Cam kết mạnh mẽ của Mỹ tại Trung Đông

Trong chuyến công du kéo dài bốn ngày vừa kết thúc ở Trung Đông, Tổng thống Mỹ Joe Biden truyền đi thông điệp khẳng định Mỹ tiếp tục là đối tác tích cực tại khu vực. Thông qua các cam kết tăng cường hợp tác mạnh mẽ hay những cử chỉ thân thiện với các nước trong khu vực, Washington muốn khẳng định lại vị thế không thể thiếu của mình ở Trung Đông.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm chính thức Trung Đông. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm chính thức Trung Đông. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phát biểu tại hội nghị cấp cao giữa Mỹ và sáu nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) cùng với Ai Cập, Jordan và Iraq, diễn ra tại Jeddah (Saudi Arabia), Tổng thống Joe Biden khẳng định Mỹ sẽ không rời đi, mà tiếp tục hiện diện và là đối tác tích cực tại khu vực Trung Đông. Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng, Mỹ và các nước có thể không nhất trí về tất cả các vấn đề, nhưng rõ ràng các bên vẫn có thể hợp tác với nhau.

Hội nghị cấp cao giữa Mỹ và các nước Arab diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm đầu tiên tới Trung Đông của ông Joe Biden trên cương vị Tổng thống. Đẩy mạnh hợp tác song phương với từng nước, tìm lời giải cho bài toán năng lượng, tăng cường kiềm chế Iran, thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Arab… cùng một loạt mục tiêu đầy tham vọng khiến lịch trình bốn ngày tại Trung Đông của Tổng thống Biden trở nên dày đặc.

Israel, một trong những đồng minh quan trọng nhất tại khu vực, là chặng dừng chân đầu tiên và lâu nhất của ông Biden trong chuyến đi lần này. Với Tuyên bố chung Jerusalem, Mỹ và Israel khẳng định mối quan hệ đối tác chiến lược “không thể phá vỡ” giữa hai nước. Nhằm thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Arab, Tổng thống Mỹ khẳng định tiếp tục ủng hộ Hiệp định Abraham nhằm đẩy mạnh sự hội nhập sâu rộng của Israel vào khu vực rộng lớn hơn. Để trấn an đồng minh Israel về vấn đề Iran, Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng mọi yếu tố của sức mạnh quốc gia để bảo đảm Tehran không sở hữu vũ khí hạt nhân.

Đáng chú ý, trong chuyến công du lần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas ở Bờ Tây. Tổng thống Biden khẳng định sự ủng hộ lâu dài và nhất quán đối với giải pháp hai nhà nước, đồng thời thừa nhận người dân Palestine xứng đáng có một nhà nước độc lập, hiện hữu. Mỹ cam kết hỗ trợ 100 triệu USD cho Palestine nâng cấp các dịch vụ y tế và bổ sung 200 triệu USD cho cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine.

Trong chặng dừng chân của Tổng thống Joe Biden tại Saudi Arabia, Mỹ và nước chủ nhà đã ký 18 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực không gian, đầu tư, năng lượng, y tế... Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo Saudi Arabia tại Jeddah, hai nước ra tuyên bố chung khẳng định chia sẻ tầm nhìn về một Trung Đông ổn định và thịnh vượng. Tuyên bố Jeddah sẽ là cơ sở nhằm củng cố và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa Saudi Arabia và Mỹ.

Trong chuyến đi, Tổng thống Mỹ đồng thời cũng tích cực thể hiện thiện chí với một loạt nước trong khu vực. Ông Biden cam kết hỗ trợ 1 tỷ USD giúp bảo đảm an ninh lương thực tại Trung Đông và Bắc Phi. Gặp Tổng thống Ai Cập, lãnh đạo Nhà trắng tái khẳng định cam kết thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ai Cập. Tiếp xúc với người đồng cấp Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), ông Biden chính thức gửi lời mời nhà lãnh đạo UAE tới thăm Mỹ, đánh dấu cử chỉ thân thiện sau nhiều tháng quan hệ căng thẳng liên quan cuộc xung đột tại Ukraine và các vấn đề khác. Hội đàm với Quốc vương Jordan, Tổng thống Biden cam kết Mỹ sẽ cung cấp khoản hỗ trợ không dưới 1,45 tỷ USD mỗi năm cho Jordan…

Chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Joe Biden được giới chuyên gia đánh giá đã gặt hái được những thành quả nhất định trong việc “hâm nóng” mối quan hệ với các đồng minh chủ chốt, mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, còn nhiều bài toán mà Washington vẫn cần tìm lời giải tại khu vực Trung Đông. Mỹ hy vọng trong chuyến thăm lần này thuyết phục được Saudi Arabia và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đối tác tăng sản lượng dầu nhằm hạ nhiệt giá năng lượng. Tuy nhiên, Mỹ đã không nhận được lời hứa hẹn chính thức nào trong vấn đề này.