NSƯT Đức Long:

Cảm thấy biết ơn vì được ghi nhận

Đêm nhạc trước 800 khán giả hồi giữa tháng 4/2022, tại Hà Nội, của Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Đức Long thuộc số hiếm hoi các chương trình nghệ thuật có bán vé ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19. Không chỉ đánh dấu một chặng đường hoạt động quan trọng của anh, đó còn là kết quả đẹp của quá trình dạy hát cho hàng nghìn học viên trong và ngoài nước - điều mà anh muốn trò chuyện cùng chúng tôi.

NSƯT Đức Long (bên phải) biểu diễn cùng đồng nghiệp trong đêm nhạc Đức Long hát, tháng 4/2022. Ảnh: NVCC
NSƯT Đức Long (bên phải) biểu diễn cùng đồng nghiệp trong đêm nhạc Đức Long hát, tháng 4/2022. Ảnh: NVCC

Thực hiện được một giấc mơ

- Trong những đợt giãn cách vì dịch bệnh, cuộc sống và công việc của anh có gì thay đổi đáng kể?

- Hai năm giãn cách, công việc của tôi vẫn đều. Tôi vẫn có học sinh đến học tại nhà. Thậm chí, học viên là những người hát không chuyên còn đến nhiều hơn bình thường, vì công việc của họ bị gián đoạn nên họ tìm đến học hát để nguôi ngoai, vượt qua những ngày căng thẳng.

- Ở tuổi 62 mà anh vẫn giữ được sức khỏe, giọng hát, sức bền cũng là hiếm có!

- Đúng là tôi may mắn vẫn giữ được thể lực và giọng không đến nỗi nào. Tuy không còn được trong trẻo như tuổi 30-50, phần nào mòn mỏi, không sang sảng như trước nhưng vẫn bền bỉ. Nói thật, chính công việc dạy hát đã giữ cho tôi thể lực và giọng hát vì hằng ngày, tôi đều phải thị phạm cho học viên, chẳng khác gì luyện thanh sà sã.

- Anh hẳn có nhiều kỷ niệm, câu chuyện đáng nhớ với các học trò của mình. Có thông tin học trò "tài trợ" đêm nhạc đầu tiên trong đời ca hát này của anh?

- Tôi có 26 năm tham gia công việc giảng dạy ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, rồi Trường đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương. Học trò của tôi có ở rất nhiều địa phương, trải dài theo đất nước. Từ đoàn Ca múa Bắc Kạn đến Phú Yên, đoàn nào cũng có học viên mà tôi từng dìu dắt, hướng dẫn, nhiều người đã trở thành NSƯT.

Đúng là không có sự hỗ trợ tinh thần và vật chất của học trò thì tôi chưa thể có đêm nhạc như vừa rồi. Tôi phải nói biết ơn vì các bạn đã ghi nhận sự cống hiến tận tụy của tôi với các bạn. Nhiều bạn cũng thấy sự nghiệp của tôi trải dài thế mà chưa có gì đánh dấu nên hai, ba năm gần đây, liên tục động viên tôi phải làm chương trình. Thật lòng nếu không có sự tài trợ của các học trò yêu mến mình như thế, chắc tôi chỉ làm chương trình âm nhạc của mình trong mơ thôi.

"Có ăn nhạt thì mới biết thương mèo"

- Đêm nhạc của anh đã đạt được thành công nhất định. Sau dấu mốc đặc biệt đó, điều gì khiến anh phải suy ngẫm nhiều bên cạnh những lời ngợi khen từ khán giả cũng như trên báo chí?

- Tôi không còn cơ hội đi khắp nơi để hát như lúc còn trai trẻ. Khi đó, kinh tế thị trường chưa bung ra, mỗi năm, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, nơi tôi công tác, phải có 70 buổi phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Giờ, Nhà hát tự chủ, việc đi diễn với tinh thần phục vụ ít đi.

Hồi học ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), cứ dịp hè, chúng tôi lại được phân công xuống các địa phương, nhà máy, xí nghiệp để thực tập dàn dựng chương trình, biểu diễn cùng bà con. Cứ hết năm học là lên văn phòng khoa lĩnh giấy công tác, xem được phân công đi cùng ai, đến tỉnh nào, nhà máy nào… Không khí vui như hội. Tôi nghĩ, sinh viên ngày nay thiếu cái vốn thực tế đó nên ý thức phục vụ, cống hiến cho cộng đồng cũng có phần hao hụt đi.

- Ở một góc nhìn khác, nhiều ca sĩ ngày nay thường thể hiện bản thân qua hình ảnh lộng lẫy, ở nhà đẹp, đi xe sang. Thực tế ấy có khi nào tác động tới việc nhìn lại cách sống của anh?

- Với tôi, ca sĩ không phải ông nọ bà kia. Tôi xuất thân từ công nhân. Tôi luôn nói với học trò: phải đi biên giới, tới những bản làng xa xôi để hát. Có ăn nhạt thì mới biết thương mèo. Cát-xê lúc cao lúc thấp thì vẫn gấp nhiều lần so với người lao động bình thường, mình còn đòi hỏi gì nữa.

Tôi chưa bao giờ dám "hét giá" cao, chỉ đủ chi sinh hoạt hằng ngày thôi. Với tôi, lao động là cống hiến chứ không phải để mang về kinh tế. Làm sao sống vừa đủ, không được khổ quá mà cũng đừng có tham quá. Tôi vẫn quan niệm, việc dạy chỉ để cho mọi người vui vẻ, yêu mến, gần gũi nhau hơn.

- Có phải vì chăm dạy quá mà anh hơi sao lãng việc ra sản phẩm, tổ chức biểu diễn? Sau đêm diễn vừa qua anh có kế hoạch, dự án gì mới?

- Đối với chúng tôi, khi ra sản phẩm hay chương trình biểu diễn đều phải rất thận trọng, phải đo lường hiệu ứng khán giả. Mình phải có gì mới để xuất hiện. Đến chương trình này, tôi mạnh dạn làm vì cũng đã trang bị cho mình một ít tác phẩm mới bên cạnh những gì đã quá quen thuộc. Nếu ai hỏi tôi có gì mới thì đêm nhạc vừa qua là câu trả lời đầy đủ rồi. Nên tôi cũng phải nghỉ một thời gian để chuẩn bị giúp học trò thi tốt nghiệp hoặc cuối năm học rồi mới tính. Khán giả còn yêu mến trông chờ thì mình còn phải làm gì đó để cống hiến.

- Nhạc Việt đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, anh thấy điều gì được và chưa được trong sự phát triển này?

- Tôi cũng không cổ hủ đâu. Trong chương trình vừa rồi tôi vẫn hát những ca khúc mới của nhạc sĩ trẻ, sinh năm 1978. Tuy có nhiều sự lựa chọn nhưng tôi cảm thấy các bạn trẻ viết chưa có sự sâu sắc, một số người vẫn đua theo trào lưu "sống nay chết mai" chứ chưa nghĩ nhiều để sáng tác của mình đọng lại trong khán giả. Tôi thấy nhiều nhạc sĩ trẻ bây giờ rất giỏi, nhưng tôi cũng có mấy lời nhắc: Các bạn viết chắt lọc hơn để âm nhạc của các bạn có giá trị cả hôm nay và mai sau, người trẻ thích mà người lớn tuổi cũng thấy mình trong đó.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

NSƯT Đức Long sinh năm 1960, tại Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Năm 1978, khi đang làm công nhân mỏ than, anh giành huy chương vàng tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc - Khu vực I. Một thời gian sau, anh chuyển về công tác tại Đoàn Nghệ thuật Phòng không-Không quân, Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị rồi về Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Năm 1995, anh được trao giải Người hát ca khúc Việt Nam hay nhất tại cuộc thi hát Opera thính phòng toàn quốc, với Trường ca sông Lô (nhạc sĩ Văn Cao). Năm 1999, anh được trao huy chương vàng tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Năm 2007, anh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.