Cần hành động quyết liệt để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu

Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc vừa công bố một báo cáo quan trọng về khí hậu, cảnh báo nhân loại chỉ có chưa đầy ba năm để hành động, nếu muốn kiềm chế mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 20C theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại một hội nghị trong khuôn khổ COP26. (Ảnh: COP26)
Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại một hội nghị trong khuôn khổ COP26. (Ảnh: COP26)

Nhiều cam kết đã được đưa ra, song thế giới vẫn cần những hành động quyết liệt hơn mới có thể sớm đảo ngược tác động khôn lường từ biến đổi khí hậu. Trong báo cáo có sự tham gia đóng góp ý kiến của gần 300 nhà khoa học đến từ 65 quốc gia và khu vực trên thế giới, IPCC cho biết tốc độ gia tăng phát thải khí nhà kính nhìn chung đã chậm lại những năm gần đây, nhưng vẫn ở mức cao nhất trong lịch sử loài người. Nhiều giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu đã và đang được triển khai mạnh mẽ trên khắp thế giới. 

Theo tổ chức tư vấn về khí hậu và năng lượng Ember, năm 2021, điện gió và điện mặt trời lần đầu vươn lên chiếm hơn 10% sản lượng điện toàn cầu, tăng gấp đôi sản lượng năm 2015 khi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được ký kết. Cùng với các nguồn năng lượng khác, tỷ trọng năng lượng tái tạo năm 2021 lên đến 38%.

Tuy nhiên, các chuyên gia IPCC cũng cho rằng, những cam kết của các quốc gia trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là không đủ để kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu. Theo IPCC, lượng khí thải trên toàn cầu sẽ cần đạt đỉnh vào năm 2025 và sau đó giảm mạnh để có thể đạt được mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 20C theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. 

Với những yếu tố không chắc chắn về mức độ thực hiện cam kết ở thời điểm hiện nay, đây có thể sẽ là một thách thức lớn. Ủy ban chuyên trách về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc thậm chí đưa ra dự báo, nhiệt độ của “hành tinh xanh” có thể sẽ tăng mạnh ở mức 3,20C so với giai đoạn tiền công nghiệp.

Giáo sư Peter Newman tại Đại học Curtin (Australia), một trong những tác giả của báo cáo cho rằng, tiến bộ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu chưa bao giờ là đủ và các chính phủ sẽ cần cải cách nền kinh tế để giải quyết triệt để vấn đề. 

Chuyên gia Thomas Wiedmann tại Đại học New South Wales  cũng của Australia chỉ ra rằng, tình trạng bất bình đẳng trên toàn cầu là nguyên nhân dẫn đến tiến độ chậm chạp trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo IPCC, 10% số gia đình giàu nhất thế giới tạo ra khoảng 40% lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu, trong khi 50% số gia đình nghèo nhất tạo ra chưa đến 15% lượng khí thải. 50% tổng lượng khí thải của ngành hàng không là do 1% số người giàu nhất thế giới tạo ra.

Các chuyên gia IPCC khuyến nghị một số biện pháp có thể giúp giảm từ 40% đến 70% lượng phát thải carbon vào năm 2050, như cắt giảm các chuyến bay đường dài, thúc đẩy chế độ ăn dựa trên thực vật, xây dựng các tòa nhà có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, cắt giảm nhu cầu năng lượng... Đẩy mạnh hơn nữa phát triển các nguồn năng lượng sạch và chi phí thấp, nhất là năng lượng mặt trời và năng lượng gió cũng là một số giải pháp được giới chuyên gia lưu ý.

Bảo vệ rừng, thay đổi chế độ dinh dưỡng và chuyển đổi phương thức canh tác nông nghiệp có thể góp phần cắt giảm tới một phần tư lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Báo cáo của IPCC nêu rõ, năm 2019, khoảng 22% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính phát thải từ các hoạt động nông, lâm nghiệp và các ngành sử dụng đất khác, trong đó nạn chặt phá rừng chiếm 50% lượng khí phát thải này. Lượng khí phát thải trên toàn cầu còn lại do các hoạt động tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch gây ra. 

Theo các nhà khoa học, rõ ràng đây là những lĩnh vực mà con người hoàn toàn có thể kiểm soát để tạo nên sự chuyển biến, qua đó góp phần giảm khí phát thải, giúp hạn chế mức tăng nhiệt độ trái đất.

Những khuyến nghị hữu ích đã được giới khoa học tích cực cung cấp, những cam kết mạnh mẽ cũng được các chính phủ đưa ra, song không còn nhiều thời gian để biến những cam kết đó thành những hành động quyết liệt và hiệu quả trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên bình diện toàn cầu.