Cán bộ phải có gan phụ trách, có gan làm việc, đổi mới sáng tạo

Hồ Chí Minh thường chỉ bảo cách dùng cán bộ phải có bản lĩnh khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến; có gan phụ trách, có gan làm việc, đổi mới sáng tạo; phải có gan cất nhắc cán bộ. Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo "đập đi, hò đứng", không dám phụ trách, như thế là một việc thất bại cho Ðảng.

Cán bộ đi tuyên truyền người dân xã Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn) giữ vệ sinh nơi ở, làm chuồng, trại gia súc, gia cầm cách xa nhà ở. Ảnh | TRẦN HẢI
Cán bộ đi tuyên truyền người dân xã Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn) giữ vệ sinh nơi ở, làm chuồng, trại gia súc, gia cầm cách xa nhà ở. Ảnh | TRẦN HẢI

Trí tuệ, bản lĩnh Hồ Chí Minh trong việc dùng người

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ là một nét độc đáo, trong đó thể hiện đậm chất chữ "dám". Người nêu quan điểm phải dám tự biết mình, biết sự phải trái của mình. Không có bản lĩnh tự biết mình thì khó mà biết người, khó nhận rõ cán bộ tốt hay xấu. Vì người ta thường phạm những chứng bệnh tự cao tự đại; ưa người ta nịnh mình; do lòng yêu, ghét của mình mà đối với người; đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau. Mình phải có gan sửa chữa khuyết điểm thì xem xét cán bộ mới đúng.

Trên cơ sở đó, Hồ Chí Minh chỉ bảo cách dùng cán bộ là phải có bản lĩnh "Khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến"; "Khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc"; "Phải có gan cất nhắc cán bộ". Người chỉ rõ "Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo "đập đi, hò đứng", không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng". Viết thiếp gửi tướng Nguyễn Sơn, Người nhấn mạnh "đảm dục đại" (cái gan cần phải lớn).

Hồ Chí Minh dạy cán bộ phải biết đổi mới, sáng tạo, dám vứt bỏ những gì của ngày hôm qua không hợp thời nữa. Người chỉ rõ khi tình thế đổi mới, ta đủ gan góc, đủ tinh thần phụ trách để quyết định phương hướng chính trị mới, thay đổi cách thức công tác và đấu tranh, dám bỏ những khẩu hiệu và những nghị quyết đã cũ, không hợp thời, đưa những nghị quyết và khẩu hiệu mới thay vào. Người phê bình loại cán bộ cứ khư khư giữ nếp cũ, cái không hợp cũng không dám sửa bỏ, cái cần thiết cũng không dám đặt mới.

Hồ Chí Minh tỏ rõ bản lĩnh trọng dụng nhân tài. Người phát hiện ra năng lực và trao trọng trách để Võ Nguyên Giáp trở thành một nhà quân sự lỗi lạc bắt đầu từ việc phụ trách lập Đội quân giải phóng đến giữ trọng trách Tổng Chỉ huy quân đội Việt Nam, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ. Mấy lời ngắn gọn trao nhiệm vụ cho Võ Nguyên Giáp trước khi ra mặt trận "Tướng quân tại ngoại! Trao cho chú toàn quyền", thể hiện một tầm nhìn sáng suốt, trí tuệ, bản lĩnh của Bác.

Không chỉ Võ Nguyên Giáp, nhiều trí thức có tài, đức như Nguyễn Văn Tố, Nguyên Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Phan Anh, Hoàng Minh Giám, Trần Đại Nghĩa, Huỳnh Thúc Kháng..., mỗi người một hoàn cảnh, nhưng đều được Bác phát hiện, tìm đến với tấm lòng độ lượng, bao dung, nâng đỡ mọi người lên đến tầm Người, "nhen chút than hồng để cháy thành ngọn lửa". Những trí thức được Người trọng dụng đều tâm phục, khẩu phục Người, một lòng, một dạ đi theo cách mạng và đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Huỳnh Thúc Kháng tâm sự: "Chí thành, năng động, tấm lòng thành của Cụ Hồ đã làm đá cũng phải chuyển huống là tôi". Phan Anh "rất xúc động và cảm kích trước tấm lòng nhân hậu và bao dung của Bác, vì thấy Bác không lấy việc tôi đã tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật làm điều, mà vẫn cho tôi là một trí thức yêu nước và trọng dụng". Hoàng Minh Giám tâm sự: "Sức cảm hóa của Bác thật là kỳ diệu. Vì Bác rất giản dị, chân thật, đầy lòng nhân đạo, nhân ái".

Hồ Chí Minh đặc biệt tin tưởng lớp trẻ. Tháng 12/1945, khi giao nhiệm vụ cho Cù Huy Cận - lúc đó 26 tuổi và Bùi Bằng Đoàn (56 tuổi) vào Ban Thanh tra đặc biệt, Người nói Ban Thanh tra không cần nhiều người, lúc này hai người là đủ. Một người cao tuổi là cụ Bùi, một vị quan có tiếng liêm khiết của triều đình cũ và một thanh niên hăng hái mà cả nước ai cũng biết. Người già, người trẻ dựa vào nhau mà làm việc, nhất định việc thanh tra sẽ làm tốt.

Cán bộ phải có gan phụ trách, có gan làm việc, đổi mới sáng tạo -0

Hồ Chủ tịch tại Đai hội Thanh Niên Thủ đô làm theo lời Bác năm 1963. Ảnh | NGUYỄN HỮU THỐNG

Khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo trong đổi mới

Một thực tế đáng buồn là trong những năm gần đây, vẫn tồn tại loại cán bộ "đập đi, hò đứng", không có gan nói, không có gan phụ trách, không có gan làm việc. Loại cán bộ đó là "anh em sinh đôi" với loại cán bộ khéo xu nịnh, a dua. Tức là những người trước mặt thì ai cũng tốt, sau lưng thì ai cũng xấu. Thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi. Theo gió bẻ buồm, không có khí khái.

Vừa qua, với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, người đứng đầu Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra những sai phạm ở một số địa phương, bộ, ban, ngành trên nhiều lĩnh vực như giải ngân vốn đầu tư công chậm; trong chống dịch Covid-19 thì "ngăn sông cấm chợ"; trong tự phê bình và phê bình thì né tránh, ngại va chạm, vuốt ve, ca tụng lẫn nhau, không dám nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình, v.v. Đó là thái độ không có gan phụ trách, không có gan làm việc, sợ trách nhiệm. Xét cho cùng, tư duy và cách làm đó mang nặng chủ nghĩa cá nhân, xuất phát từ cá nhân vì lợi ích cá nhân, không vì lợi ích chung.

Đại hội XIII nêu, cán bộ phải dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, hành động vì lợi ích chung. Đây là một chuỗi giá trị, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, thể hiện cả tư duy và hành động, nói và làm, bổn phận và trách nhiệm mà sợi chỉ đỏ xuyên suốt là bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất, đổi mới, sáng tạo vì Tổ quốc và nhân dân.

Ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị có Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Kết luận nêu rõ cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn, thử thách, luôn luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

Nghị quyết Đại hội XIII và Kết luận số 14-KL/TW là sự trở về đích thực, kế thừa, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành chữ "dám" trong tình hình mới. Hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng trong một thế giới toàn cầu với những biến động to lớn, diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo không chỉ về khoa học công nghệ mà cả những vấn đề toàn cầu như thiên tai, dịch bệnh, rất cần một đội ngũ cán bộ dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám làm việc vì lợi ích của nhân dân.

Muốn có được những cán bộ "dám" như vậy, đòi hỏi tổ chức đảng, người đứng đầu phải hiểu và đánh giá đúng cán bộ. Đây là khâu đột phá có ý nghĩa quyết định. Phải học và làm theo Bác trong câu chuyện "biết người". Muốn biết người phải tự biết đúng sự phải trái của mình. Để hiểu cán bộ mà mắc bệnh tự cao tự đại, ưa người ta nịnh mình, lấy lòng yêu ghét của mình đối với người, thì không bao giờ đánh giá đúng cán bộ. Theo Hồ Chí Minh, người đứng đầu phải công tâm, độ lượng để không mắc bệnh ham dùng người bà con, anh em quen biết; ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, ghét người chính trực; ham dùng những người tính tình hợp với mình. Phải có trí để khỏi bị bọn vu vơ bao vây.

Khi làm chính sách, phải loại bỏ tư tưởng lợi ích nhóm. Bệnh này không chỉ nguy hiểm làm thui chột việc dùng người tài mà còn có tội với nhân dân. Mặt khác - như Bác dặn - phải luôn luôn xét lại những nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ đã thi hành thế nào để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Nếu không thì những nghị quyết, chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông, hại đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Phải cụ thể hóa, hiện thực hóa các chủ trương, chính sách và kiểm tra việc thực hiện. Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải học thuộc và làm đúng bốn chữ "chí công vô tư". Phải luôn luôn nghĩ về lợi ích của Tổ quốc và nhân dân thì mới có thể năng động, đổi mới sáng tạo.

Những giải pháp đó chứa đựng giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh, tỏ rõ trí tuệ, bản lĩnh của Người về trọng dụng cán bộ, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá, mãi mãi soi đường cho công tác xây dựng Đảng về cán bộ hiện nay.