thấu tình đạt lý. Trên tinh thần tôn trọng pháp luật, người dân xã Gia Huynh và một số địa phương khác ở huyện Tánh Linh, cần thực hiện đúng theo kỷ cương, phép nước. Có như vậy thì việc khai thác tiềm năng đất đai ở đây mới đạt hiệu quả cao, góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ở một vùng nông thôn.